Kế hoạch bắt giữ trùm buôn lậu vũ khí có biệt danh "Con công"

ANTD.VN - “Peacock” là biệt danh của Monzer al-Kassar, người gốc Syria, kẻ khét tiếng trong giới buôn lậu súng đạn thế giới. Từ năm 1972 cho đến khi bị bắt năm 2007, Monzer al-Kassar đã bán hàng vạn đầu vũ khí cho các lực lượng ly khai, khủng bố và tội phạm quốc tế. Tháng 8-2017, các nhân viên thuộc Cơ quan chống ma túy (DEA) của Mỹ mới tiết lộ những bí mật liên quan đến chiến dịch bắt giữ Monzer al-Kassar kéo dài hàng chục năm để đưa tên này về Mỹ xét xử.

Lực lượng DEA dẫn độ Monzer al-Kassar về đến Mỹ

Câu chuyện được James Soiles, Giám đốc điều hành của DEA đã nghỉ hưu và Nicholas J. Nargi, Trợ lý đặc biệt của DEA, những người từng trực tiếp chỉ đạo và tham gia chiến dịch bắt giữ Kassar thuật lại. Theo đó, trong nhiều năm, lực lượng thực thi pháp luật Mỹ gần như tuyệt vọng trong nỗ lực bắt giữ “Peacock”, biệt danh của tay lái buôn vũ khí, kẻ đứng đằng sau những vụ tấn công bạo lực nhất thế giới. 

Buôn từ ma túy đến vũ khí

Sinh ngày 25-7-1935 tại al-Nabk, Syria, Monzer al-Kassar có cha là một quan chức cao cấp trong Chính phủ Syria dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad. Cha của Kasssar từng là Đại sứ đầu tiên của Syria ở Ấn Độ rồi sau đó là Canada. Thừa hưởng từ người cha làm công tác ngoại giao, Kassar đọc thông viết thạo 5 thứ tiếng, ngoài hộ chiếu Syria, ông ta còn có hộ chiếu Yemen và Argentina.

Tốt nghiệp ngành luật ở Roma, Italia năm 1960 nhưng không theo ngành đã học, Kassar lựa chọn bán các loại chất gây nghiện để lập thân. Năm 1970, đối tượng bị bắt tại Copenhagen, Đan Mạch vì tội mua bán cần sa nhưng chưa đến mức truy tố. Sau đó, Kassar sang nước Anh, sống trong một căn hộ ở quảng trường Sloane, London và lại tiếp tục mua bán không chỉ cần sa mà còn cả heroin.

“Để ngăn cản một tay buôn bán vũ khí quốc tế, bạn đang thực sự nhảy múa cùng ma quỷ”. 

Nicholas J. Nargi (Trợ lý đặc biệt của Cơ quan chống ma túy Mỹ)

Đầu năm 1972, một người Lebanon chuyên bỏ mối cần sa, heroin cho Kassar hỏi ông ta liệu có thể tìm mua giúp cho một nhóm nổi dậy ở Lebanon một số súng đạn hay không? Tìm hiểu thị trường súng đạn và nguồn mua qua các quan hệ của bố mình, Kassar đồng ý thực hiện phi vụ. Sau khi giao cho nhóm Lebanon lô hàng gồm 400 khẩu AK47, 100 khẩu súng chống tăng RPG, 200 quả lựu đạn, Kassar bắt đầu đưa thêm vũ khí vào mặt hàng buôn bán của mình.

Kassar tiếp tay cho các lực lượng ly khai, nhóm khủng bố ở nhiều quốc gia vùng Trung Đông Á, Đông Âu, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Một trong những vụ tấn công tàn bạo nhất có liên quan trực tiếp đến Kassar là vụ cướp tàu Achille Lauro.

Tàu thủy du lịch Achille Lauro, quốc tịch Italia bị nhóm thành viên Mặt trận Giải phóng Palestine (PLF) đánh cướp năm 1985

Năm 1985, chiếc tàu thủy du lịch Achille Lauro, quốc tịch Ý bị nhóm thành viên Mặt trận Giải phóng Palestine (PLF), đánh cướp và bắt giữ hàng chục con tin khi nó đang neo đậu ở Ai Cập, để buộc Israel phải trả tự do cho tất cả các thành viên PLF đang bị giam giữ. Vụ việc đã gây sốc toàn thế giới. Trong vụ tấn công, những kẻ khủng bố đã bắn hành khách Leon Klinghoffer, một nhà kinh doanh chuyên sản xuất thiết bị, người Mỹ gốc Do Thái và ném anh ta xuống biển. Dã man ở chỗ Leon Klinghoffer khi đó đang ngồi xe lăn do vừa trải qua cơn đột quỵ.

“Monzer al-Kassar cung cấp vũ khí cho vụ tấn công. Hắn ta mang vũ khí từ Ba Lan và chuyển cho các chiến binh“, ông James Soiles cho biết. Còn ông Nicholas J. Nargi cho hay: “Ngoài việc cung cấp vũ khí, Kassar còn hỗ trợ hậu cần cho vụ cướp tàu này”.

 Lâu đài Marbella của “Peacock”

Giăng bẫy

Chỉ sau 8 năm buôn vũ khí, đến năm 1980, tài sản của Kassar ước tính khoảng 26 tỷ USD và được coi là một trong những người giàu nhất thế giới. Ngay từ đầu, Kassar đã khoe khoang sự giàu có của mình. Hắn ta sống xa hoa, mặc quần áo hàng hiệu, đi xe đắt tiền, ở trong tòa lâu đài tại Marbella, Tây Ban Nha và sở hữu nhiều bất động sản ở các quốc gia. Tất cả điều này làm nên biệt danh “Peacock” (“Con công”) kiêu ngạo.

