Kêu oan vô căn cứ, cựu phó hiệu trưởng bị bác kháng cáo

ANTD.VN - Xét nội dung kháng cáo của bị cáo không có căn cứ nên TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác kháng cáo đối với cựu phó hiệu trưởng trường nghề. 

Theo đó, ngày 17-4, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm xét đối với Nguyễn Thị Loan (SN 1977, trú ở phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) – cựu phó hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Trước đó, trung tuần tháng 12-2015, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đồng thời tuyên phạt Nguyễn Thị Loan 17 năm tù về tội danh trên. Phiên tòa sơ thẩm khép lại, cựu phó hiệu trưởng cho rằng bị oan nên có đơn kháng cáo lên án tòa án cấp trên.

Mở tòa lần hai, nội dung vụ án tiếp tục được làm rõ, năm 2007, Nguyễn Thị Loan được tuyển dụng vào làm việc tại trường cao đẳng nghề, thuộc Liên minh HTX Việt Nam. Gần 3 năm sau, Loan được bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng trường này, kiêm Giám đốc Trung tâm đào tạo thường xuyên và ngoại ngữ.

Cựu phó hiệu trường cao đẳng nghề - Nguyễn Thị Loan tại phiên tòa sơ thẩm

Ở cương vị nêu trên từ tháng 10-2010 đến tháng 12-2011, Loan liên tục nhận tiền cùng hồ sơ của hàng chục người dân ở nhiều địa phương và hứa hẹn sẽ đưa họ đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Cùng với đó, cựu phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề đưa ra mức giá xuất khẩu lao động là từ 150 triệu đến 180 triệu đồng/suất.

Để bị hại tin tưởng, Loan còn “vẽ” ra mức lương rất cao là từ 22 triệu đến 28 triệu đồng/tháng cho người sang Hàn Quốc làm việc, đồng thời bảo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động đưa trước cho đối tượng từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/hồ sơ.

Số tiền còn lại, Loan sẽ nhận nốt khi người lao động chính thức được phía đối tác nước ngoài tiếp nhận sang Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra, sau khi nhận hồ sơ xuất khẩu lao động, Loan còn tổ chức cho nhiều người học ngoại ngữ. Tuy nhiên, tất những người đưa tiền cho Loan đều không thể xuất ngoại.

Không đi được Hàn Quốc, các bị hại lần lượt đòi lại tiền nhưng đều bị Loan lấp liếm để chiếm đoạt. Và tổng cộng, Loan đã chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng của 26 bị hại cũng như các đầu mối đứng ra nhờ đối tượng “lo lót” cho đi xuất khẩu lao động.

Cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, Loan không thành khẩn thừa nhận việc sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của hàng chục người dân nghèo, đồng thời cho rằng bản thân bị truy tố và xét xử oan. Tuy nhiên, nữ bị cáo này lại không đưa ra được bất kỳ tình tiết gì mới để chứng minh sự vô tội.

Trái lại, tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của của các bị hại, người liên quan tại phiên tòa sơ thẩm đều chỉ ra rằng Loan hứa hẹn đưa nhiều người sang Hàn Quốc lao động và đã nhận tiền của họ nhưng đều không thành công. Sau đó, cựu phó hiệu trường cao đẳng nghề nhất quyết không hoàn trả lại tiền cho các bị hại.  

Cũng chính vì những lý do trên nên sau nửa ngày xét xử, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đi đến quyết định bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo, do không có căn cứ để chấp nhận. Điều này đồng nghĩa với việc Nguyễn Thị Loan vẫn phải chấp hành 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.