Nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn dịp cuối năm |
Đại diện cho liên minh hỗ trợ công nghiệp (VISA) cho biết, các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp thuộc liên minh không có đơn hàng nào mới từ khách hàng EU. Muốn có đơn hàng mới thì doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, cần có tài chính.
Tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp không thể vay tiền ngân hàng bằng hợp đồng mua bán nguyên phụ liệu; Không thể thế chấp nhà xưởng để đổi mới công nghệ do pháp luật hạn chế cho vay bằng bất động sản; Hạn mức tín dụng và lãi suất cao. Trong khi đó, giá vật liệu tăng, chi phí logistic EU cao.
Để ứng phó với tình trạng này, có doanh nghiệp trong ngành đã phải giảm lao động từ 100 người xuống còn 20 người. “Đây là điều đáng tiếc vì ngành công nghiệp hỗ trợ cần thời gian dài mới đào tạo được công nhân. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngành công nghiệp hỗ trợ”- vị đại diện cho hay.
Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, thu hút công nhân hàng đầu nhưng những tháng cuối năm này, tình trạng thiếu đơn hàng cũng diễn ra. Ông Phí Ngọc Trịnh- Tổng giám đốc Công ty CP May Hồ Gươm cũng cho hay, đơn hàng may mặc xuất khẩu bắt đầu sụt giảm từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Tỷ lệ giảm tùy theo đơn vị, từ 50-60%. Nhiều doanh nghiệp ngành may đã phải nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật hoặc nghỉ 1 ngày, làm 1 ngày.
“Khó khăn lớn nhất hiện tại của chúng tôi vẫn là đơn hàng sụt giảm. May Hồ Gươm bố trí nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và không tăng ca thêm giờ. Thông thường, trong 4 tháng cuối năm ngành dệt may sẽ rơi vào chu kỳ thiếu đơn hàng.
Nguyên nhân có thể do lạm phát diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, người tiêu dùng ưu tiên mua khí đốt và thực phẩm. Chúng tôi phải tìm kiếm các loại đơn hàng trong và ngoài nước, biết lỗ nhưng vẫn nhận để công nhân làm (chấp nhận bù giá). Tình hình khó khăn này có thể hết Tết Nguyên đán hoặc nửa cuối tháng 3 năm sau mới ổn định”- ông Phí Ngọc Trịnh nói.
Doanh nghiệp ngành may cho rằng, hầu hết các chính sách thuế hiện nay là ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn duy trì VAT 8%. Còn đối với người lao động, doanh nghiệp kiến nghị được chậm đóng bảo hiểm xã hội 1-2 tháng.
Ông Đinh Hồng Kỳ- Phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam cũng cho hay, ngành vật liệu xây dựng của Việt Nam trong “top 15” nước có quy mô hàng đầu thế giới. Sản phẩm của ngành đã xuất khẩu đi 120 quốc gia trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cầu của thị trường thế giới giảm, thị trường bất động sản “đóng băng” trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
“Chi phí giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến. Phần lớn than phải nhập khẩu (giá than tăng 260%, chi phí than chiếm 55% trong khi cầu giảm nên có nhà máy đóng cửa từ 1-2 dây chuyền. Chưa kể, do cầu giảm nên nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng từ nước ngoài có dấu hiệu bán phá giá vào Việt Nam, buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh cao. Có nhà máy gạch ốp lát giảm sản lượng 50%”- ông Đinh Hồng Kỳ chia sẻ.
Cũng giống như doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác, khi khó khăn về đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải tìm cách cho công nhân nghỉ việc. Theo ông Đinh Hồng Kỳ, đa số các nhà máy cho công nhân nghỉ theo kiểu 1 tuần đi làm 3-4 ngày hoặc đi làm luân phiên.
“Không nhà máy nào đảm bảo 100% công nhân có việc làm. Việc cắt giảm nhiều lao động bắt đầu vào đầu 2022 do đơn hàng xuất khẩu ít và nhu cầu đầu tư công có dấu hiệu chậm; Nhiều nhất là từ tháng 6 đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nhà máy đều phải giữ lại lao động chủ chốt hoặc chuyển họ sang công việc khác nhưng vẫn phải đảm bảo thu nhập để giữ chân lao động”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam nói.
Theo phản ánh của doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… khó khăn về thị trường xuất khẩu hay khách du lịch ít cũng đã diễn ra. Đáng nói hơn, những bất ổn này với doanh nghiệp chưa biết khi nào kết thúc bởi tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ một số loại thuế, phí, chính sách hỗ trợ người lao động để vượt qua khó khăn.