Khai báo sớm đẩy nhanh tiến độ phá án, có lợi cho bị can, bị cáo

ANTĐ -“Khai báo sớm, khai báo đúng là quyền hàng đầu. Xây dựng quy định và khuyến khích người bị bắt, người tạm giam, bị can, bị cáo khai báo sớm, khai báo đúng là đồng thời khuyến khích họ thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phòng chống tội phạm”…

Đó là ý kiến của Thiếu tướng Phan Văn Tường – Phó Tư lệnh Quân khu I (ĐBQH Thái Nguyên) trong phiên thảo luận tại hội trường về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được quy định tại Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) sửa đổi sáng 17-6.

Cũng theo Thiếu tướng Phan Văn Tường, khai báo sớm, khai báo đúng là quyền hàng đầu. Xây dựng và khuyến khích người bị bắt, người tạm giam, bị can, bị cáo khai báo sớm, khai báo đúng là đồng thời khuyến khích họ vẫn còn nguyên quyền, nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phòng chống tội phạm, kịp thời phát hiện, loại trừ nguyên nhân gây ra tội phạm. Khai báo đúng và chính xác có tác động rất lớn đến hiệu quả phòng ngừa tội phạm, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra về thời gian, công sức, tiền của, tính mạng. Thử hình dung trong nhiều vụ việc, nếu khai báo sớm về thời gian, địa điểm khủng bố hoặc khai báo sớm đối tượng đồng phạm, chủ mưu, có hay không có vũ khí tác dụng to lớn thế nào. Vì vậy, khuyến khích khai báo sớm là chính sách hình sự tiến bộ thể hiện thông qua quá trình tố tụng và tạo điều kiện cho tố tụng.

ĐB Phan Văn Tường phát biểu

Lời khai được coi là nguồn chứng cứ nếu thấy phù hợp với chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội. Khai báo sớm đẩy nhanh tiến độ phá án, là việc làm có lợi cho các bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, sự im lặng của bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng và đôi khi gây bất lợi cho chính họ. Nên giới hạn quyền đó sao cho vừa phù hợp với trách nhiệm công dân, tính công khai dân chủ. Việc cấm bức cung, dùng nhục hình phải đồng bộ nhiều giải pháp. Giải pháp quan trọng là hệ thống nhà tạm giữ, tạm giam phải là hệ thống độc lập. Hơn nữa, cần coi việc tạo điều kiện cho điều tra, truy tố, xét xử ngang bằng như bảo đảm các quyền còn lại của người bị bắt, bị can, bị cáo. Không vì bảo đảm yêu cầu này mà xem nhẹ, bỏ qua yêu cầu khác. Trong thực tế, không thể lấy oan sai này để sửa oan sai khác.

Quang cảnh phiên họp tại Hội trường

Về việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, đa số ý kiến đề nghị không mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các cơ quan Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước vì không phù hợp với chức năng của các cơ quan này và chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. ĐB Lê Dân Khiết (An Giang) cho rằng, việc không mở rộng cơ quan được tiến hành điều tra là phù hợp nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng của hoạt động điều tra.

Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong những trường hợp cần thiết như đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, mức án chung thân, tử hình, tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, tội xâm phạm an ninh quốc gia; không cần ghi âm, ghi hình đối với những vụ việc đơn giản, quả tang hoặc người phạm tội đã nhận tội vì cho rằng quy định này là thiếu khả thi, gây tốn kém.