Đằng sau vụ tấn công đẫm máu ở Na Uy:

Kẻ sát nhân và “lòng tin cốt lõi”

ANTĐ - Những người may mắn sống sót sau vụ thảm sát ở Na Uy vẫn chưa hết hoảng hốt khi nhớ lại những giây phút kinh hoàng.

 “Tôi nghe thấy nhiều tiếng la hét, những lời van xin tha mạng và những tiếng súng nổ” - Erik Kursetgjerde, 18 tuổi, người tham gia hội trại nói. “Mọi người đều hoảng loạn, trèo lên cây và  lên thuyền để thoát thân. Người chết rất nhiều”. Nhân chứng có tên Thorbjoern Vereive, 22 tuổi kể lại: “Tôi hoảng sợ nhảy xuống nước. Hắn đã bắn tất cả những người bạn của tôi, từng người một ở cự ly rất gần. Nhiều người trốn trong hang nhưng hắn giả vờ thông báo rằng đã an toàn, rồi lại tiếp tục bắn”.

Cảnh sát cho biết đã có 93 người chết trong vụ tấn công đẫm máu ngày 23-7. Thủ phạm gây ra vụ tấn công kép được xác định là Anders Behring Breivik, 32 tuổi, người Na Uy, tín đồ Cơ đốc giáo mang tư tưởng cực hữu. Tên này nhận tội đã gây ra cả hai vụ tấn công, hắn nói, đó là hành động “tàn nhẫn nhưng cần thiết”. Luật sư được chỉ định bào chữa cho Breivik cho biết tên này sẵn sàng giải thích mọi hành động của mình tại tòa án vào hôm nay 25-7.

Tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng

Theo một chuyên gia hàng đầu về tâm lý học tội phạm, hành động thảm sát do Breivik gây ra có thể là kết quả của xung đột nội tại liên quan đến hai lòng tin cốt lõi của hắn. “Điều quan trọng then chốt nhất luôn luôn là động cơ. Tôi chắc rằng khi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, chúng ta sẽ thấy được có một sự pha trộn giữa động cơ chính trị và cá nhân” - David Wilson, giáo sư tội phạm học trường đại học Birmingham nói.

Lý do chính trị có vẻ đã tương đối rõ ràng. Mục tiêu đánh bom là tòa nhà chính phủ và sau đó thủ phạm đã tới đảo Utoeya tấn công vào trại hè của thanh niên do Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Jens Stoltenberg tổ chức. Còn động cơ cá nhân thì ở giai đoạn này có vẻ khó làm rõ hơn. Nhưng theo giáo sư David Wilson thì, “nó thường xuất phát từ lòng hận thù”.

Trên trang web cá nhân Facebook của Breivik, hắn nói mình là một tín đồ Cơ Đốc giáo và một người bảo thủ. Hắn cũng liệt kê các sở thích như phân tích chính trị, thích chơi game chiến tranh và là người hâm mộ nhà tâm lý học William James cũng như triết gia William James với luận thuyết “On Liberty” chống lại “sự chuyên chế của đa số”. Theo phán đoán của các chuyên gia, có thể Breivik thù hận những người nhập cư.

Nhiều người cho rằng vụ thảm sát được gây ra bởi một tay súng loạn trí, tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều này không đúng với Breivik. Hắn đã lên kế hoạch rất rõ ràng, cụ thể và mang theo số vũ khí đạn dược đủ để hoạt động trong suốt hai giờ đồng hồ. Thậm chí, một trang web của Na Uy đã công bố tài liệu cho thấy Breivik đã lên kế hoạch vụ tấn công từ nhiều năm. Đó là cuốn sách điện tử 1.500 trang có liên quan trực tiếp tới âm mưu và lịch trình các bước tiến hành hành động thảm sát đẫm máu này. Cuốn sách cũng trình bày chi tiết kế hoạch phá hoại trại hè thanh niên do Đảng cầm quyền tổ chức và sát hại các thành viên ban lãnh đạo Đảng. Theo một nguồn tin, Breivik là thành viên Hội Tam điểm và đã bí mật gặp gỡ các tổ chức này ở nhiều nơi trên thế giới. Cảnh sát Na Uy cũng cho biết Breivik từng là thành viên câu lạc bộ bắn súng Olso. Hắn đã trang bị súng ngắn và súng tiểu liên trong vụ thảm sát trên và chưa bao giờ ở trong danh sách các đối tượng cần chú ý của cảnh sát.

 Tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng

Hãng tin BBC cho biết, Breivik nói rằng hắn đã hành động một mình trong cả hai vụ tấn công, tuy nhiên, cảnh sát đang điều tra khả năng có một kẻ khác liên quan. Một số người cho biết, có hai kẻ tấn công trên đảo. “Lời khai của một số nhân chứng có mặt trên đảo khiến chúng tôi không chắc chắn có một hay nhiều kẻ tấn công” - Cảnh sát  trưởng Sveinung Sponheim nói.
Sau vụ tấn công đầu tiên, cảnh sát phải mất 90 phút mới tới được hòn đảo nơi xảy ra vụ tấn công thứ hai. Sự chậm trễ này là do cảnh sát không có máy bay trực thăng và phải tìm kiếm mãi mới có một chiếc thuyền để sang đảo. Tên Breivik đã đầu hàng ngay khi gặp cảnh sát.