Khắc phục lún, nứt trên Đại lộ Thăng Long

(ANTĐ) - Được xem là đường cao tốc dài, rộng nhất Việt Nam, Đại lộ Thăng Long hiện đã xuất hiện nhiều điểm bị lún, nứt. Việc tổ chức giao thông, khắc phục hư hỏng bề mặt, đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông chưa được các cơ quan quản lý xử lý kịp thời.

Khắc phục lún, nứt trên Đại lộ Thăng Long

(ANTĐ) - Được xem là đường cao tốc dài, rộng nhất Việt Nam, Đại lộ Thăng Long hiện đã xuất hiện nhiều điểm bị lún, nứt. Việc tổ chức giao thông, khắc phục hư hỏng bề mặt, đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông chưa được các cơ quan quản lý xử lý kịp thời.

“Ổ gà” lớn tại Km+815 (hướng đi Hà Nội - Hòa Lạc)
“Ổ gà” lớn tại Km+815 (hướng đi Hà Nội - Hòa Lạc)

Đại lộ Thăng Long mới đưa vào sử dụng chỉ khoảng nửa năm nay. Theo giải thích của một số chuyên gia: Đường đang trong quá trình chờ lún! Trên bề mặt đường xuất hiện khá nhiều vết nứt sâu chạy cắt ngang phần đường dành cho xe ôtô. Cùng với đó là ổ gà, đặc biệt là nhiều điểm lún ngập nước khi mưa xuống tạo thành những cái bẫy cho phương tiện giao thông.

Vùng lún nhận thấy rõ nhất tại những đoạn tiếp giáp giữa mặt đường và cầu, đường hầm bê tông cứng nhô lên khỏi mặt đường. Những đoạn này vô hình trung tạo nên “đê giảm tốc” khổng lồ khiến ô tô phóng nhanh bị hất tung rồi hẫng xuống điểm lõm. Một số chỗ, phần tiếp giáp này lút sâu gần chục centimet rất nguy hiểm đối với ô tô chạy tốc độ cao. Lồi lõm, nứt, nước đọng khi gặp mưa, vá nham nhở khiến bề mặt nhiều đoạn như chiếc áo rách.  Điều đáng nói là, hiện tại hệ thống thoát nước, kè chắn hai bên đường chưa được hoàn thành, đất đá lấn bề mặt đường.

Theo ông Trần Sỹ Trung - Tư vấn trưởng Dự án Đại lộ Thăng Long (Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT) - đơn vị trực tiếp thiết kế, tư vấn giám sát thi công tuyến đường thì, cán bộ kỹ thuật của Ban QLDA Thăng Long đã phát hiện hiện tượng lún nứt tại một số điểm trên tuyến như: điểm tiếp giáp giữa cầu chui dân sinh số 3 với mặt đường tại Km 8+502.9m; cầu kênh T24 tại Km 9+780.33m… Nhưng do đường vẫn đang trong quá trình theo dõi lún, nên Ban QLDA đã có phần chậm trễ trong việc bù lún theo thiết kế ban đầu. Bởi theo thiết kế độ lún cho phép trên tuyến cao tốc là 30cm, tại đường gom là 20cm. Còn những điểm lún trên diện rộng là do vị trí trên có nền địa chất yếu, điều này cũng đã được Ban QLDA cũng như đơn vị thi công lường trước và sẽ nhanh chóng bù lún, tạo độ êm thuận cho các phương tiện tham gia giao thông.

Công nhân triển khai các biện pháp kỹ thuật để chống lún tại Km 26+344 (hướng đi Hòa Lạc - Hà Nội)
Công nhân triển khai các biện pháp kỹ thuật để chống lún tại Km 26+344 (hướng đi Hòa Lạc - Hà Nội)

Xung quanh vấn đề chưa trở thành đường cao tốc đã cho phương tiện chạy tốc độ cao, ông Trần Sỹ Trung cho biết, Ban QLDA cũng đã tiến hành khảo sát thực tế và khẳng định, nếu tốc độ xe chạy trên tuyến cao tốc qua các điểm tiếp giáp giữa cầu và mặt đường của phương tiện là 80km/h thì vẫn đảm bảo an toàn.

Đồng thời Ban QLDA Thăng Long cũng đã có công văn (số 162/PMUTL-LHL ngày 14-2-2011) gửi Sở GTVT Hà Nội với nội dung nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian chưa thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám thì 2 làn phía trong (gần dải phân cách giữa) tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ tối tiểu là 50km/h; làn phía ngoài (gần làn dừng khẩn cấp) tốc độ tối đa là 60km/h, tốc độ tối thiểu là 40km/h.

Mặc dù đã kiến nghị yêu cầu quy định giảm tốc độ từ trước đó nhưng hết ngày 30-3-2011, hệ thống biển báo trên toàn tuyến đường này vẫn cho phép xe chạy với tốc độ tối đa 100km/h. Như vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chậm trễ trong việc điều chỉnh, quy định lại tốc độ xe chạy trên tuyến vì không phù hợp trong giai đoạn chưa triển khai thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám.

Điều đáng trách nữa là việc tổ chức, hướng dẫn giao thông thiếu sự cảnh báo, hướng dẫn đối với các phương tiện giao thông như đường mấp mô, đường lún... Với tốc độ tối đa 100km/h mà Sở GTVT Hà Nội cho phép, cộng với những đoạn lún, khe nứt rộng vô hình trung sẽ trở thành cái bẫy, nhẹ thì ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện, nặng thì dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Hiện tại các vết nứt tại những điểm tiếp giáp giữa cầu và mặt đường cũng như những điểm lún do nền địa chất yếu đã được Ban QLDA Thăng Long tiến hành hàn trám, bù lún từ chiều 30-3-2011 nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho người và phương tiện tham gia giao thông trên Đại lộ Thăng Long.   

Quân Anh

 Để xứng tầm Đại lộ Thăng Long

Thường lái xe đi qua Đại lộ Thăng Long, tôi luôn cảm thấy mặt đường không bằng phẳng, nhiều ổ gà và vết nứt to. Là đường cao tốc nhưng không ai dám chạy tốc độ cao vì mặt đường xấu, rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục triệt để thì Đại lộ Thăng Long mới được sử dụng hiệu quả, phát huy hết giá trị kinh tế.  

(Anh Phan Trọng Trung, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)

Cơ sở hạ tầng đi theo Đại lộ Thăng Long chưa được hoàn thiện, mặt đường đầy cát, sỏi. Đường gom thì đầy bụi khiến khó quản lý chất lượng. Mới khánh  thành chưa được bao lâu mà đã xuống cấp thế này thì thật giật mình. Theo tôi, cần nhanh chóng hoàn thiện để sớm phân cấp quản lý trách nhiệm, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

(Anh Nguyễn Hải Hà, Kiến trúc sư)

Đại lộ Thăng Long không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Nội mà còn là bộ mặt quốc gia. Cần khắc phục ngay những nguyên nhân gây lún, sụt một cách hiệu quả, cần thiết thì phải thuê chuyên gia nước ngoài để có biện pháp lâu dài để Đại lộ Thăng Long bền vững, xứng tầm một con đường kinh tế, du lịch.

(Ông Hoàng Phú Đức, 54 tuổi, Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội)

Phú Khánh (Thực hiện)