Khám phá xe tăng hạng trung ZTZ-59 của Trung Quốc (1)

ANTĐ - Trung Quốc có thói quen nâng cấp, cải tạo thêm một vài tính năng để tạo ra các phiên bản và biến thể vũ khí khác nhau. Vì vậy, trong biên chế của họ, mỗi loại vũ khí đều có vài ba, thậm chí hàng chục phiên bản.

Thế hệ ZTZ-59 thứ nhất: nâng cấp nhiều nhưng không chất

Tháng 3 năm nay, trước thông tin Việt Nam nâng cấp xe tăng T-54 đạt chuẩn xe tăng hạng trung hiện đại trên thế giới, “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc đã đăng tải bài viết nghi ngờ khả năng này vì cho rằng công nghiệp quốc phòng của Việt Nam còn non yếu, không thể phút chốc tạo lên một bước “đại nhảy vọt” như vậy. Đây là thói quen thường thấy của người Trung Quốc. Họ thường chê bai vũ khí, trang bị của người, tâng bốc vũ khí, trang bị của mình thuộc loại tiên tiến và hiện đại nhất. Chúng ta cùng tìm hiểu con đường phát triển xe tăng T-59 (ZTZ-59) của Trung Quốc để làm rõ quan điểm này.

ZTZ-59 ra đời vào năm 1958, là loại xe tăng hạng trung đời 59, được Trung Quốc phỏng chế theo nguyên mẫu xe tăng T−54A của Liên Xô cũ, kí hiệu là WZ−120. Đơn vị phụ trách sản xuất là nhà máy chế tạo xe tăng số 1 đặt tại Bao Đầu - khu tự trị Nội Mông (phiên hiệu quân sự là nhà máy công nghiệp 617). Từ trước đến nay Trung Quốc đã sản xuất tổng cộng hơn 1 vạn chiếc, hiện lục quân và hải quân đánh bộ Trung Quốc còn sử dụng khoảng 5500 chiếc loại này, đa số là loại 59/59I/II và số ít loại 59D/D1/P/125 .

ZTZ-59 có trọng lượng 36 tấn với 4 thành viên, chiều dài (tính cả nòng pháo) là 9m và 6,04m (không tính nòng pháo); chiều rộng 3,27m; cao 2,59m (tính đến đỉnh tháp pháo); gầm xe cách mặt đất 0,42m.

Khám phá xe tăng hạng trung ZTZ-59 của Trung Quốc (1) ảnh 1
Xe tăng chủ lực ZTZ−59 thế hệ đầu tiên được cải tiến từ T-54A

Xe được trang bị vỏ thép dày 203mm; sử dụng dộng cơ Diezen 12150L V−12, công suất 390kw (tương đương 520 mã lực); tốc độ tối đa trên đường quốc lộ là 50km/h, tốc độ trung bình trên đường quốc lộ từ 30 − 33 km/h.

Hành trình tối đa trên đường quốc lộ của ZTZ-59 là 440 km (dùng thêm thùng dầu phụ phía sau là 600km). Nó có khả năng leo dốc lên, xuống với góc tối đa 300; vượt qua hào rộng 2,7m; lội nước (không có chuẩn bị) sâu 1,4m, sử dụng ống dẫn khí thì đạt độ sâu 5,5m.

Vũ khí chủ yếu của ZTZ-59 là 1 bệ pháo nòng rãnh xoắn 100mm (phỏng chế từ loại D−10T2S) với 34 quả đạn nổ và đạn xuyên; vũ khí bổ trợ bao gồm 1 khẩu súng máy phòng không 12,7mm, 1 khẩu súng máy đồng trục 7,62mm.

Thói quen cố hữu của người Trung Quốc là rất thích “sáng tác” thêm 1 tí rồi tự cho là “tác phẩm mới” nên họ đã nâng cấp, cải tiến nguyên mẫu T-59 rất nhiều lần. Có thể nói, đây là lối mòn trong tư duy phát triển vũ khí, trang bị của Trung Quốc. Hiện trên thế giới không nước nào có số lượng phiên bản và biến thể của 1 chủng loại vũ khí nhiều như Trung Quốc.

