Chống đô la hóa triệt để, cần biện pháp mạnh hơn

ANTĐ - Đây là đề xuất được TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành 2 quyết định nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. 

Chống đô la hóa triệt để, cần biện pháp mạnh hơn ảnh 1Từ phía ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng đề xuất nên tiếp tục giảm thêm lãi suất
huy động USD

Nên thu phí doanh nghiệp gửi USD

TS Nguyễn Đức Hưởng chỉ ra rằng: “Việc NHNN đưa lãi suất huy động USD của doanh nghiệp về mức 0% và của cá nhân về mức 0,25%/năm, đồng thời quy định thắt chặt hơn mua bán ngoại tệ chính là thực hiện lộ trình chống đô la hóa ở Việt Nam. Mặt khác, các biện pháp này được đưa ra cũng nhằm đảm bảo nhu cầu vốn hợp lý của doanh nghiệp”.

“Các biện pháp nói trên là hết sức tích cực, tôi cho rằng cần phải làm thêm, mạnh hơn nữa để việc chống đô la hóa triệt để hơn. Tôi đề nghị có thêm một bước nữa là đưa lãi suất tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng xuống mức âm. Doanh nghiệp dự trữ ngoại tệ không bán ra sẽ phải chịu trả phí cho ngân hàng thương mại. Cùng với đó, lãi suất huy động USD đối với cá nhân cũng phải đưa xuống mức 0% thay vì 0,25%/năm như hiện nay”, TS Nguyễn Đức Hưởng đề xuất. 

Ông Hưởng cũng cho biết, các quy định vừa được NHNN đưa ra dựa trên khả năng cung ứng ngoại tệ của NHNN là đảm bảo và dồi dào, tránh tâm lý găm giữ. Việc găm giữ USD có thể dẫn tới những tác động không mong muốn và doanh nghiệp tự làm khó cho chính mình. “NHNN đã tạo sân chơi công bằng cho các ngân hàng, khi thiếu USD sẽ được NHNN đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Hưởng khẳng định. 

Ghi nhận trên thị trường cũng cho thấy, sau các quyết định mạnh tay của NHNN, giá USD tại các ngân hàng liên tục giảm mạnh, tính từ đầu tuần, mức giảm đã lên tới hơn 300 đồng mỗi USD. Trên thị trường tự do, giá USD cũng liên tục điều chỉnh giảm, đưa mức giá giao dịch về sát mức niêm yết của các ngân hàng. 

Vay USD có lợi hơn vay VND?

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết: “Quan sát diễn biến thị trường cho thấy, sau quyết định giảm lãi suất huy động USD và siết chặt mua bán ngoại tệ, lượng USD của các doanh nghiệp và cá nhân bán cho ngân hàng có tăng lên chút ít nhưng không phải là đột biến”. 

“Rõ ràng, người dân, doanh nghiệp vẫn muốn gửi một số lượng USD trong hệ thống ngân hàng để vừa  dự trữ, vừa để thanh toán trong tương lai gần, nhất là đối với các doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm có rất nhiều hợp đồng mua bán, xuất - nhập khẩu. Mặt khác người dân cũng như doanh nghiệp lựa chọn việc đa dạng hóa dòng vốn đầu tư, không để tất cả trứng vào một giỏ cũng là điều dễ hiểu”, ông Lực phân tích. Cùng với đó, tâm lý muốn giữ USD đã giảm đi rất nhiều do nhận thấy kỳ vọng tỷ giá tăng lên là thiếu cơ sở. 

Việc giảm lãi suất huy động USD cũng khiến các doanh nghiệp mong chờ lãi suất cho vay bằng USD giảm theo. Về vấn đề này, các chuyên gia cũng bày tỏ sự đồng tình, tuy nhiên việc điều chỉnh giảm được đánh giá là cần có độ trễ nhất định. Và mức giảm lãi suất đầu vào chỉ là 0,25% nên mức lãi suất cho vay nếu có giảm cũng không nhiều. Tuy nhiên, việc vay USD cũng không có lợi hơn so với vay tiền VND, nguyên nhân là lãi suất vay  từ 3,5% đến 6%/năm, trong khi vay bằng VND, lãi suất bình quân vào khoảng 7-9%.

Độ chênh lệch về lãi suất không phải quá lớn, trong khi vay USD doanh nghiệp phải lo rủi ro tỷ giá. Trước lo ngại việc giảm lãi suất huy động USD sẽ tác động tới kiều hối chuyển về Việt Nam trong giai đoạn cuối năm, các chuyên gia cho rằng, lâu nay người dân gửi USD vào ngân hàng không phải để lấy lãi suất. Vì thế, khi lãi suất huy động USD vốn đã thấp, nay được điều chỉnh giảm 0,5%, cũng không nên lo ngại việc người dân không gửi kiều hối về Việt Nam.