Khám “sức khỏe” doanh nghiệp

ANTĐ - Từ khi nước ta ban hành Luật Doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp tăng “chóng mặt”, đếm không xuể. Đến cuối năm 2011, dự kiến sẽ có tới 624.000 doanh nghiệp, sau khi có thêm 64.000 doanh nghiệp đăng ký trong 10 tháng đầu năm nay theo báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư báo cáo trước Quốc hội. Thế nhưng hiện còn bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động thì không ai biết rõ.

Một Thứ trưởng của Bộ Kế hoạch - Đầu tư trích số liệu của Tổng cục Thuế cho biết, có tới 47.000 doanh nghiệp được xác định không có hoạt động từ đầu năm đến tháng 10. Con số này gần đúng với báo cáo của Bộ trưởng trước Quốc hội: 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại tỏ ra hoài nghi báo cáo của Bộ này. Ông đưa ra bằng chứng gián tiếp nhưng đáng tin cậy cho thấy, số doanh nghiệp đóng cửa có thể lên tới 30-35% tổng số doanh nghiệp, gấp 3-4 lần số liệu công bố.

Con số của Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê cũng lệch khá xa so với báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Chuyện số liệu doanh nghiệp không trùng khớp cũng chẳng đến nỗi phải quá bận tâm, chuyện đáng lo ngại là thể trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho hay, khi đến kiểm tra tại nhiều địa chỉ mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng chẳng thấy đâu.

Tổng cục Thuế cũng thừa nhận số doanh nghiệp “mất tích” thì không được tính vào kết quả điều tra doanh nghiệp hàng năm vì không ai quản lý được. Muốn khám “sức khỏe” doanh nghiệp Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đang tiến hành khảo sát để công bố vào cuối năm 2011. Theo “khảo sát” bước đầu chưa cần những “xét nghiệm” cụ thể, có thể nói nhiều doanh nghiệp đang “đuối” dần. Doanh thu có tăng nhưng giá nguyên liệu tăng nên lợi nhuận thu được trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm. Cộng với lãi suất cao, đầu ra vừa hẹp, vừa khó, nên khả năng quay vòng vốn thấp từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp yếu dần. Từ Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Gỗ cho đến Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đều kêu “trời” vì tình trạng chi phí đầu vào tăng, quỹ lương tăng, chi phí đầu vào sản phẩm, chi phí vận tải tăng, trong khi giá đơn hàng gia công giảm, khiến cho nhiều doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng chưa kể lỗ lũy kế. “Sức khỏe” doanh nghiệp yếu dần thì đương nhiên người lao động còn khốn khó hơn. Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp ở một trung tâm tại Hà Nội cho biết, chỉ riêng trong tháng 10, số người lao động mất việc đến xin trợ giúp lên tới 2.300 người, gần bằng cả năm 2010.

Trong 10 tháng đầu năm tổng số người đến xin trợ giúp đã lên tới 16.000 người, cao hơn so với 3.000 trong năm ngoái. Danh sách những lao động đến làm thủ tục xin bảo hiểm thất nghiệp đều là những công ty có tiếng tăm ở Hà Nội từ dệt may, thiết bị điện, cơ khí… Nguyên nhân chủ yếu làm người thất nghiệp tăng lên là do các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất vì suy giảm kinh tế. Mặt khác, nhiều công nhân xin nghỉ việc vì doanh nghiệp trả lương quá thấp chỉ có 1,8-2 triệu đồng/tháng. Theo kết quả điều tra lao động của 4.273 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện, số lao động trong tháng 10 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh nhất là 4,1%. Số lao động ngành sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng cao nhất ở mức 8,8%. Tuy vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, những con số này không phản ánh tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Khám “sức khỏe” doanh nghiệp thực ra không đến mức khó như chẩn đoán bệnh. Doanh nghiệp yếu sức thì kinh tế không thể mạnh, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động cũng có nghĩa là số lượng người lao động mất việc, thất nghiệp phải tăng lên theo cấp số nhân, kéo theo những vấn đề đáng lo ngại về an sinh xã hội. Đây là bài toán không dễ giải.