Các nhân viên DEA đánh giá Kassar là “tội phạm toàn cầu”, và là một trong 5 nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Là tên tội phạm nguy hiểm, hắn luôn thận trọng và gần như làm trật bánh toàn bộ hoạt động điều tra của lực lượng chấp pháp. Kassar vẫn khó nắm bắt cho đến năm 2007, khi DEA dàn dựng một chiến dịch công phu và kỹ lưỡng bắt giữ hắn. 

Nhiều thập kỷ trước, việc bắt giữ một tội phạm quốc tế khó nắm bắt như Kassar, kẻ có quan hệ với nhiều quốc gia là điều vô cùng khó khăn với lực lượng thực thi pháp luật. Nhưng sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, luật pháp Mỹ thay đổi theo hướng cho phép bắt giữ những kẻ tình nghi đang lẩn trốn và hoạt động ở nước ngoài để truy tố tại tòa án liên bang. Điều này mở đường cho DEA trong xây dựng kế  hoạch bắt giữ  Kassar vào năm 2006.

Monzer al-Kassar xuất hiện tại Sân bay quốc tế Madrid (ảnh cắt từ video do DEA cung cấp)

Đó là chiến dịch lấy mật danh “Operation Legacy” do Jim Soiles chỉ huy. Để khiến tay cáo già như Kassar sập bẫy, DEA đã giăng ra gọng kìm. Mồi nhử đầu tiên, DEA móc nối với một cựu thành viên của tổ chức "Tháng Chín đen", bí danh là "Samir". Người này bí mật gặp Kassar ở Beirut, Lebanon để đặt hàng nhưng lời đề nghị của Samir có vẻ không hấp dẫn Kassar.

Tiếp theo, hai nguồn tin bí mật khác của DEA từ Trung Mỹ, người Guatemala mang tên Carlos và Luis, giả làm thành viên của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đang tìm mua vũ khí để chống lại người Mỹ ở Colombia. Carlos và Luis đã đồng ý gặp Kassar tại tòa lâu đài lộng lẫy của hắn ta ở Marbella, Tây Ban Nha.

Trong cuộc họp bí mật tại lâu đài của Kassar năm 2007, Carlos và Luis được DEA gài thiết bị ghi âm, ghi hình trên người để ghi nhận lại nội dung cuộc hội thoại. “Hành động này ngược lại với mọi thứ bạn được dạy khi trở thành tay trong, nó quá nguy hiểm, nhưng chúng tôi phải mạo hiểm để có bằng chứng” - ông Nargi nói - “Chúng tôi chỉ hy vọng mọi người có thể ra khỏi đó và trở về nhà một cách an toàn”.

Kassar thận trọng dò xét hiểu biết của  Luis và Carlos về FARC, rồi đồng ý bán cho họ hơn 12.000 đầu vũ khí, trong đó có cả tên lửa đất đối không. FARC sẽ sử dụng loại tên lửa này bắn máy bay trực thăng Mỹ. Thỏa thuận cũng bao gồm một đề xuất của Kassar gửi 1.000 máy bay tiêm kích để tăng cường lực lượng FARC, cộng với thuốc nổ và gói huấn luyện cách sử dụng. Kassar đòi 4,4 triệu USD “thanh toán từng phần” cho lô vũ khí. “Khi đó, chúng tôi đã có bằng chứng tuyệt vời vì chuyện làm ăn mà Kassar bàn bạc có thể dẫn tới cái chết của người Mỹ”, ông Nargi nói.

Bị bắt, đưa thẳng lên phản lực về Mỹ

Khi thỏa thuận được thiết lập, DEA muốn sắp xếp cuộc trao đổi với Kassar tại một nơi mà nhân vật này sẽ được dẫn độ một cách dễ dàng nhất đến Mỹ. Theo kịch bản định sẵn, Luis và Carlos nói với Kassar: Một thành viên cấp cao của FARC sẽ đến thanh toán tiền. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này đòi hỏi phải được gặp mặt trực tiếp để chắc chắn Kassar tôn trọng thỏa thuận.

Luis và Carlos đề nghị gặp nhau ở Romania, Kassar không đồng ý vì không cảm thấy yên tâm nếu rời Tây Ban Nha. Thay vào đó, cuộc gặp được sắp xếp tại sân bay quốc tế Madrid. Kassar đồng ý vì nghĩ rằng nơi này sẽ dễ dàng tẩu thoát khi có biến.

Cảnh sát Tây Ban Nha cùng với các đặc vụ của DEA giăng lực lượng khắp sân bay, sẵn sàng cho vụ bắt giữ. Thế nhưng, ngay sau khi Kassar đáp xuống nhà ga sân bay, các nhân viên DEA đột nhiên mất dấu đối tượng. Sau vài phút sững sờ, các đặc vụ thở phào nhẹ nhõm khi thấy Kassar bước ra từ phòng vệ sinh của sân bay.

Ngay lập tức, lực lượng cảnh sát áp sát, khống chế và đưa tay Kassar vào còng. Họ nhanh chóng chuyển Kassar tới máy bay phản lực do DEA bố trí trước và bay về Mỹ.

Tại tòa án liên bang, Kassar bác tất cả các tội danh bị cáo buộc bao gồm cả âm mưu giết hại công dân Mỹ và ủng hộ các tổ chức khủng bố nước ngoài. Sau phiên xử, các thành viên của bồi thẩm đoàn đi đến nhận định Kassar có tội. Tòa ra phán quyết 30 năm tù giam dành cho hắn ta.

Kassar hiện giờ 72 tuổi đang chấp hành hình phạt tại nhà tù liên bang ở Marion, Illinois, cách Chicago khoảng 300 dặm. Kassar không được tha tù trước năm 2033, tức là ở tuổi 88.