Kẽ hở khó lấp nơi "chợ nghiện"
(ANTĐ) - Sau khi nắm vững quy luật hoạt động của “chợ nghiện” - tên mà người dân Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội quen gọi, chúng tôi đã liên lạc với cơ quan chức năng khu vực sở tại và Ban Giám đốc Bệnh viện 09 để tìm hiểu nguyên nhân. Nhưng quả không dễ dẹp bỏ “chợ nghiện” này khi các đối tượng mua bán đều là những đối tượng nhiễm HIV - AIDS giai đoạn cuối, chờ đợi giây phút “về với tiên tổ”!
>>>Xâm nhập “chợ nghiện”: Bao nhiêu “hàng” cũng có!
Một số bệnh nhân của Bệnh viện 09 gây ra nỗi sợ hãi đối với người dân sở tại |
Bệnh viện chỉ giúp bệnh nhân điều trị
Hiện nay, Bệnh viện 09 (thuộc Sở Y tế Hà Nội) có khoảng 80 bệnh nhân điều trị nội trú, tất cả đều bị HIV. Đa số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều trong tình trạng nặng, thể trạng suy kiệt, suy mòn nặng, sức đề kháng của cơ thể rất kém do đó tỷ lệ tử vong cao. Tất cả đều có hai hoặc nhiều bệnh kèm theo, nhất là các nhiễm trùng cơ hội biểu hiện rất rầm rộ, triệu chứng rõ ràng, dễ lây lan như bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc, viêm gan siêu vi trùng, các loại nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm…
Lượng bệnh nhân về đây có nhiều nguồn nhưng chủ yếu được chuyển từ các cơ sở y tế quận, từ các trường, trung tâm cai nghiện. Họ đã từng qua nhiều tuyến điều trị ở các giai đoạn và khi đã về đến Bệnh viện 09 thì đã là những ngày cuối cùng. Lai lịch rất phức tạp: tù tội, mại dâm,… và đa phần đều nghiện ma túy nặng. Và đương nhiên, việc quản được các bệnh nhân, để cuộc sống đi vào quy củ ngăn nắp thì không phải là một việc dễ dàng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ về việc những bệnh nhân đang điều trị tại đây đang bán ma túy cho các con nghiện trước cổng bệnh viện, ông Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Bệnh viện 09 xác nhận tình trạng trên nhưng cho rằng, bệnh viện chỉ có chức năng chữa trị bệnh nên khi phát hiện bệnh nhân có mang ma túy vào bệnh viện thì chỉ có thể báo công an để lực lượng này xử lý. Bệnh viện cũng đã có quy định từ khoảng 16h30 đến 20h là giờ thăm gặp của người nhà bệnh nhân.
Hết giờ này, bệnh viện sẽ đóng cửa, cấm tuyệt đối sự ra vào của bệnh nhân nhưng xảy ra tình trạng như trên có thể là do bệnh nhân trèo cổng, trèo tường trốn ra ngoài! Tuy nhiên, những thời điểm phóng viên đã chứng kiến trước đó khi bệnh nhân ra ngoài “hoạt động” thì trong bốt bảo vệ vẫn sáng đèn và vẫn có người ở trong phòng!? Được biết, lực lượng bảo vệ đang làm việc tại bệnh viện này được thuê từ một công ty chuyên cung cấp bảo vệ, vệ sỹ. Theo bác sĩ Chung, trước đây lãnh đạo bệnh viện cũng đã từng cho thôi việc một tổ bảo vệ vì đã tự ý mở cửa cho bệnh nhân ra ngoài “bán hàng” vào giờ cấm.
Có nên di dời Bệnh viện 09?
Lực lượng công an khu vực Cầu Bươu cho rằng thực trạng mua bán ma túy ở đây là một thực tế đáng báo động. Trong năm 2010, lực lượng công an sở tại đã bắt giữ 23 vụ mua bán ma túy, trong đó có đến 18 vụ ở trước khu vực cổng Bệnh viện 09. Và mới chỉ từ đầu năm cho đến nay, 15 vụ (18 đối tượng) mua bán ma túy cũng đã bị bắt giữ tại khu vực này. Những đối tượng khi bị bắt giữ đều mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên khi bị bắt giữ, chúng đều kiên quyết chống trả vì không còn gì để mất!
Bệnh nhân HIV đang được chữa trị tại Bệnh viện 09 |
Thậm chí chúng đe dọa, dùng bơm tiêm máu dính “hát” nhằm lung lạc tinh thần các chiến sỹ công an. “Nhưng chúng tôi đều tâm niệm, mình là cán bộ quản lý địa bàn mà sợ hãi thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, chúng tôi kiên quyết bằng mọi giá bắt giữ những đối tượng bán ma túy tại đây” - Đại úy Võ Hồng Trường - Phó Trưởng Công an Đồn Cầu Bươu huyện Thanh Trì chia sẻ. Và trên thực tế, cái giá mà các chiến sỹ hình sự nơi đây phải trả là quá đắt.
Ngày 17-5, các chiến sỹ hình sự Đồn Cầu Bươu phát hiện đối tượng Nguyễn Tùng Linh (SN 1978, HKTT tại Hạ Đình, quận Thanh Xuân) đang tàng trữ 0,112 gam ra trước cổng viện 09 tìm mối bán cho khách. Do đối tượng này nghiện nặng, lại nhiễm HIV - AIDS giai đoạn cuối nên khi bị bắt giữ, Linh đã chống trả lại bằng cách cào cấu, cắn... Dù vậy, với quyết tâm cao các chiến sỹ hình sự vẫn khóa tay và áp giải đối tượng này về trụ sở để đấu tranh khai thác hành vi phạm tội.
Nhưng trong lúc bắt giữ, máu, mủ từ vết thương của đối tượng đã dính lên vết thương của 2 đồng chí trong tổ hình sự khiến cả hai đang phải điều trị chống phơi nhiễm HIV. “Thế mà bắt hôm trước, hôm sau chúng tôi phải “trả lại” đối tượng này vào bệnh viện điều trị vì theo luật không được giam giữ đối tượng đang mang bệnh hiểm nghèo. Nguy cơ đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội là rất cao…” - Đại úy Trường tâm sự. Chính vì thế, các đối tượng mua bán ma túy dưới vỏ bọc bệnh nhân đã tận dụng kẽ hở trên vì biết rằng có bị công an bắt giữ, chúng cũng quay trở lại bệnh viện để điều trị và ung dung… bán tiếp.
Ngày ngày, trước cổng Bệnh viện 09 vẫn tấp nập kẻ bán người mua và những người dân khu vực này phải chấp nhận số phận “sống chung với lũ… nghiện”. Chẳng biết đến bao giờ, phiên chợ đặc biệt này mới được các cơ quan chức năng kiên quyết dẹp bỏ, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân khu vực sở tại?
|
Nhóm Phóng viên điều tra