Kể chuyện đóng “Tàu không số” giữa Thủ đô

ANTĐ - Trong ký ức của người lính từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp rồi lại có mặt nơi chiến trường ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị thì những tháng ngày đóng “Tàu không số” ở Thủ đô sẽ mãi mãi không thể nào quên. Đó là những ngày góp phần làm nên huyền thoại. 

Kể chuyện đóng “Tàu không số” giữa Thủ đô ảnh 1
Ông Trương Nam Sơn, người từng là chỉ huy trưởng công trường đóng “Tàu không số” 
tại Hà Nội

Nhiệm vụ đặc biệt

Trong những ngày đầu thu, Hà Nội rộn ràng các hoạt động chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô, câu chuyện của người cựu chiến binh hạng 2/4 nay đã bước sang tuổi 84, Trương Minh Sơn, người trực tiếp chỉ huy đóng “Tàu không số” giữa lòng Thủ đô thật nhiều ý nghĩa. Không phải vùng đất nào khác mà chính Hà Nội đã là nơi tạo nên những con “Tàu không số” huyền thoại, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là một nhiệm vụ đặc biệt mà cấp trên đã giao cho ông Trương Minh Sơn và các công nhân của Tổng công ty lắp máy Lilama (trước gọi là Cục Cơ khí Điện nước). 

Ngược dòng lịch sử trước thời điểm “Tàu không số” đóng tại Hà Nội năm 1965, những chuyến tàu đánh cá chở cán bộ tập kết từ miền Nam ra miền Bắc trót lọt đã làm những người đứng đầu chính phủ và quân đội đưa ra chủ trương đóng “Tàu không số” để chở vũ khí và hàng hóa tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Những chiếc “Tàu không số” đầu tiên bằng gỗ đã ra đời và do thợ tại sông Gianh đóng. Tuy vậy, do tàu đóng bằng gỗ, kích thước nhỏ, khả năng vận chuyển không cao nên Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng đã phối hợp giao cho Tổng công ty Lắp máy Lilama đóng những chiếc “Tàu không số” bằng sắt. 3 đơn vị nằm ở 3 công trường khác nhau là Phân đạm Hà Bắc, Nhiệt điện Uông Bí và Chèm đã tham gia vào nhiệm vụ quan trọng này. Trong số đó, do Mỹ ném bom ác liệt đánh phá miền Bắc nên 2 công trường ở Hà Bắc và Quảng Ninh đã không thể tiếp tục tham gia nhiệm vụ lịch sử này, chỉ còn lại công trường ở Hà Nội đã hoàn thành đóng 41 con “Tàu không số”. 

Do tuyệt đối giữ bí mật nên ngay những người thợ trực tiếp tham gia đóng “Tàu không số” cũng không hề hay biết mình đang tham gia quá trình làm nên những con tàu huyền thoại, gắn liền với kỳ tích của Hải quân nhân dân Việt Nam. Công trường đóng “Tàu không số” ở Chèm dưới danh nghĩa công trường đóng xà lan. Hơn thế, để giữ bí mật, công nhân đóng tàu không chỉ nhận nhiệm vụ đóng “Tàu không số” mà còn tham gia đóng nhiều tàu vận chuyển thông thường. Nhân dân quanh xưởng đóng tàu vẫn thường gọi những người từng kiến tạo nên “Tàu không số” bằng cái tên dân dã là “quân tàu phà”. Tuy đã được bọc lót, ngụy trang rất cẩn thận, tàu được để bên rìa của một xưởng gỗ có diện tích rộng cỡ 2 đến 3 ha nhưng máy bay của Mỹ vẫn “ngửi” thấy. Sau một trận đánh bom, toàn bộ xưởng gỗ đã tan thành mây khói và kéo theo đó là sự thiệt hại đến tính mạng, tài sản và tiến độ hoàn thành “Tàu không số”.

