Khám phá bí mật “kho vàng” trên núi Chúa - Bà Nà (1)

ANTĐ - "...Sau khi thành lập cơ xưởng làm vàng được 3 năm, số vàng rất nhiều, gặp phải Việt Minh cướp chính quyền thì chủ tôi đem số vàng 100kg đi chôn...”
Ngô Đình Diệm (giữa) dự lễ khánh thành đường Hòa Sơn- Bạch Mã năm 1962.

 Ngô Đình Diệm (giữa) dự lễ khánh thành đường Hòa Sơn- Bạch Mã năm 1962.

Anh bạn tôi là người chuyên nghiên cứu về lịch sử, cho chúng tôi biết, anh vừa tình cờ phát hiện trong kho lưu trữ lá thư của một “phu vàng” gửi ông Ngô Đình Diệm - nguyên Tổng thống chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, giai đoạn 1955-1963. Lá thư được viết vào đầu năm 1957, có nội dung “trình báo” về một kho vàng trên núi Chúa - Bà Nà ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ chuyện kể của các nhân chứng và tài liệu thu thập được, chúng tôi đã tiến hành điều tra và chuyển đến bạn đọc những thông tin về “kho vàng” này.

Người viết bức thư gửi Ngô Đình Diệm xưng danh là Cao Đắc Ẩn (63 tuổi, trú thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Thanh, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Thư ông Ẩn viết có đoạn: “Kính thưa cụ! Trong thời kỳ Pháp thuộc năm 1942, tôi có làm công dẫn đường cho một người Pháp để mở xưởng làm vàng tại xứ Sông Vàng. Sau khi thành lập cơ xưởng làm vàng được 3 năm, số vàng rất nhiều, gặp phải Việt Minh cướp chính quyền thì chủ tôi đem số vàng 100kg đi chôn...”.

Theo ông Ẩn, số vàng được chôn trên núi Chúa - Bà Nà. Thế nhưng khi ông cùng người chủ trở về làng thì người chủ bị bắt đưa vào miền Nam. Từ đó, rất nhiều người tới hỏi ông về “kho vàng”, nhưng ông không tiết lộ... Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực ra người Pháp làm vàng ở vùng sông Vàng mà ông Ẩn nêu trong bức thư là ông Meitel, con rể của ông Chevalier - Cảnh sát trưởng người Pháp tại Đà Nẵng vào năm 1942,  một chuyên gia về hầm mỏ, làm đại diện cho một Cty Pháp làm vàng ở sông Vàng (thuộc địa phận xã Ba - Trung Mang, Đông Giang, Quảng Nam hiện nay, nằm dưới sườn núi phía Tây núi Chúa - Bà Nà).

Điều này được xác nhận bởi một tờ trình của một dân biểu tỉnh Quảng Nam thời Ngô Đình Diệm, đó là ông Dư Đức Thuận, người trực tiếp nhận thư của ông Ẩn trình lên Ngô Đình Diệm.

Tờ trình của ông Thuận còn lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, cùng lá thư của ông Ẩn, có đoạn nêu: “Ở sông Vàng thuộc quận Hòa Vang, cách núi Bà Nà 40km (phải đi mất 2 ngày đường) có một mỏ vàng từ lâu không được khai thác. Trong một lần tiếp xúc với dân địa phương gần núi Bà Nà thì tôi gặp ông Cao Đắc Ẩn. Sau đó vài hôm, ông Ẩn trao cho tôi một bức thư nhờ tôi kính trình lên Tổng thống, mà tôi xin đính kèm theo đây. Tôi xin thưa thêm rằng, người Pháp trong bức thư của ông Cao Đắc Ẩn chính là Meitel, con rể viên Cảnh sát trưởng tại Đà Nẵng thời đó... Ông Cao Đắc Ẩn là người dẫn đường cho Meitel và sau đó giúp việc cho ông này một thời gian cho đến khi Nhật đảo chánh Pháp. Ông sẵn sàng trình bày mọi điều mà mình biết cho chính phủ về sông Vàng...”. 

Lá thư ông Ẩn gửi Ngô Đình Diệm tường trình về kho vàng trên núi Chúa viết năm 1957.

  Lá thư ông Ẩn gửi Ngô Đình Diệm tường trình về kho vàng trên núi Chúa
viết năm 1957.

