Két sắt “phơi” trước mắt kẻ gian

ANTĐ - Chỉ với máy cắt, kìm và tuốc nơ vít, một anh thợ chuyên đặt bẫy chuột dễ dàng đột nhập, “mổ bụng” két sắt, rút ruột hàng trăm triệu đồng như những tên trộm chuyên nghiệp. Kết quả điều tra các vụ trộm, cậy phá két sắt ở Hà Nội thời gian qua cho thấy, nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà dân đang thờ ơ với việc bảo vệ tài sản, coi thường khuyến cáo của cơ quan công an.

Hai chiếc két sắt bị “chuyên gia” diệt chuột cậy phá

Vụ đột nhập bí hiểm

Vụ đột nhập đầu tiên, đầy bí hiểm diễn ra rạng sáng 1-5, tại cửa hàng đồ ăn nhanh trên phố Núi Trúc. Theo một cán bộ CAQ Ba Đình, trước đó, trong những thực hiện hợp đồng diệt chuột ở đây, Phạm Minh Hiền (SN 1975, nhà ở ngõ 310 Nghi Tàm, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, chủ một công ty chuyên diệt chuột) phát hiện ở phòng làm việc, trên tầng 4 nhà hàng có để một két sắt nhưng hầu như không có ai ngó ngàng, trông coi, đặc biệt vào ban đêm nên đã nảy sinh ý định trộm cắp.

Theo hợp đồng ký kết với cửa hàng, tối 30-4, Hiền mang bẫy đến diệt chuột, cùng túi “đồ” phá két. Sau khi hoàn thành việc đặt bẫy, anh ta không về mà chui tọt vào trong một hốc tường tầng 2 ẩn náu. Khoảng 23h, sau khi nghe tiếng nhân viên khóa cửa, Hiền ung dung mò ra, leo lên tầng 4. Thông thạo mọi ngóc ngách, vật dụng bên trong cửa hàng này nên trước lúc gây án, Hiền dùng khăn đen trùm kín camera giám sát cho… an toàn. Anh ta cũng không quên lên tầng tum đập phá cửa sắt để tạo hiện trường giả, như thể có kẻ gian đột nhập từ bên ngoài. Hoàn thành các bước chuẩn bị, Hiền dùng máy cắt cậy phá cửa két suốt 2 giờ đồng hồ, trộm cắp thành công số tiền 155 triệu đồng. 

 “Ăn” vụ đầu tiên không bị ai nghi ngờ, những lần đến đặt bẫy chuột sau đó, Hiền vẫn tính kế trộm đồ. Anh ta nhận ra cửa hàng đã thay két mới, nhưng chưa có ai trông coi ban đêm. Trước lần ra tay thứ 2, chuyên gia bẫy chuột thậm chí còn tính toán, chọn ngày giờ, chờ cửa hàng tích được một khoản tiền kha khá rồi mới hành động. Qua dò hỏi thông tin, Hiền nắm được quy luật, cứ 2 ngày cuối tuần, cửa hàng sẽ không chuyển được tiền ra ngân hàng mà buộc phải lưu giữ trong két. Kế hoạch phá két được anh ta ấn định vào đêm chủ nhật 12-8. 