Kể chuyện đóng “Tàu không số” giữa Thủ đô ảnh 2Những con tàu không số đã làm nên một con đường huyền thoại trên biển

Nơi nguy hiểm lại là nơi an toàn

Là chỉ huy trưởng công trình đóng “Tàu không số”, ông Trương Nam Sơn hiểu rằng, khu vực Chèm không còn thích hợp làm công xưởng đóng tàu. Một quyết định liều lĩnh thoáng hiện lên trong đầu ông “Cần phải di chuyển xưởng đóng “Tàu không số” vào sâu trong nội thành”. Tuy nhiên, ý tưởng này của ông gặp sự phản đối quyết liệt với một lý do nghe thì thấy thật hợp lý. Đó là trong khi người dân Hà Nội và bản thân các công nhân của Tổng Công ty Lilama đang phải sơ tán về các vùng nông thôn thì việc di chuyển vào nội thành là quá liều lĩnh. Thế nhưng, với kinh nghiệm và sự từng trải của một người lính ở chiến trường và bản lĩnh của một người chỉ huy, Trương Nam Sơn đã quyết định di chuyển xưởng đóng tàu về Minh Khai. Quyết định này được ông đưa ra dựa trên sự phân tích mạch lạc và sáng suốt: Nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất. Về nội thành, xưởng đóng tàu sẽ được bảo vệ bởi lực lượng phòng không-không quân và dân quân tự vệ của Hà Nội. Trong khi ở Chèm hay di chuyển ngược lên Phú Thọ thì công nhân của ông chỉ có vài khẩu súng để tự bảo vệ. Hơn thế, máy bay do thám của Mỹ sẽ không khó khăn để phát hiện ra mục tiêu bị lộ dưới những tán lá. 

Thế nhưng, khi về Minh Khai, lại xuất hiện một khó khăn. Nếu như ở Chèm, chỉ tốn vài chục bước chân để tới bờ sông thì ở nội thành, chỗ để hạ thủy những chiếc “Tàu không số” lại cách xa cả chục cây số. Trong “cái khó ló cái khôn”, ông Trương Nam Sơn đã nghĩ ra sáng kiến tận dụng những chiếc xe tải 10 bánh của quân đội bị đánh bom cháy nhưng phần sườn vẫn còn sử dụng được để chế tạo thành thiết bị hạ thủy giống như đường ray. Sườn ô tô đã được lắp thêm bánh lái để có thể dịch chuyển sang trái, sang phải theo ý người chỉ huy, có phanh ở 4 bánh. Mỗi lần vận chuyển một chiếc “Tàu không số” có trọng tải khoảng 15 tấn, cao 4,5m, dài 27m, đồ sộ như ngôi nhà, những người thợ còn phải mang theo cưa để chặt bỏ những cành cây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển. Và thời điểm vận chuyển sẽ là ban đêm. 

Cái khó nhất để hạ thủy một con tàu là chọn được nơi có sườn sông thoai thoải và có đường cho ô tô vào hạ thủy. Quanh Hà Nội, bến Phà Đen, Phú Thượng và Chèm là 3 địa điểm quen thuộc mà từ đây 41 chiếc “Tàu không số” đã xuôi theo sông Hồng về đến Đồ Sơn và vươn thẳng tới miền Nam. Đóng “Tàu không số’ có cái khác so với đóng tàu thông thường ở chỗ, các kỹ sư và người thợ sẽ thiết kế thêm một khoang ở đáy tàu để chứa vũ khí, vật liệu nổ.

Ban đầu, để đóng xong một con “Tàu không số”, những người thợ lắp máy mất ít nhất 2 tháng rưỡi. Nhưng về sau, nhiều sáng kiến, thời gian đóng một con tàu đã được rút ngắn xuống còn 20 ngày. Chỉ trong vòng 1 năm (năm 1965), xưởng đóng tàu nằm ngay trong lòng Hà Nội do ông Trương Nam Sơn chỉ huy đã xuất xưởng 41 chiếc, kịp chuyển tới chiến trường nhiều chuyến hàng hóa, vũ khí góp phần to lớn vào sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. “Tàu không số” gắn liền với những kỳ tích và cả những câu chuyện cảm động về sự hy sinh, mưu trí và quả cảm của các chiến sỹ hải quân Việt Nam. Trong số những kỳ tích ấy, thế hệ hôm nay và mai sau còn nên nhớ về những người đóng “Tàu không số” tại Hà Nội. Câu chuyện về họ cũng giản dị như bao câu chuyện khác về một thời vệ quốc của dân tộc. Ông Trương Nam Sơn là đại diện cho những con người thầm lặng mà nhiều công lao đó. Sau khi đất nước hòa bình, đảm nhận các chức vụ tại Tổng Công ty Lilama từ năm 1955 đến năm 1996, ông đã trở về TP.HCM sinh sống, nơi quê hương máu thịt của ông và làm một người ông, người cha bình dị.