Ký ức 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 / 19-5-2019)

Huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên "đất lửa" Quảng Bình

ANTD.VN - Trong cuộc trường chinh chống Mỹ hơn 44 năm trước, mảnh đất Quảng Bình được gọi là “đất lửa” bởi sự ác liệt của chiến tranh. Ngày ấy, Quảng Bình có những tuyến đường như 12A, 20 Quyết thắng (qua Lào)... những địa điểm được ví như “yết hầu” của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn -  Hồ Chí Minh. Nhưng bom đạn của Mỹ đã không thể thắng nổi sự hy sinh của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi.

Cầu Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình)  một tọa độ lửa trên đường Trường Sơn

Đại bản doanh trong hang đá

Kể từ khi hình thành năm 1959 đến khi hoàn thành nhiệm vụ năm 1975, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã phải đóng sở chỉ huy ở nhiều địa điểm khác nhau. Khi ở trong những hang đá, khi thì ở trong một khu dân cư, nhưng ở đâu cũng nhận được sự bao bọc, chia sẻ của nhân dân. Trên đường Hồ Chí Minh hôm nay, đoạn qua địa phận xã Hóa Tiến (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) có một tấm biển chỉ dẫn ghi: “Cụm hang xã Hóa Tiến - Hóa Thanh, Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 từ năm 1965 đến 1966”. Cách đó chừng nửa cây số là ngôi nhà nhỏ của bà Đinh Thị Y - một y tá đã từng sống và chiến đấu trong những hang núi của một thời máu lửa. 

Năm nay đã bước qua tuổi 70, nhưng bà Y vẫn còn rất khỏe, và ký ức của một thời bom đạn thì vẫn nhớ như in. Bà kể: “Ngày đó, tôi là một y tá thuộc Bệnh viện 14, đóng quân trong hang núi mà bây giờ gọi là hang y tá. Phụ trách bệnh viện trong hang đá ngày đó là bác sỹ, Anh hùng LLVTND Lê Đính. Chúng tôi hàng ngày đi gùi gạo, cáng thương binh từ các tọa độ lửa như: Khe Ve, Mụ Dạ, Cổng Trời, Bãi Dinh, La Trọng... Thương binh nhiều lắm, ngày nào cũng có. Tôi nhớ, có những anh bị thương nặng cần phải cấp cứu ngay, nhưng hang thì tối, trên đầu thì máy bay Mỹ quần thảo không thắp đèn được. Chúng tôi tiêm cho thương binh, nếu thuốc vẫn vào thì biết họ còn sống, còn thuốc tắc giữa chừng thì tức là họ đã hy sinh”. 

Chúng tôi theo chân bà Y vào các hang đá, nơi xưa kia là Chỉ huy sở của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, cũng là nơi một thời tuổi trẻ bà đã cùng đồng đội sống và chiến đấu. Hang tối om, và con đường đi vào cũng không hề dễ. Khi ánh đèn pin trong tay bà Y được bật sáng, bất ngờ những kỷ vật của một thời đã lần lượt hiện ra: Đôi dép nhựa 4 quai dành cho bộ đội và TNXP nữ; những cục pin khô; những đôi dép cao su đã mòn vẹt; chiếc mũ cối đã mục nát; một cái xẻng đã cháy cán.... Bà Y chỉ một chiếc cối được đục ngay trên phiến đá nằm góc hang, chính cái cối này ngày xưa bà đã dùng để giã thuốc nam cho các thương binh.

Chúng tôi trèo lên bậc đá tới một vòm hang rộng. Nơi đây có tên là hang y tá và từng là chỗ nghỉ ngơi của thương binh nhẹ. Cách đó  một đoạn là nơi dành cho thương binh nặng. Qua ánh sáng từ ngọn đuốc, chúng tôi đọc được những dòng chữ khắc trên vách đá: “Nhớ mãi 10 y tá - năm 1973 - lưu niệm”, hay “Thịnh, Bang tháng 12.1966”, hay “Giai, Long tháng 8 năm 1966”… Chúng tôi qua hang kho xăng, đó là một vòm hang rộng và bà Y nói, ngày trước bộ đội xăng dầu đã mang tôn, thép để hàn thành bồn xăng. Còn đây là hang chỉ huy, hang hậu cần, hang tập kết bộ đội... những cái hang đá nối tiếp nhau, ẩn sâu trong vách núi thành một “đại bản doanh trong hang đá” của Đoàn 559 suốt một thời máu lửa.

Huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên "đất lửa" Quảng Bình ảnh 2“Tọa độ lửa” bến phà Xuân Sơn, nay là bến thuyền du lịch tham quan động Phong Nha – Tiên Sơn

Chiến đấu trên tọa độ lửa

Những năm 1964, đường 12A được xem là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Hồi ấy, đường 16, đường 10 vượt Trường Sơn chưa hình thành. Khi Quốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại ở vĩ tuyến 17 (bởi sông Bến Hải và hàng rào điện tử Mcnamara) thì đường 12A là tuyến vận chuyển cơ giới duy nhất qua Lào để vào chiến trường miền Nam.

Vì thế, nó cũng là nơi bị Không quân Mỹ đánh phá ác liệt nhất miền Bắc. Các trọng điểm trên tuyến đường gồm: La Trong, Ka Tang, Khe Ve, Bãi Dinh, Mụ Dạ, Cha Quang... đã trở thành những “tọa độ lửa”, nơi mà cả ta và địch đều tập trung mọi khả năng kỹ thuật, chiến thuật, quyết dành thắng lợi về mình. Bên kia đèo Mụ Dạ là trận địa pháo phòng không của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân. 

Bà Nguyễn Thị Kim Huế, người vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ và cũng là người đầu tiên của lực lượng TNXP được phong tặng Anh hùng vì những thành tích chiến đấu trên tuyến đường 12A tâm sự: “Năm 1965, khi tôi vào tuyến đường này thì anh Nguyễn Viết Xuân đã không còn nữa. Nhưng sự hy sinh, tinh thần quả cảm của anh đã động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều. Trên khắp mặt trận, lực lượng TNXP không ngại hiểm nguy phá bom nổ chậm, bạt núi, san lấp mặt đường, bảo đảm con đường huyết mạch chưa một ngày bị tắc. Ngày 16-4-1965, máy bay Mỹ ồ ạt đánh vào cầu Ka Tang, cây cầu vượt sông lớn nhất đường 12A. Bộ đội, TNXP đã phối hợp chiến đấu, đánh trả quyết liệt. Chính tại đây, pháo thủ Đậu Văn Vĩnh dù bị mất một cánh tay vẫn chiến đấu ngoan cường và TNXP Đinh Thị Thu Ngà xung phong chạy dưới làn bom để chuyển đạn lên mâm pháo. Cuối cùng, với 150 lượt chiếc máy bay đánh liên tục trong 7 tiếng đồng hồ, cuối cùng chỉ có một nhịp cầu Ka Tang hỏng nhẹ, nhưng 6 máy bay Mỹ phải đền mạng”.

Những ai đã từng đi qua cuộc chiến vĩ đại này của dân tộc hẳn không thể quên một địa danh huyền thoại đã đi vào lịch sử: Bến phà Xuân Sơn. Một bến phà nhỏ vượt khúc sông Son rộng chỉ 100m, nhưng lại là trọng điểm bị bắn phá ác liệt nhất trên đường Trường Sơn bởi nó là tuyến đầu chi viện cho miền Nam qua 2 ngả: đường 20 Quyết Thắng ngược lên phía Tây qua nước bạn Lào và đường 15A ở phía Đông nối vào đường 10, đường 16...

Năm 1965, theo yêu cầu cấp thiết, Đại đội 16 công binh được thành lập với nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tuyến đường giao thông dọc sông Son (trong đó trọng điểm là bến phà Xuân Sơn). Trung tá Võ Thế Chơn, hiện đang nghỉ hưu ở xã Hãi Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nhớ lại: “Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ dùng mọi phương tiện tối tân nhất hòng chặt đứt con đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam. Xuân Sơn được coi là điểm nút quan trọng trong tuyến huyết mạch này. Đêm đêm trên bến phà, pháo sáng giăng đầy trời. Máy bay Mỹ đánh phá bất kể giờ giấc, quy luật, hết đợt này đến đợt khác, nhưng C16 đã bám trụ đảm bảo an toàn cho từng đoàn xe qua”.

Ông Chơn ngày đó được đơn vị đặt cho biệt danh “kình ngư sông Son” bởi sự dũng cảm, mưu trí. Ngày 8-5-1968, đồng đội đã làm lễ truy điệu sống cho ông trước khi ông bước xuống canô làm một nhiệm vụ đặc biệt là gỡ thủy lôi do máy bay Mỹ thả xuống. Ông kể: “Hàng trăm quả thủy lôi giăng kín bến sông. Hàng trăm chuyến xe chở quân, hàng hóa, vũ khí… bị kẹt lại mà mỗi ngày kẹt là một ngày thương vong, tổn thất. Vì vậy, chúng tôi phải dùng canô kéo phà loại 90 mã lực chạy thật nhanh để kích nổ đám thủy lôi đó. Đây là một phương án mạo hiểm bởi rủi ro cao. Cuối cùng thì chúng tôi cũng thành công. Phà thông, những chuyến xe lại tiếp tục lên đường vào miền Nam đánh giặc”.