Đơn cử ví dụ 2 loại vũ khí đã phát triển trọn một thế hệ là máy bay J-7 và tàu hộ vệ 053. Thế hệ máy bay tiêm kích J-7 gồm 7 biến thể là J-7 I/II/B/D/E/G/H; tàu hộ vệ tên lửa thế hệ 053 có 2 lớp Giang Hồ và Giang Vệ với 7 phiên bản khác nhau. Trong đó, lớp Giang Hồ có các loại 053H/H1/H2/H1G/HT (Giang Hồ/I/II/III/IV/V); lớp Giang Vệ cũng có các loại 053 H2G/H3 (Giang Vệ I, II) và hiện vẫn đang phát triển tiếp! Vì vậy, cũng không lạ gì khi ZTZ-59 có tới hàng chục phiên bản và biến thể khác nhau.

Khám phá xe tăng hạng trung ZTZ-59 của Trung Quốc (1) ảnh 2
ZTZ-59I được lắp đặt bệ pháo 100mm kiểu 69−II, phỏng chế từ loại D10−TG

Phiên bản nâng cấp đầu tiên của xe tăng T-59 là ZTZ-59I, nó được lắp đặt bệ pháo 100mm kiểu 69−II (phỏng chế từ loại D10−TG) với 44 quả đạn (bao gồm đạn nổ, đạn phá và đạn xuyên bóc vỏ thép cát tút bằng Vonfram), thiết bị đo cự li bằng lade, hệ thống thủy lực Servo, hệ thống điều khiển hỏa lực giản tiện, hệ thống tự động chống cháy…

Phiên bản thứ 2 là ZTZ−59II được nhà sản xuất gọi là WZ−120B, được trang bị 1 bệ pháo 105mm nòng rãnh xoắn đời 81 do Áo sản xuất (phỏng chế theo loại L7 của công binh xưởng Hoàng Gia - Israel) gồm 44 quả đạn (đạn nổ, đạn phá và đạn xuyên xé vỏ thép có cánh ở đuôi). Một bộ phận được trang bị thiết bị vô tuyến điện hiện đại và hệ thống chữa cháy. Loại xe tăng này được sản xuất trong khoảng năm 1982 - 1985.

ZTZ-59IIA là phiên bản thứ 3, nó được trang bị bệ pháo chính 105mm, vỏ thép bằng vật liệu phức hợp chống cháy, tương tự như loại M−1984 của quân đội Mỹ. Kiểu này có 2 chủng loại là loại xe tăng chỉ huy và xe tăng rà quét mìn. Hiện 2 loại 59II/IIA vẫn là trang bị chủ yếu trong lực lượng lục quân Trung Quốc nhưng 2 loại này cũng đang dần bị thay thế bởi các loại cải tiến hiện đại hơn từ kiểu 59D trở lên.

Khám phá xe tăng hạng trung ZTZ-59 của Trung Quốc (1) ảnh 3
ZTZ-59II được sản xuất trong giai đoạn 1982 – 1985

Trung Quốc còn áp dụng một số công nghệ phương Tây để cải tiến một số xe tăng T-59 thành 2 biến thể là B59G và BW120K (điểm cải tiến chủ yếu là thay tháp pháo cũ bằng 1 bệ pháo nòng trơn 120mm kiểu xe tăng M-256 của Mỹ). Tính năng của 2 loại xe tăng này được Trung Quốc cho là có thể sánh ngang với loại M-256 của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc còn 1 phiên bản là 59Gai, không rõ số lượng sản xuất và tính năng như thế nào.

Như vậy chúng ta có thể thấy, riêng số lượng các phiên bản và biến thể của ZTZ-59 thế hệ thứ nhất đã tới gần chục loại, thường chỉ khác biệt một vài chi tiết rất nhỏ như kiểu pháo nòng trơn hay rãnh xoắn hoặc cỡ nòng to hay nhỏ, kích cỡ và độ dày của vỏ thép… mà không có sự đột biến về mặt công nghệ. Tất cả các loại 59/59I/II/IIA đều sử dụng động cơ Diezen 12150L công suất 520 mã lực (hp), chỉ từ đời 59D trở lên mới được trang bị loại động cơ 12150L7 với công suất được nâng lên 580, 730 và 800 hp. Chỉ từ thế hệ xe tăng thứ 2 trở đi (tính từ ZTZ-59D) mới sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới.

(Còn tiếp)...