Ít cơ hội cho doanh nghiệp viễn thông di động mới

(ANTĐ) - Được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất trên thế giới, năm 2009, doanh thu từ ngành này của Việt Nam đã đạt hơn 143,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 61% so với năm 2008. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường này lại không nhiều!

Ít cơ hội cho doanh nghiệp viễn thông di động mới

(ANTĐ) - Được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất trên thế giới, năm 2009, doanh thu từ ngành này của Việt Nam đã đạt hơn 143,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 61% so với năm 2008. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường này lại không nhiều!

Mạng di động nhỏ vẫn gian nan khi cạnh tranh với các “đại gia”di động (Ảnh minh họa)

Mạng di động nhỏ vẫn gian nan khi cạnh tranh với các
“đại gia”di động            (Ảnh minh họa)

Cơ hội duy nhất

Năm 2003, ngành viễn thông Việt Nam thực sự bắt đầu cạnh tranh khi một số nhà khai thác mới được cấp phép. Tuy nhiên, ở thời điểm này, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn tiếp tục là doanh nghiệp độc quyền, từ khâu quản lý hạ tầng mạng đến các dịch vụ viễn thông khác. Sau đó, 6 công ty hạ tầng mạng được thiết lập mạng lưới và cùng cấp dịch vụ.

Theo một chuyên gia về cạnh tranh của Bộ Công Thương, để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp mới cần phải có khả năng gia nhập. Đồng thời, các doanh nghiệp hiện tại cần phải có cơ hội mở rộng hoặc rút khỏi thị trường. Cũng theo chuyên gia này, một trong những rào cản lớn nhất để có thể gia nhập thị trường này là các yêu cầu bắt buộc về giấy phép chuyên ngành với những đòi hỏi khắt khe.

Ngoài ra, rào cản công nghệ khiến ít doanh nghiệp có ý muốn tham gia thị trường viễn thông do không thể vượt qua kỹ thuật - tài nguyên băng tần có hạn của Việt Nam. Thực tế cho thấy, tài nguyên băng tần cho các mạng 2-2,5G tại Việt Nam đã cạn kiệt sau khi 7 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động là: Vinaphone, Mobifone, Viettel, HT mobile, S-fone, EVN Telecom và Gtel được phép khai thác. Tài nguyên băng tần mạng 3G cũng được cấp cho 4 doanh nghiệp và liên danh doanh nghiệp khai thác, cung cấp dịch vụ.

Các chuyên gia ngành viễn thông cho rằng, cơ hội duy nhất cho các doanh nghiệp viễn thông di động mới tham gia thị trường là cung cấp dịch vụ theo hình thức “dịch vụ viễn thông di động ảo (VMNO)”. Nhưng nhà cung cấp dạng VMNO lại vừa phải thuê lại cơ sở hạ tầng, băng tần, trạm BTS của một trong số các nhà cung cấp hiện có, vừa phải đầu tư công nghệ di động, tiếp thị dịch vụ và quản lý thuê bao. Được biết, cuối năm 2009, mạng Đông Dương Telecom đã được Bộ TT-TT cấp phép hoạt động dưới dạng VMNO nhưng mạng này vẫn đang trong quá trình triển khai và chưa chính thức cung cấp dịch vụ.

Theo các nhà cung cấp dịch vụ, ngay cả khi được cấp phép dạng VMNO, khả năng thành công của những doanh nghiệp cũng rất thấp. Nguyên nhân là do họ phụ thuộc vào hạ tầng của chính các đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, khung pháp lý để điều chỉnh quan hệ hợp tác - cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ mạng ảo và cung cấp dịch vụ có hạ tầng chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Sức mạnh của 3 “đại gia” di động

Hiện nay, các mạng di động lớn ở Việt Nam đều có định hướng cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, uy tín kinh doanh sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt về giá trong các năm từ 2007-2009. Ở thời điểm đó, hạ giá dịch vụ thông qua khuyến mãi và giảm giá mặc dù là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhanh chóng trên thị trường di động. 3 “đại gia” của lĩnh vực này là: Mobifone, Vinaphone và Viettel chiếm khoảng 90,3% thị phần trong năm 2009 có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay là rào cản rất khó để doanh nghiệp khác vượt qua, kể cả khi cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Việc các đại gia này liên tục giảm giá dịch vụ đã khiến các mạng di động nhỏ điêu đứng, buộc Bộ TT-TT và Cục chức năng của Bộ Công Thương phải “can thiệp”.

Theo khảo sát gần đây của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), 50% doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, đặc biệt là hiện tượng bán và cung ứng dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Do vậy, để tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, Bộ TT-TT cần xem xét kỹ các giải trình điều chỉnh giá của nhà cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các bộ liên quan cần xây dựng, nghiên cứu các hướng dẫn chi tiết về giá trị gói khuyến mãi, tần suất khuyến mãi… đối với lĩnh vực viễn thông di động.

Thanh Hoàn