K-300P Bastion-P Việt Nam: "Lá chắn thép không thể xuyên thủng"

ANTD.VN - Truyền thông Nga vừa có bài viết phân tích tính năng ưu việt của tổ hợp tên lửa bờ đối hạm K-300P Bastion-P, với tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Onyx/Yakhont mà cả Nga và Việt Nam đều đang sở hữu.

Việt Nam sở hữu “bộ 3 lá chắn biển” của Nga

Gần đây, một số tờ báo và trang tin điện tử của Nga và Việt Nam đã công bố một video clip của kênh truyền hình “Quốc phòng Việt Nam” với tiêu đề: "Sức mạnh Hải quân Việt Nam: Tên lửa Bastion-P”, nói về các hệ thống tên lửa bờ đối hạm Bastion mà Nga đã bàn giao cho Việt Nam.

Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả các quốc gia đại dương là bảo vệ dải bờ biển nước mình trước sự xâm lược của kẻ thù. Một phương tiện đáng tin cậy để thực hiện nhiệm vụ này là các hệ thống tên lửa chống hạm của lực lượng phòng thủ bờ biển.

Một trong những hệ thống tên lửa bờ đối hạm hàng đầu thế giới là tổ hợp K-300P Bastion-P của Nga với tên lửa hành trình siêu âm P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx), do Tập đoàn chế tạo máy của Nga "NPO Mashinostroenie" phát triển.

Tổ hợp bờ đối hạm Bastion-P bắt đầu được NPO phát triển vào những năm 1980 để thay thế các tổ hợp 4K51 Rubezh (NATO gọi là SS-C-3) sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tốc độ cận âm P-15 Temit và 4K44B REDUT-M (NATO gọi là SS-C-1B Sepal) sử dụng tên lửa P-35 đã lỗi thời.

Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K51 Rubezh do Liên Xô phát triển và đưa vào phục vụ cuối những năm 1980, sử dụng tên lửa hành trình đối hạm tốc độ cận âm P-15 Temit (NATO gọi là SS-N-2 Styx), tầm bắn tối đa 80 km, tốc độ cận âm (0,9 Mach), bay cách mặt nước 25-50m.

Tổ hợp tên lửa bờ đối hải 4K44B REDUT-M (NATO gọi là SS-C-1B Sepal) sử dụng tên lửa P-35 (phiên bản thứ 3 của P-5, NATO gọi là SS-N-3B, Sanbox) là tên lửa tốc độ siêu âm 1,4 Mach, với tầm phóng 460 km, có thể phá hủy được các loại tàu chiến có lượng giãn nước lên tới 20.000 tấn.

Tổ hợp tên lửa siêu âm K-300P Bastion-P với tên lửa P-800 Yakhont của Việt Nam

Hai tổ hợp này được Liên Xô cung cấp cho Việt Nam vào cuối những năm 1970 và hiện vẫn đang còn trong biên chế của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hợp cùng với Bastion-P trở thành “Bộ 3 lá chắn biển” nhiều tầng, nhiều lớp của quân đội nước ta.

Tên lửa P-800 Onyx/Yakhont khó đánh chặn nhất thế giới

Do sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga vào thập niên 90 của thế kỷ trước, công việc phát triển Bastion-P đã bị trì hoãn và mãi đến năm 2010, các tổ hợp này mới được trang bị cho quân đội Nga.

Việc trì hoãn quá trình phát triển trong một thời gian dài tuy làm chậm tiến độ trang bị nhưng cũng mang lại kết quả tốt, cho phép các công trình sư Nga khắc phục những khiếm khuyết không thể tránh khỏi khi chế tạo một hệ thống tên lửa hiện đại thế hệ mới.

Chuyên gia quân sự Nga Alexander Mozgovoi cho biết, trên thực tế, Bastion-P là một hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm độc đáo có một không hai trên thế giới, trước hết nhờ tên lửa có sức mạnh vượt trội, với tầm phóng 300km, trọng lượng đầu đạn 250kg, đủ sức tiêu diệt các mục tiêu mặt nước có lượng giãn nước tới 10.000 tấn.

Tên lửa P-800 Onyx được thế giới biết đến với phiên bản xuất khẩu Yakhont, được thiết kế bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 2,6 lần (Mach 2,6), có khả năng xuyên phá qua các hệ thống đánh chặn tầm gần và chống áp chế vũ khí điện tử của đối phương.

Ngay sau khi được phóng, tên lửa có thể lên độ cao 15 km. Đài radar của hệ thống tự dẫn có thể phát hiện theo dõi và bám mục tiêu. Sau khi phát hiện mục tiêu, tên lửa tắt đài radar dẫn đường và hạ độ cao xuống  10-15 m so với mực nước biển.

