Huyền bí "cụ đa Rùa"

ANTĐ - “Cây gạo có ma, cây đa có thần”, dân gian nói vậy và ở xóm Rùa xã Vân Hòa (Ba Vì - Hà Nội) có một cây đa thờ thần Rùa nghìn tuổi chứng kiến những thăng trầm lịch sử của đất nước. Không những vậy, xung quanh cây đa nghìn tuổi này nhiều chuyện huyền bí nửa hư nửa thực liên quan đến thần Rùa cũng rất đáng tìm hiểu…

“Cụ đa Rùa”

Sở dĩ, người huyện Ba Vì gọi cây đa cổ thụ ngự ở giữa xóm Rùa - Vân Hòa là “cụ đa Rùa” vì ngay cạnh đó là đình thờ thần Rùa linh thiêng từ nghìn năm nay có mối liên kết tâm linh chặt chẽ giữa cây và nhà.

Ông Đinh Luân là người trong Ban Quản lý đình thần Rùa cho hay, từ khi ông sinh ra đã nghe các cụ kể về đình thần và cây đa Rùa. Các cụ ông khi sinh ra thì cây đa đã có trước từ rất lâu rồi, không ai nhớ tuổi của cây nên dân địa phương gọi là cụ đa Rùa nghìn tuổi.

Vừa bước tới cánh đồng dẫn vào làng Vân Hòa, chúng tôi đã choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của cây đa Rùa cổ thụ rợp bóng này. Thân chính của cây xù xì và được lớp cỏ rừng bám quanh dựng đứng. Chín rễ cái to và hàng chục rễ phụ khác thả mình ăn sâu xuống đất tạo thành cột chống vững chãi cho những “cánh tay khổng lồ” vươn mãi tới mái đình mái ngói rêu phong.

Chúng tôi giơ máy ảnh cố chụp toàn diện từ gốc tới ngọn nhưng không tài nào thu hết được vào máy. Các cụ trong làng tính, nếu để ôm được hết thân và rễ chính của cây phải huy động đến vài chục người mới xuể. Cây đa Rùa được nhiều người đánh giá thuộc vào loại khổng lồ và đẹp nhất Việt Nam.

Anh Nguyễn Hậu - du khách từ Tây Ninh cũng lặn lội đến thăm cây. Anh tâm sự, có tận mắt nhìn mới thấy hết sự kì diệu của thiên nhiên. “Dù đi nhiều nơi nhưng tôi chưa thấy cây đa nào hùng vĩ và cổ thụ như vậy”.

Các tán cây xòe ra tỏa rộng một góc làng càng tôn thêm vẻ huyền bí của một ngôi làng nhỏ dưới chân núi thánh Tản. Dân làng Rùa ước tính chiều cao của cây phải trên 40m và khi đỉnh điểm lên tới 50m. Tiếc rằng, năm 2010 cây bị gẫy mất 3 “cánh tay” lớn nhất.

Lúc ấy, chứng kiến cảnh cây đa Rùa bị mất “tay”, các cụ trong làng đau lòng lắm. Bởi từ lâu, mỗi khi cây có bệnh hay vấn đề gì đều có điềm báo chẳng lành. Không biết cây đa Rùa cổ thụ này và cụ Rùa Hồ Gươm có liên hệ gì với nhau hay không nhưng khi thấy cây gẫy “tay”, cao niên trong làng dự đoán là cụ Rùa Hồ Gươm sẽ ốm, ai ngờ… đúng thật.

 
Chốn linh thiêng kỳ bí

Bia đá cổ còn lại của đình Rùa sau chiến tranh

Dường như mỗi cây cổ thụ đều có những câu chuyện kỳ bí riêng, ví như cây Dã Hương ở Nam Định hay nhiều cây cổ thụ đã trở thành những vị thần trong tâm linh của người dân địa phương. Còn về cây đa Rùa, chuyện kỳ bí cũng không ít, trong đó có những câu chuyện được nhân chứng xác nhận.

Những năm còn giặc giã, ông T lấy bia đá từ đền Rùa về để làm bậc cầu ao và để làm tấm giặt quần áo. Từ khi đem về nhà, đêm nào ông cũng mơ thần Rùa hiện về đòi phải trả. Một đêm, hai đêm rồi nhiều đêm liền đều thấy giấc mơ kỳ lạ ấy lặp lại… ông T đành đem trả lại tấm bia ấy cho đình và từ đó đến nay ông T không còn mơ thấy thần Rùa đến đòi nữa. Chuyện thật hư ra sao thì không rõ nhưng cả làng ai cũng biết ông T tự thân đem trả lại tấm bia, tấm bia ấy giờ đang nằm ở hiên của đình Rùa.

Cây cổ thụ, nhiều hang hốc là nơi sáo về làm tổ… nhưng khi thanh niên trong làng bắt sáo thì mọi chuyện lại khác. Ẩu đả, nhiều chuyện bất an xảy đến… nhiều người trong số đó mơ thấy thần Rùa về quở trách đòi trả lại sáo. Sợ quá, họ bèn đem trả lại thì mọi chuyện lại diễn ra bình thường.

Vào những năm 90 thế kỷ trước, có một hộ gia đình gần cây đa Rùa không biết vô tình hay cố ý làm cầu tiêu ngay cạnh gốc đa. Một thời gian sau, con của hộ gia đình ấy phát điên phát dại. Chính chủ hộ chết bất đắc kỳ tử cách đó không lâu.

Sau những câu chuyện ly kì về thần Rùa, người dân ở Vân Hòa tin rằng, đó là một nơi linh thiêng và cây đa Rùa tượng trưng cho một vị thần cùng với đức Thánh Tản cai quản vùng núi Ba Vì.

Chứng nhân lịch sử

Không chỉ là hình tượng của đời sống tâm linh người Vân Hòa, cây đa Rùa cùng với đình Rùa còn là cơ sở kháng chiến chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt. Chính tướng Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Phùng Thế Tài được nhân dân bảo vệ an toàn tại khu vực cây đa Rùa này. Không những vậy, đây còn là cơ sở của Trung đoàn cảm tử 66 mà thời ấy người dân thường gọi Trung đoàn Ký Con nổi tiếng.

Cụ Đinh Văn Đức năm nay đã tròn 90 tuổi là người chứng kiến những trận đánh tại đây tự hào nói với chúng tôi: “Nhờ thần Rùa phù hộ, chúng tôi hạ được nhiều sĩ quan Pháp tại gốc đa khiến chúng phải tan rã…”

Cạnh cây đa Rùa, hiện nay còn 2 địa đạo sâu trong lòng đất được bảo vệ cẩn thận, chưa hề hỏng hóc. Đó là hai hầm sâu dùng để tránh bom cho nhân dân và phản kích kẻ thù.