Kết thúc 35 năm đàm phán biên giới trên đất liền

(ANTĐ) - Ngày 18-11, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã ký Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định quy chế quản lý biên giới Việt – Trung, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Buổi lễ có sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ.

Kết thúc 35 năm đàm phán biên giới trên đất liền

(ANTĐ) - Ngày 18-11, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ đã ký Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định quy chế quản lý biên giới Việt – Trung, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Buổi lễ có sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ.

Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giúp đồng bào vùng biên hai nước ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế

Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giúp đồng bào vùng biên hai nước ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế

Sự kiện này mang một ý nghĩa lịch sử, kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, tạo cơ sở cho việc xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa hai nước. Trước đó, từ ngày 16 đến 18-11, hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc đã làm việc hết sức cụ thể và kỹ lưỡng. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn làm trưởng đoàn; đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Đại Vĩ làm trưởng đoàn.

 Hai bên khẳng định sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục tiếp theo để các văn kiện nói trên sớm có hiệu lực và sẽ cùng nhau phối hợp triển khai có hiệu quả các văn kiện nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, góp phần thúc đẩy giao lưu hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, nhất là ở các khu vực biên giới. Hai bên nhất trí sớm khởi động đàm phán xây dựng Hiệp định cùng hợp tác khai thác, phát triển du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân để ký kết trong năm 2010.

Về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định quyết tâm thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là nhận thức chung đạt được giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, tháng 10 vừa qua; tuân thủ nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN – Trung Quốc.

 Kiên trì thông qua đàm phán, hiệp thương hữu nghị nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông, cùng nhau nỗ lực duy trì ổn định trên biển; xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, kể cả vấn đề nghề cá. Hai bên nhất trí sớm tiến hành đàm phán cấp chuyên viên tại Hà Nội về nội dung thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn khẳng định, 3 văn kiện Việt Nam- Trung Quốc vừa ký kết sẽ là cơ sở để các ngành hữu quan hai nước triển khai công tác quản lý biên giới một cách hiệu quả và khoa học. Việc hoàn thành 3 văn kiện trước thời hạn hơn 1 tháng là kết quả của sự nỗ lực chung của cả hai bên, là sự đóng góp thiết thực kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và là sự kiện mở đầu cho “Năm hữu nghị Việt - Trung 2010”.

Nghị định thư phân giới cắm mốc là văn kiện dày 450 trang với trên 2.200 trang Phụ lục kèm theo, gồm: bộ bản đồ địa hình khu vực biên giới Việt - Trung; tập “Bảng đăng ký mốc giới”; tập “Bảng tọa độ, độ cao mốc giới” và tập “Bảng quy thuộc các cồn, bãi trên sông suối biên giới”. Nghị định thư mô tả chi tiết hướng đi của toàn bộ đường biên giới, các chi tiết tọa độ cũng như độ cao của từng cột mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Trung Quốc, từng đoạn biên giới, từng cột mốc biên giới giữa hai nước được thể hiện một cách rõ ràng nhất không chỉ bằng lời văn mà cả trên các sơ đồ và bản đồ, giúp cho người dân có thể dễ dàng nhận biết được đường biên giới.

(Theo TTXVN)