Khát nước liên tục - dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm

ANTD.VN - Nếu bạn luôn cảm thấy khát nước mặc dù đã uống nhiều nước thì có thể do một số bệnh lý nào đó.

Khi khát nước, chúng ta sẽ nghĩ là mất nước nhưng cảm giác khát đó có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Nếu khát nước liên tục kèm theo những triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, thay đổi da và tóc thì bạn nên đến bác sỹ để kiểm tra. Khát nước có thể là do bạn uống ít nước hoặc vận động nhiều, ăn mặn. Tuy nhiên, nó cũng cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, thiếu máu, huyết áp thấp...

Bệnh tiểu đường

Theo bác sỹ Kimbre Zahn, Đại học Indiana, tình trạng sức khoẻ thông thường nhất liên quan đến tình trạng khát quá mức là bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc 2 có thể làm cho cơ thể bạn khó kiểm soát mức glucose trong máu. Điều này sẽ kích hoạt thận sản xuất ra nước tiểu nhiều hơn để thoát khỏi đường dư thừa, gây mất nước và gửi tín hiệu khát.

Đái tháo nhạt

Mặc dù tình trạng này không liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh đái tháo nhạt cũng có cùng một số triệu chứng, bao gồm khát nước và đi tiểu nhiều. Thông thường, thận sẽ loại bỏ lượng dịch cơ thể dư thừa ra khỏi máu, vận chuyển chúng theo bàng quang. Khi cơ thể mất nước, thận sẽ giữ chất lỏng và làm cho nước tiểu ít hơn. Với chứng đái tháo nhạt, thận không thể giữ được nước. Mặc dù lượng chất lỏng trong cơ thể giảm đi, thận vẫn tiếp tục sản xuất ra một lượng lớn nước tiểu, dẫn đến tình trạng mất nước và tăng tình trạng khát nước. 

Tình trạng này điển hình xảy ra như là do mắc bệnh di truyền, nhưng cũng có thể xảy ra với các bệnh thận mãn tính hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cụ thể như phân tích nước tiểu để có chẩn đoán bệnh chính xác.

Huyết áp thấp

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng stress mạn tính có thể khiến tuyến thượng thận hoạt động kém hiệu quả hơn, giảm huyết áp và dẫn đến khát. Khi huyết áp giảm, cơ thể sẽ nhận được một tín hiệu từ não để uống nhiều nước hơn. Việc bổ sung thêm nước sẽ giúp tăng huyết áp.

Thiếu máu

Theo báo cáo của National Heart, Lung and Blood Institute, thiếu máu là một trong những bệnh lý phổ biến nhất hiện nay. Khi bị mất nhiều máu, cơ thể có thể mất quá nhiều hồng cầu gây thiếu máu, cũng như làm giảm lượng chất lỏng gây ra khát nước.

Khô miệng

Một số người có thể bị khô miệng với triệu chứng khát nước liên tục. Bệnh thường xảy ra do sự lão hóa và sự thay đổi lượng hormone và được điều trị bằng cách giữ nước và tránh những thực phẩm có thể làm khô miệng nhiều hơn, chẳng hạn như caffeine và rượu. Một số thuốc cũng có thể gây ra chứng khô miệng như thuốc hạ huyết áp, và thuốc kháng histamine. Khô miệng đôi khi có liên quan đến các bệnh khác. 

Chu kỳ kinh nguyệt

Trong thời kỳ hàng tháng, phụ nữ có thể rất khát nước. Nồng độ esrogen và progesterone ảnh hưởng đến lượng nước và mất máu cũng dẫn đến việc bị khát thường xuyên. 

Chế độ ăn uống 

Khát nước có thể do bạn ăn thực phẩm có nhiều muối hoặc ăn quá mặn. Ngoài ra, các loại thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như cần tây, măng tây, củ cải đường, chanh, dưa hấu, gừng, rau mùi tây… có thể làm cho bạn khát vì chúng khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Bạn có thể cân bằng cơn khát bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu chất lỏng hơn, giống như bột yến mạch và gạo nâu.