Sau khi hồ sơ về “kho vàng” núi Chúa được ông Thuận gửi đi thì em ruột của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Cẩn thực hiện dự án mở đường Bà Nà - Bạch Mã. Ngày khánh thành, đích thân Ngô Đình Diệm tới dự, dư luận thời đó đồn ầm ĩ rằng, Ngô Đình Cẩn “đánh hơi” được kho vàng nên nghĩ ra chiêu mở đường, nhưng thực chất là để tìm kho vàng, tuy nhiên kho vàng vẫn nằm im ở nơi nào đó, bí mật trong lòng núi Chúa...

Trở lại với câu chuyện về bức thư của ông Ẩn. Vậy ông Ẩn là ai, có thật có một ông Ẩn như vậy ở Hòa Sơn không? Một ngày đầu tháng 9-2011, chúng tôi tìm đến thôn An Ngãi Tây, Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng để hỏi thăm. Nhiều cụ cao tuổi đều cho biết, người họ “Cao” không phải gốc ở nơi đây, họ đều từ nơi khác đến sinh sống, lập nghiệp vào những năm chống Pháp. Mọi người cũng không nhớ có một ông nào tên là Cao Đắc Ẩn đi làm “phu vàng” cho Pháp cả.

Quay lại UBND xã Hòa Sơn, bất ngờ chúng tôi gặp một người, nguyên trước đây làm CAX, thì được ông cho biết: “Tưởng chuyện chi chớ, con gái ổng đang làm trong xã đó...”. Hóa ra đó là chị Cao Thị Từ - cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo của xã Hòa Sơn. Chị Từ cho biết, bố chị là ông Cao Đắc Ẩn đã mất cách đây 45 năm, sau một cơn bạo bệnh, ông mất khi 74 tuổi...
Ông Ẩn là người gốc làng Tiên Đõa, Thăng Bình, Quảng Nam, ông đã trải qua 2 đời vợ, nhưng không có con rồi mới lấy bà Nguyễn Thị Đồng (bà Đồng đã mất từ năm 2009) là mẹ chị Từ bây giờ, và cũng chỉ có duy nhất chị là con gái của ông Ẩn với mẹ chị. Chị Từ năm nay đã ngoài 50 tuổi, tính tình rất cởi mở, nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện ông Ẩn và kho vàng núi Chúa, chị lại im lặng lắc đầu. Khi biết chúng tôi có chứng cứ về bức thư ông Ẩn gửi Ngô Đình Diệm, chị mới kể lại câu chuyện mà chính mẹ chị kể với chị trước đây về cha mình...

Chị Cao Thị Từ bên mộ bố mình - ông Cao Đắc Ẩn.

 Chị Cao Thị Từ bên mộ bố mình - ông Cao Đắc Ẩn.

Sau cách mạng tháng 8-1945, ông Ẩn không về quê mà dựng nhà sống tại làng An Ngãi Tây, nhưng rất ít tiếp xúc với người xung quanh. Có lẽ việc do là người trực tiếp tham gia chôn giấu một kho vàng nên ông không muốn cho ai biết thân phận mình... Có một số người cũng biết ông đã từng làm cai vàng cho Pháp ở vùng sông Vàng, nên khi ông mất đi, cũng có một số người đến hỏi, nhưng hai mẹ con chị Từ đều không nói nửa lời, họ không muốn những câu chuyện huyễn hoặc sẽ làm liên lụy đến cuộc sống của mình.

Dẫn chúng tôi ra thăm mộ ông Ẩn nằm bên sườn núi cạnh nhà, chị Từ bảo: “Khi tôi lớn, mẹ tôi nói ông bị nhiễm chất độc gì đó khi đi làm vàng với người Pháp, cả người và chân tay cứ lở loét rồi không đi được nữa...”.

Ông Ẩn cũng kể cho vợ nghe chuyện đi chôn vàng. Ông kể lúc đó khi khiêng vàng đi chôn trên núi Chúa, ông bị bịt mắt, chỉ biết địa điểm đó có nhiều cây tre trúc và nghe suối chảy róc rách... Sau này ông Ẩn có nhiều lần lên núi tìm, nhưng không xác định được địa điểm mà chính mình đã tham gia chôn vàng.

(còn nữa)