21h15 cùng ngày, theo hợp đồng ký kết, Hiền mang bẫy đến cửa hàng diệt chuột. Do là ngày cuối tuần, nên dù đã muộn nhưng quán ăn vẫn nườm nượp khách ra vào. Lẩn trong đám đông, Hiền chui tọt vào cửa hàng lúc nào không ai biết. Sau khi tránh mặt các nhân viên, “chuyên gia” này lẻn vào vị trí ẩn nấp cũ chờ cơ hội. 23h, nghe tiếng mọi người lạch cạch khóa cửa ra về, anh ta lại mò lên tầng 4, dùng khăn đen bịt camera, bật máy cắt trổ lỗ, phá két. Dù đã tính toán, xem ngày nhưng số tiền lần 2 Hiền lấy được chỉ hơn 64 triệu đồng. Giống vụ trộm 3 tháng trước, Hiền định mở cửa sổ tầng 2, thoát xuống đất thì “vướng” một quán nước đông người ngồi phía dưới. Tranh thủ đánh một giấc trong lúc chờ đợi, nhưng không may cho Hiền, khi tỉnh dậy đã là 7h sáng. Đường phố lúc này đã náo nhiệt, không còn cách nào khác, anh ta trốn xuống kho chứa gas ở tầng 1, mục đích đợi nhân viên cửa hàng đến mở cửa để thoát thân. Nhưng anh ta không thể ngờ, nhóm nhân viên đến nơi đã vào luôn khu chứa gas lấy chổi quét, lau nhà và phát hiện “chuyên gia” khúm núm bên trong. Lấy cớ đến thu bẫy chuột, Phạm Minh Hiền nhanh chóng chạy ra ngoài trước khi bị mọi người giữ lại.

Nhận tin báo vụ trộm phá két sắt thứ 2 liên tiếp xảy ra tại cửa hàng này, Đội CSHS CAQ Ba Đình, phối hợp với CAP Kim Mã nhanh chóng tổ chức điều tra. Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, lực lượng công an xác định thủ phạm 2 vụ phá két trên là một. Hiền nổi lên là đối tượng tình nghi số 1. Chiều cùng ngày, CAQ Ba Đình đã bắt giữ Hiền, khi anh ta thập thò ở quán hàng nghe ngóng tình hình. Khám xét nơi ở của Hiền, cơ quan công an thu giữ số tiền anh ta vừa trộm cắp cùng các “đồ nghề” liên quan.

Thiết bị báo động chống trộm két được lắp đặt, kết nối với điện thoại


Bỏ ngoài tai khuyến cáo

Điều đáng nói là, quá trình điều tra vụ trộm đầu tiên, cơ quan công an đã nhiều lần khuyến cáo quản lý nhà hàng phân công người ứng trực, bảo vệ ở đây ban đêm, nhất là những ngày lượng tiền tồn đọng nhiều, song họ vẫn bỏ ngoài tai. Cũng cần phải nói thêm, theo hợp đồng ký kết giữa Phạm Minh Hiền và cửa hàng “gặp nạn” trên phố Núi Trúc, quá trình đặt bẫy diệt chuột, Hiền phải viết biên bản trong đó thể hiện rõ vị trí đặt bẫy trước khi anh ta ra về, bàn giao cho người quản lý. Trong cả 2 lần đột nhập phá két, dù một số nhân viên nhà hàng trông thấy Hiền mang bẫy vào trong “tác nghiệp”, nhưng việc không thấy anh ta đi ra cũng như ký vào biên bản không làm ai mảy may nghi ngờ.

Hai lần bị trộm, mất trên 200 triệu đồng, nhưng cửa hàng đồ ăn nhanh trên phố Núi Trúc còn được cho là may chán vì gặp phải tên trộm nghiệp dư. Như vụ trộm két xảy ra rạng sáng 12-8, tại nhà anh Ngô Nhật Quang (SN 1982), trú ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thì việc truy xét đối tượng gây án gần như không thể. Theo trình báo của bị hại, trong lúc vợ chồng anh ngủ trên tầng 2, kẻ gian đã dùng cưa cưa song sắt cửa sổ, đột nhập vào nhà khoắng đồ. Nhóm này ngang nhiên mở cửa chính, dắt chiếc xe máy hiệu Honda Airblade BKS: 29F1-063.57 và “ẵm” luôn két sắt bên trong có tài sản trị giá khoảng 100 triệu đồng. Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định, “tác giả” vụ trộm là ổ nhóm hoạt động chuyên nghiệp. “Chúng đã nghiên cứu kỹ quy luật sinh hoạt của gia chủ và biết thói quen không đóng cửa sổ khi đi ngủ. Nhóm này đeo găng tay nên công an không thu thập được dấu vết ở hiện trường” - cán bộ Đội CSHS CAQ Tây Hồ cho hay.

