Khẩn cấp ngăn chặn đưa vốn Nhà nước vào đầu cơ

ANTĐ - Cách đây 4 năm, ngay khi bong bóng bất động sản xì hơi, tất cả các ngành kinh tế lúc đó đang ăn nên làm ra cùng bất động sản như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đột ngột lao xuống đáy vực thua lỗ. DNNN được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. 

Và tất nhiên, trong cơn sốt nóng bất động sản, ngân hàng…các DNNN cũng không ngoại lệ. Hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn DNNN đã nằm trong các dự án đang thua lỗ. Chỉ riêng đối với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, tính đến cuối năm 2011, đã đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng, bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng, chứng khoán là 696 tỷ đồng và quỹ đầu tư là 677 tỷ đồng. 

Nguyên tắc, đầu tư ngoài doanh nghiệp phải đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN đã bị vi phạm, nhưng thực tế nhiều DNNN thua lỗ, thất thoát tài sản vì đầu tư ra ngoài ngành.

Có thể lấy ví dụ việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố mua lại bắt buộc OceanBank (OJB) với giá 0 đồng để trở thành chủ ở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng này, qua đó, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu đã làm cho khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Oceanbank sẽ trở thành “một đi không trở lại”. Chính vì vậy, ngay khi tham gia Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay khi các thị trường đầu cơ bắt đầu nóng lên, việc ngăn chặn đưa vốn Nhà nước vào đầu cơ trở nên khẩn cấp. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2015/CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Kể từ 1-12-2015, DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ khi có ngành nghề kinh doanh là bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những doanh nghiệp đã góp vốn, đầu tư vào những lĩnh vực trên phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Cùng với việc thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, việc hạn chế các DNNN đầu tư ngoài ngành là một quyết sách đúng đắn nhằm tăng thêm sức mạnh thị trường cho các DNNN, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Các DN sẽ có điều kiện hoạt động thông thoáng hơn, nhất là trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam gia nhập sân chơi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).