Hệ thống Rubezh sử dụng tên lửa P-15 Termit tốc độ cận âm, tầm bắn 80 km để phòng thủ gần bờ

Nhờ phương pháp này tên lửa thoát khỏi vùng radar phòng không của đối phương. Sau đó đầu tự dẫn lại tiếp tục bật radar tìm kiếm, đeo bám và tiêu diệt mục tiêu.

Khi bắn loạt đạn chống các tàu chiến của đối phương với chiến thuật kinh điển thường được gọi là “bầy sói”. Loạt tên lửa P-800 Yakhont có thể bay như một “đàn chim”, chủ động tương tác với nhau để mỗi tên lửa tự chọn mục tiêu của mình và chủ động tấn công.

Với tốc độ siêu nhanh, tính cơ động rất cao, đường bay rất phức tạp, cùng với "bộ não điện tử thông minh", P-800 Onyx là loại tên lửa khó bị đánh chặn nhất trên thế giới, trở thành nỗi kinh hoàng với bất cứ loại tàu nổi nào, kể cả các biên đội tàu sân bay rất mạnh của Mỹ.

Vũ khí chống hạm của Mỹ-NATO không phải đối thủ

Tổ hợp Bastion-P có thể triển khai cố định hoặc cơ động. Phiên bản cơ động của Bastion-P với tổ hợp có 4 ống phóng tên lửa thẳng đứng trên hai xe vận tải, có thể bảo vệ dải bờ biển dài 600 km trước bất kỳ "vị khách không mời” nào đó trên đại dương.

Sau hành trình dài 1.000 km, tổ hợp K-300P Bastion-P với 24 quả tên lửa P-800 chỉ mất ba phút để chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và phóng tên lửa. Nếu đối phương chỉ gồm vài tàu thì nhiều khả năng sẽ bị tiêu diệt toàn bộ.

Nếu nhiều tàu thì các tàu còn lại cũng khó có thể làm được gì, vì sau một đòn tấn công bằng tên lửa thì các xe phóng đã ngay lập tức rời khỏi vị trí chiến đấu trước khi đối phương kịp phát hiện nó và nếu có phát hiện thì không kịp tổ chức tấn công hoặc đeo bám hành trình di chuyển của nó.

Sau đó, những tàu còn lại này sẽ là mục tiêu tiêu diệt của loạt đạn kế tiếp đến khi bờ biển sạch bóng chiến hạm đối phương.

Hệ thống Redut phóng tên lửa P-35 tốc độ 1,4Mach, tầm bắn tới 460 km, đủ sức vươn tới những điểm gần ở quần đảo Trường Sa

Loại vũ khí chống hạm đồng hạng của Bastion là tên lửa tấn công hải quân NSM của một số nước châu Âu thuộc NATO và tên lửa Harpoon của Mỹ. Tuy nhiên, 2 loại vũ khí chống hạm của Mỹ và NATO đều có tính năng về cơ bản kém xa so với P-800 Onyx/Yakhont.

Chuyên gia quân sự Nga Alexander Mozgovoi cho biết, phải thừa nhận rằng, tên lửa NSM (Naval Strike Missile) là một loại vũ khí chống hạm khá tốt.

“Át chủ bài” của tên lửa NSM là công nghệ tàng hình (tên lửa Stealth). Tuy nhiên, nó chỉ có tốc độ cận âm nên vẫn có thể bị các hệ thống phòng thủ tầm gần phát hiện và kịp thời đánh chặn. Còn tính năng giúp Onyx khó bị tổn thương là tốc độ cao và khả năng cơ động chuyển hướng nhanh nhẹn.

Ngoài ra, tên lửa của Nga có tầm phóng xa hơn gần gấp đôi, đảm bảo tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 300km, còn tên lửa NSM chỉ đạt 180 km. Hơn nữa, Onyx có thể mang theo đầu đầu đạn nặng gấp đôi so với NSM nên khả năng sát thương tàu chiến có lượng giãn nước cao hơn.

Hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ cũng có tầm bắn thấp hơn và khả năng cơ động kém hơn nhiều so với cả NSM và P-800 Onyx. Ngoài ra, nó còn không có tính năng tàng hình như NSM, do đó, hoàn toàn không phải là đối thủ của tên lửa Nga.

Hiện nay, tổ hợp Bastion-P được trang bị cho quân đội của ba nước Nga, Việt Nam và Syria. Ở Nga, các tổ hợp tên lửa này đang bảo vệ bờ Biển Azov và Biển Đen, bờ Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương. Những tổ hợp này xứng đáng được mệnh danh là “Lá chắn thép” trên bờ biển.

Xem video “Sức mạnh Hải quân Việt Nam: Tên lửa Bastion-P của Lữ đoàn Tên lửa bờ đối hạm 681” trên kênh QPVN: