Tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong quý I thấp, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bình quân tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong quý I chỉ đạt 9-11% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tương đối thấp.

Theo thông tin mà SSI Reseach vừa đưa ra trong Báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quý I/2022 bình quân của các ngân hàng tương đối thấp, chỉ tăng 9-11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý I/2022 của ngành ngân hàng tăng thấp so với cùng kỳ chủ yếu là do lợi nhuận 2 “ông lớn” ngân hàng là VietinBank (CTG) - lợi nhuận chưa tính đến mảng bancassuarance và Vietcombank (VCB) giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.

Các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25% -27% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn so với kỳ vọng trước đây của SSI do VPBank đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA, cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý I/2022.

Mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất được kỳ vọng tại SHB, STB, MSB, VPB và LPB.

Triển vọng lợi nhuận các ngân hàng vẫn rất tích cực trong năm nay

Triển vọng lợi nhuận các ngân hàng vẫn rất tích cực trong năm nay

Có 3 yếu tố chính khiến các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong kỳ.

Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2%-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quý I/2022 bao gồm Vietinbank, BIDV, MBB, HDBank và TPBank

Thứ hai, biên lãi ròng (NIM – chênh lệch lãi suất huy đồng và lãi suất cho vay) ổn định so với quý trước. Trong khi HDBank, VPBank và Techcombank tăng lãi suất huy động từ 10 - 20 điểm phần trăm thì các ngân hàng khác không có sự thay đổi. Một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR (tín dụng/huy động vốn) và duy trì NIM ổn định trong kỳ.

Thứ ba, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt. Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong quý IV/2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, các khoản cho vay tái cơ cấu bắt đầu có xu hướng giảm ở một số ngân hàng (Vietcombank, ACB), và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng không quá nặng nề trong quý I/2022.

Cho cả năm 2022, SSI duy trì quan điểm tích cực về ngành ngân hàng. “Sau khi tham dự các cuộc họp với nhà đầu tư và xem xét một số tài liệu ĐHCĐ, chúng tôi nhận thấy hầu hết các ngân hàng đều có quan điểm khả quan về năm 2022” – báo cáo của SSI Reseach nêu.

Hiện tại Techcombank và VPBank vẫn chưa công bố con số kế hoạch cho năm 2022. Các ngân hàng còn lại dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay có thể đạt khoảng 24 -25% so với cùng kỳ.

“Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2022 gấp đôi tốc độ tăng trưởng của quý I/2022 đồng nghĩa với triển vọng lợi nhuận của nhóm ngân hàng 3 quý còn lại là khả quan.

Hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7%-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, SSI cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng này sẽ duy trì ở mức tương đối cao.

Hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15%-35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu.