Khảo sát mới: 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, stress

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kết quả một cuộc khảo sát về xu hướng nhân sự vừa công bố cho thấy, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên…
Các đại biểu chia sẻ tại sự kiện về xu hướng nhân sự ngày 7-12

Các đại biểu chia sẻ tại sự kiện về xu hướng nhân sự ngày 7-12

Tại sự kiện kết nối lãnh đạo và cập nhật xu hướng nhân sự do Anphabe tổ chức ở Hà Nội ngày 7-12, đơn vị tổ chức đã công bố chi tiết những kết quả trong cuộc khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022. Cuộc khảo sát này được Anphabe thực hiện với sự tham gia bình chọn của 57.939 người đi làm, 515 công ty và các khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 150 lãnh đạo, quản lý nhân sự ở 20 ngành nghề chính.

Theo khảo sát, so với 2021, mặc dù tình hình kinh doanh năm nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn khá nhiều. Cụ thể, tính tới 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định.

Một “nốt nhạc” tích cực khác là trào lưu nghỉ việc ồ ạt hậu COVID-19 đã “bớt ồ ạt” và có dấu hiệu chững lại. Dự đoán trong 6 tháng đến 1 năm tới, tỷ lệ nghỉ việc sẽ còn khoảng 17%, giảm khá nhiều so với tỷ lệ 23% của giai đoạn ngay sau dịch.

Thêm nữa, dù tình hình kinh tế tiếp tục có những khó khăn mới, nhưng nhiều doanh nghiệp đã làm tốt hơn vai trò xây dựng chiến lược và định hướng tương lai. Bằng chứng là Chỉ số niềm tin của nhân viên vào tầm nhìn và chiến lược của công ty đã tăng lên ngưỡng 75% vào thời điểm tháng 9/2022 so với mức thấp kỷ lục 44% của quý III năm ngoái…

Ở chiều ngược lại, các kết quả khảo sát chuyên sâu của Anphabe cũng ghi nhận những cảnh báo về tình trạng stress ở người đi làm đang khá trầm trọng và ngày càng gia tăng.

Cụ thể, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Trong đó, nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên từ 2-5 năm đang thấy áp lực nhất. Ngành Sản xuất/Vật liệu xây dựng và Ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất, tiếp theo là các ngành Sản xuất/Hóa chất; Dược/Chăm sóc sức khỏe; Xây dựng/Kiến trúc.

Cũng theo khảo sát, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao hơn 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.