Thiết bị chống trộm là giải pháp tình thế

Biện pháp nào để chống trộm, đục phá két sắt ở các cơ quan, cơ sở, nhà dân, câu hỏi được PV ANTĐ đặt ra với một cán bộ Đội CSHS CAQ Ba Đình? Theo cán bộ này, quan trọng nhất là tăng cường người ứng trực, bảo vệ tại khu vực có tài sản, bên cạnh đó,  người dân nên lắp đặt hệ thống báo động chống trộm két sắt để chủ động phòng ngừa. Tìm hiểu thông tin về loại thiết bị này, chúng tôi được anh Nguyễn Đức Thiêm - nhân viên Công ty thương mại Gia Thịnh - công ty chuyên cung cấp két sắt (198 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho biết: Thị trường Hà Nội chưa có loại két bạc chống cậy phá, chỉ có két chống cháy, cách nhiệt. “Là két chống cháy nên chỉ cần một số “đồ nghề” đơn giản, có chút hiểu biết về cấu tạo két sắt, kẻ gian có thể cậy phá dễ dàng” - anh Thiêm thẳng thắn. 

Nói về cơ chế hoạt động của “hệ thống báo động chống trộm két sắt”, anh này giải thích: “Đầu não” của thiết bị - hệ thống báo động sẽ được đấu nối với dây điện thoại cố định (đã cài đặt trước các số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp). Bộ cảm biến nhỏ bằng bao diêm được gắn trong hoặc ngoài két sắt. “Khi có lực  tác động bất thường, hoặc ai đó di chuyển két, hệ thống cảm biến sẽ báo về “đầu não”, bí mật kích hoạt điện thoại cố định gọi đến các số máy cài mặc định, báo cho chủ nhân về hiện tượng bất thường” - anh Thiêm cho biết. Cũng theo một nhân viên Công ty thương mại Gia Thịnh này, ngoài báo động bằng bộ cảm biến lắp bên trong két, các cơ quan, doanh nghiệp có thể lựa chọn hệ thống báo động bằng tia hồng ngoại. Hệ thống này cũng kết nối với điện thoại cố định, kích hoạt khi có bất kỳ người nào đến gần khu vực két mà không được phép của gia chủ. “Mắt thần” được treo trên tường, cách két tối đa 7 mét. Tia hồng ngoại của “mắt thần” sẽ quét toàn bộ những chuyển động trong khu vực quan sát, nên trước khi kẻ gian kịp phát hiện, có hành vi phá hoại, “mắt” đã kích hoạt điện thoại, gọi đến các số được cài đặt. 

Chia sẻ thông tin các thiết bị chống trộm két sắt mà chúng tôi tìm hiểm được, cán bộ Đội CSHS CAQ Ba Đình cho rằng: Việc lắp thêm thiết bị cảnh báo chống trộm két sẽ giúp chủ nhà, chủ cơ quan, đơn vị cảm thấy yên tâm hơn, song đây vẫn là giải pháp có tính tình thế. “Với những nhóm trộm chuyên nghiệp, nếu biết trước, không khó để chúng hóa giải các thiết bị trên” - cán bộ này khẳng định. Muốn phòng ngừa kẻ gian đột nhập trộm, phá két sắt, ngoài việc lắp đặt các thiết bị chống trộm, chủ các cơ quan, xí nghiệp, nhà dân… cần gia cố hệ thống cửa, tăng cường người ứng trực, bảo vệ ở các khu, phòng cất giữ tài sản ban đêm. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa trên, tội phạm trộm, phá két sẽ hết “đất” lộng hành - đại diện CAQ Ba Đình chia sẻ.