Indonesia chìm trong biển nước

ANTĐ - Đất nước vạn đảo Indonesia đang phải hứng chịu một trong những trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Người dân Thủ đô Jakarta mang đồ đạc đi sơ tán

Mưa kéo dài và liên tục suốt từ cuối năm 2013 tới nay đã gây ngập lụt nặng trên diện rộng ở nhiều địa phương của Indonesia, trong đó có Thủ đô Jakarta, khiến hàng trăm nghìn người dân phải di dời đến các trung tâm tị nạn khẩn cấp. Theo ông Wahid Sitorus, người đứng đầu Cơ quan Quản lý và Giảm nhẹ thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBD), các trận mưa lớn gây ra lũ lụt kéo dài đã bắt đầu từ ngày 28-12 từ tỉnh Bắc Sumatra, sau đó mưa lớn lan rộng và kéo dài tới nhiều địa phương khác của nước này.

Theo BNPB, mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều khu vực khác trên đảo Java, như Bekasi, Karawang, Subang, Indramayu, Pemalang, Pekalongan, Batang, Semarang, Kudu, Pati và gây lụt cũng như lở đất tại nhiều tỉnh đảo khác khiến hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn. Một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Nam Sulawesi, nơi đã có 16 người thiệt mạng vì lũ lụt.

Ngay Thủ đô Jakarta cũng phải chịu chung thảm họa lũ lụt khi chỉ tính đến hết ngày 19-1 đã có ít nhất 30.874 người dân đến tạm trú tại 140 trung tâm tị nạn trên khắp thành phố do nhà cửa của họ bị ngập sâu. Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu BNPB Sutopo Purwo Nugroho, ngập lụt tại Thủ đô còn ảnh hưởng đến hơn 48.000 người dân khác tại 74 làng thuộc 30 xã ở ngoại ô thành phố và làm 7 người thiệt mạng. 

Ông Purwo Nugroho cho biết, nguyên nhân gây ra mưa lớn là do áp suất thấp từ các vùng biển ở miền Nam Philippines đã gây hình thành các đám mây đen ở Bắc Sulawesi và sự hội tụ các tác động của áp suất thấp ở Bắc Australia đã đẩy mây tới khu vực này. Cơn “đại hồng thủy” hiện nay tại Indonesia diễn ra trong mùa mưa lũ tại quốc gia có khoảng 17.500 hòn đảo này song mức độ trầm trọng của nó được cho là có liên quan tới biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan hơn.

Theo cảnh báo của BNPB, mưa lớn sẽ còn tăng cao đến tháng 2, trước khi mùa mưa kết thúc. Chính vì thế, nhằm hạn chế bớt thiệt hại do mưa lũ gây ra, BNPB bắt đầu áp dụng các công nghệ thay đổi thời tiết song không làm hại đến môi trường hoặc chất lượng nước mưa để làm giảm lượng mưa, tập trung chủ yếu vào hai chiến lược chính là đẩy nhanh mưa và ngăn chặn việc hình thành các đám mây mang mưa. 

Ông Purwo Nugroho cho biết, việc đẩy nhanh mưa được thực hiện bằng cách sử dụng máy bay vận tải hạng nặng C-130 phun muối (NaCl) vào những đám mây có khả năng gây mưa lớn để kích hoạt chúng gây mưa sớm trên biển Java hay eo biển Sunda trước khi bay vào vùng trời Jakarta. Trong khi đó, để ngăn chặn việc hình thành các đám mây mưa, BNPB đã sử dụng nhiều máy phát khí và hạt muối vào những đám mây mới hình thành để ngăn chặn chúng phát triển thành những đám mây mang mưa hay làm giảm cường độ mưa. 

Đồng thời với các biện pháp trên, các cơ quan Chính phủ Indonessia đang cùng với lực lượng cảnh sát, quân đội và các tình nguyện viên tiến hành sơ tán người dân tới các nơi an toàn. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị mở rộng viện trợ khẩn cấp lương thực, lều bạt và thuốc men cho người dân tại những nơi ngập lụt nặng nhất.