Hy vọng mới cho người dân Lệ Chi
(ANTĐ) - Lệ Chi là một trong ba xã nghèo nhất của huyện Gia Lâm với 93 hộ nghèo trên tổng số 2.130 hộ, chiếm 4,36%. Hiện Lệ Chi đang phấn đấu đến năm 2010 giảm số hộ nghèo xuống còn 2%. Để thực hiện được điều đó, người dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách…
“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”...
Gia đình anh Nguyễn Văn Thạch, một trong ba hộ nghèo nhất của thôn Chi Nam. Nhà anh có 4 nhân khẩu, bình quân mỗi khẩu được nhận hơn 1 sào ruộng khoán. Do là đất cát chỉ trồng dâu nuôi tằm nên cứ đến mùa mưa, nước ngập trắng đồng. Bên cạnh đó, do địa phương không có nghề phụ, những lúc nông nhàn vợ chồng anh Thạch lại đi làm phụ vữa thuê lấy tiền nuôi các con ăn học. Thu nhập bình quân mỗi tháng cả gia đình chưa được 300.000đ. Đến nhà vợ chồng anh Thạch vào một buổi trưa nắng hừng hực, trong gian nhà cấp 4 tuềnh toàng, chúng tôi không thấy bất cứ đồ đạc nào có giá trị.
Chị Chu Thị Tuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lệ Chi đang chia sẻ những khó khăn với gia đình anh Thạch, thôn Chi Nam |
Mặc dù, vợ chồng anh Thạch đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng, lấy công nuôi tằm làm lãi nhưng cũng chẳng được là bao, cuộc sống khó khăn cứ theo vòng luẩn quẩn đeo bám. Anh Thạch nói: “Nhà có 9 anh em, diện tích đất bố mẹ chia chỉ đủ dựng tạm căn nhà nhỏ, vườn trồng rau cũng không có, năm nay giá cả leo thang chóng mặt nên nuôi tằm không mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”, anh Thạch rầu rầu nói thêm: “Nghe cán bộ nói, xã sắp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng xem ra vẫn phải... chờ. Nguyện vọng của hộ nghèo như chúng tôi rất cần được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, đặc biệt là nâng số vốn cho vay lên nữa”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Năm cũng hoàn cảnh không kém gia đình anh Thạch. Chồng chị bị câm, anh hầu như không giúp gì được cho chị ngoài những công việc chân tay đơn giản, nhà chị cũng được liệt vào những hộ nghèo. Một mình chị Năm phải bươn chải và chèo lái con thuyền gia đình, chăm sóc và dạy dỗ 3 đứa con nhỏ. Kinh tế gia đình trông vào mấy sào ruộng cấy và ít đất bãi trồng dâu nuôi tằm. Chị cho biết; “Nếu như trước đây với 1kg kén mua được hơn 10kg gạo thì nay 2kg kén chỉ mua được 10kg gạo, điều đó có nghĩa giá kén vẫn thế nhưng giá gạo thì tăng gấp đôi. Đời sống của người nông dân đã khó khăn nay càng khó khăn hơn!”.
Trông đợi những hy vọng mới...
Chị Chu Thị Tuyến - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Hội Phụ nữ đã đứng ra vay ngân hàng chính sách cho các hộ nghèo trên toàn xã với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng, chia làm 2 dự án: Vốn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và vốn vay cho các hộ nghèo với mức lãi suất thấp là 0,3% và 0,65% tính theo chu kỳ 6 tháng 1 lần. Như vậy, chia bình quân cho các hộ nghèo thì mỗi hộ cũng được vay từ 7 đến 10 triệu làm vốn. Toàn xã Lệ Chi có 6 thôn và 1 cụm dân cư, ngoài nguồn vốn được vay từ 2 quỹ trên, Hội Phụ nữ xã còn động viên chị em thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm để huy động vốn tự có trong dân để giúp đỡ các chị em có vốn quay vòng kinh doanh”.
Ông Nguyễn Xuân Vưu - Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Chi cho biết: Lệ Chi có thể coi là “vùng sâu vùng xa” của Thủ đô Hà Nội. Cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, giao thông khó khăn, một số dự án khuyến nông và hỗ trợ sản xuất còn triển khai chậm. Nguồn ngân sách của xã rất eo hẹp không thể đầu tư cho cơ sở hạ tầng một cách kịp thời”.
Để giúp nhân dân xã Lệ Chi ổn định đời sống, phát triển kinh tế, chính quyền các cấp nên có chính sách quan tâm hỗ trợ bà con vay vốn ưu đãi như: lãi vay, thời gian cho vay để phù hợp với chu kỳ kinh doanh. Đặc biệt, xã và các chi hội cần có đội ngũ cán bộ tư vấn về kỹ thuật cũng như sử dụng nguồn vốn vay hợp lý giúp bà con đầu tư hiệu quả. Có như vậy, đời sống người dân Lệ Chi mới có hy vọng thay da, đổi thịt.
Thanh Liên