Huy động vốn với lãi suất cao hơn, lợi nhuận ngân hàng ảnh hưởng ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất đầu vào tăng trong khi đầu ra giảm khiến lợi nhuận từ tín dụng của các ngân hàng ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, nhờ nhiều nguồn thu ngoài tín dụng, lợi nhuận các ngân hàng dự báo vẫn lạc quan.

Thời kỳ tiền rẻ không còn nữa

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng tầm nhỏ và tầm trung liên tục điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động, theo đó mặt bằng lãi suất huy động đã nhích nhẹ, chủ yếu ở các kỳ hạn 6-12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay không tăng, thậm chí theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay sẽ giảm thêm từ 0,5-1% trong vòng 2 năm tới.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, hiện nay các ngân hàng trung ương đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tăng lãi suất thì ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế vốn đang rất mong manh; còn nếu không tăng thì ảnh hưởng đến lạm phát. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phải chấp nhận đánh đổi, với khả năng tăng lãi suất 7 lần trong năm nay và 3 lần trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, Việt Nam lại đi ngược xu hướng thế giới, do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ không để mặt bằng lãi suất cho vay tăng. Bởi vì nếu lãi suất cho vay tăng thì doanh nghiệp sẽ chịu “đòn kép” từ giá cả hàng hóa tăng chóng mặt và lãi suất khi vừa nhen nhóm phục hồi.

Do đó, NHNN thậm chí còn đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1% để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. “Việt Nam đã phục hồi chậm một nhịp so với thế giới. Năm 2021, thế giới bước vào hồi phục mạnh mẽ, dẫn tới lạm phát tăng mạnh năm nay, thì Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 thứ tư và năm nay mới bước vào hồi phục” – TS Cấn Văn Lực nói.

Lãi suất huy động đang tiếp tục xu hướng tăng nhẹ

Lãi suất huy động đang tiếp tục xu hướng tăng nhẹ

Lãi suất cho vay không tăng, trong khi theo vị chuyên gia, lãi suất huy động lại đang tăng nhẹ từ đầu năm tới nay và có thể tiếp tục tăng ở một số thời điểm. “Tôi cho rằng thời kỳ tiền rẻ có vẻ không còn nữa đối với chúng ta” – ông nói.

Do vậy, theo TS Cấn Văn Lực, lợi nhuận các ngân hàng từ mảng tín dụng trong năm nay sẽ giảm. “Đầu vào vay trong nước tăng, vay thế giới cũng tăng. Còn lãi suất cho vay thì không tăng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, NIM (chênh lệch lãi suất huy đồng/cho vay) các ngân hàng sẽ không cao như những năm trước; lợi nhuận ngân hàng từ tín dụng sẽ giảm, các ngân hàng sẽ phải tìm nguồn thu từ các mảng khác như dịch vụ, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí…” – vị chuyên gia nhận định.

Triển vọng lợi nhuận vẫn lạc quan trong năm 2022

Dù vậy, hiện tại NIM của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao, nên việc lãi suất cho vay tăng nhẹ sẽ tác động không quá lớn đến lợi nhuận các ngân hàng. Bên cạnh đó, tín dụng năm nay dự báo tăng mạnh hơn năm ngoái, nên sẽ giúp ngân hàng bù đắp phần NIM sụt giảm.

Thậm chí với xu hướng tăng tăng trưởng CASA (tiền gửi không kỳ hạn), một số nhận định còn cho rằng NIM các ngân hàng sẽ không giảm. Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Do đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm % trong năm 2022 để đảm bảo tính thanh khoản.

Tuy nhiên, tăng trưởng CASA sẽ tiếp tục, bù đắp cho phần chi phí vốn tăng lên do lãi suất huy động tăng. Do đó, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ không tăng lên đáng kể và NIM sẽ đi ngang so với năm 2021.

ACBS nhận định động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng sẽ đến từ tăng trưởng tín dụng cao và giảm chi phí dự phòng. Theo đó, dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 15% trong năm 2022, cao hơn so với mức tăng 13,53% trong năm 2021. Tuy nhiên, yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước sẽ làm hạn chế tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng.

Các hoạt động thu nhập ngoài lãi như thanh toán, phân phối bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư và thu hồi nợ ngoại bảng cũng sẽ tăng trưởng tích cực khi các hoạt động xã hội phục hồi sau giai đoạn giãn cách.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích kỳ vọng chi phí dự phòng năm 2022 sẽ giảm so với năm 2021 nhờ các ngân hàng đã trích lập dự phòng cao hơn mức quy định tối thiểu (30%) cho các khoản nợ tái cơ cấu trong năm 2021. Trong đó, một số ngân hàng như VietinBank, MB và ACB đã trích lập dự phòng gần như toàn bộ cho số nợ tái cơ cấu. Do đó, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu này sẽ giảm đi đáng kể trong năm 2022…