Gần 140 con người trong đơn vị của ông Chơn đã chiến đấu dũng cảm trong suốt 2.000 ngày (từ 1965-1972) để bến phà Xuân Sơn luôn thông suốt.

Huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên "đất lửa" Quảng Bình ảnh 3Trung tá Võ Thế Chơn (Đại đội 16 công binh) kể lại những ngày khói lửa tại bến phà Xuân sơn

Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi

Chiến tranh kết thúc, Quảng Bình hoang tàn đổ nát. Nhưng sau 40 năm, mảnh đất này đã cố gắng rất nhiều để vươn lên, để xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”. Cách đây chưa lâu, không người dân Quảng Bình nào lại có thể dám nghĩ đến quê mình rồi sẽ có một cảng Hòn La, một sân bay Đồng Hới... Cũng không thể tin, một Quảng Bình với “chang chang cồn cát, là đất Ô Châu...” mà nay mỗi năm thu ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng. Con số ấy là một bước nhảy dài về đời sống kinh tế xã hội. Quảng Bình hôm nay không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được cả thế giới biết đến như là một điểm đến hấp dẫn. 

Huyền thoại đường mòn Hồ Chí Minh trên "đất lửa" Quảng Bình ảnh 4Đường Hồ Chí Minh hôm nay

Năm 2014, tờ New York Time (Mỹ) bình chọn Quảng Bình là 1 trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới (xếp vị trí thứ 8 và đứng đầu trong 12 điểm đến ở khu vực châu Á). Hiện Quảng Bình đang được xem là “phim trường” của thế giới khi các đạo diễn lừng danh Hollywood chọn quay những cảnh quan trọng của những bộ phim bom tấn. Trên những nẻo đường “cả nước ra trận” năm xưa, nay là đường Hồ Chí Minh, đường 10, đường 11 trải nhựa rộng thênh thang.

Đường 12A ác liệt năm nào giờ là con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Những địa danh một thời khốc liệt bây giờ đã được xây dựng thành những khu tưởng niệm khang trang, những điểm du lịch tâm linh mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách như: hang Tám Cô, bến Phà Long Đại, cầu Nhật Lệ, cầu Quảng Hải, cầu Kiến Giang... nối liền những miền quê “cách trở đò giang”. 

Đến nay, Quảng Bình đã có hệ thống đường giao thông nông thôn đến được với 100% số xã trong tỉnh. Những xã như Thượng Trạch, Thượng Hóa… vốn trước đây ai cũng lè lưỡi lắc đầu vì quá xa xôi, cách trở thì giờ đây đều đến được bằng xe ô tô. Quảng Bình có thể tự hào khoe về cơ sở hạ tầng giao thông thuộc loại tốt nhất cả nước.

Dự án đường Hồ Chí Minh: Dám nghĩ lớn, dám làm lớn

Đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn) có tổng chiều dài 3.183km đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến giao thông quan trọng từ Bắc vào Nam và là tuyến đường huyền thoại của sức mạnh ý chí, niềm tin quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đến nay, nhiều đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư dự án, góp phần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho các địa phương mà nó đi qua; góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tốt chức năng là trục dọc xuyên Việt thứ 2, hỗ trợ QL1, giảm ùn tắc, TNGT, đảm bảo giao thông thông suốt.

Theo Bộ GTVT, dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.180km/2.744 km, đạt 79% và khoảng 258km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 275km, còn lại khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Cụ thể, khu vực phía Bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273km, đã hoàn thành 81km, đang thi công 32km và chưa triển khai 160km; Khu vực miền Trung từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài khoảng 1.532km, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350km, đang triển khai 182km; Khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553km, đã hoàn thành 553km; Khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) dài khoảng 382km, đã hoàn thành 192km, đang thi công 61km, chưa triển khai 129km.

Ngày 3-12-2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ký Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh với điểm đầu từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Mặt cắt ngang quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 - 8 làn xe. Nghị quyết là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành. Hôm nay, con đường từ huyền thoại đã trở thành sự thật, đang ngày một vươn xa, mang trong mình ước mơ cất cánh vươn cao của các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau. Điều này một lần nữa minh chứng, nếu không có sự kiên định, dám nghĩ lớn, làm lớn, không thể có các dự án giao thông tầm cỡ, đưa đất nước phát triển.

Ngân Tuyền