Khai tử người đang sống có bị xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, tại phiên xử vụ tranh chấp đòi nhà tại TAND TP.Hà Nội, chủ tọa phiên tòa đã đề nghị điều tra vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống xảy ra tại quận Tây Hồ.

Trước đó, năm 1998, vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An chia cho con trai là Đỗ Mạnh Tiến 185m2 đất. Năm 2005, ông Tiến không may qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Vợ ông Tiến là bà Vũ Thị Viễn đã đến phòng công chứng số 3 để làm thủ tục kê khai di sản thừa kế.

Trong giấy tờ, người thừa kế chỉ có bà Viễn và 2 con gái, còn vợ chồng cụ Hợp được bà Viễn khai là “đã chết”. Song trên thực tế, hiện vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An vẫn đang sống khỏe mạnh.

Trong phiên tòa, chủ tọa xét thấy việc bà Viễn làm thủ tục khai tử bố mẹ chồng đang sống để bán đất có dấu hiệu hình sự nên căn cứ Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự, HĐXX chuyển hồ sơ để đề nghị cơ quan điều tra làm rõ.

Trong văn bản này, cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến được ghi là "đã chết"

Trong văn bản này, cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến được ghi là "đã chết"

Trước đó, tại xã Ea Kênh (H.Krông Pắk, Đắk Lắk) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Bà H’Điêt Ayun đã “khai tử” chồng là ông Y Đuel Niê trong khi ông này vẫn còn sống để thực hiện giao dịch bán đi lô rẫy hơn 2 ha của gia đình. Do tin tưởng bà Ayun, cán bộ tư pháp đã làm giấy chứng tử đối với ông Y Đuel Niê mà không đến tận nơi kiểm tra, xác minh thực tế.

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, các đối tượng đã có hành vi gian dối trong việc “khai tử” người thân trong gia đình nhằm trục lợi.

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính, buộc bồi thường thiệt hại khi khai tử người còn sống, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, những cán bộ, công chức liên quan khi cấp giấy chứng tử cho người đang sống cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về xử lý hành chính, Khoản 2 Điều 30 BLDS 2015 quy định, người chết phải đăng ký khai tử. Theo đó, có thể hiểu việc đăng ký khai tử cho người chết là hành vi trái quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình nêu rõ, từ 1/9, cá nhân thực hiện hành vi làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống…bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, đồng thời bồi thường thiệt hại cho người nhận chuyển nhượng tài sản (nếu có).

Với những người liên quan là công chức xã, phường, căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, những cá nhân này có thể bị xử lí như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.