Ban chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm, Hà Nội

Huy động các ngành, đoàn thể chung sức giải quyết phương tiện tự chế gây mất an toàn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Một trong những hoạt động trọng tâm của Ban chỉ đạo 197 huyện và các xã, thị trấn trong thời gian tới đây, là tập trung giải quyết, xử lý phương tiện tự chế gây mất an toàn giao thông”, ông Dương Viết Cường- Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhấn mạnh.

Chủ trương của Ban Chỉ đạo 197 huyện Gia Lâm xuất phát từ việc Công an huyện đã chủ động tham mưu, báo cáo việc triển khai Kế hoạch số 51/KH-CAHN-TM ngày 14/3/2024 của CATP Hà Nội về “Tổng điều tra cơ bản, tuyên truyền, vận động và kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bản bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn Thành phố”. Mấu chốt của Kế hoạch số 51, chính là sự ủng hộ, vào cuộc của các đoàn thể chính trị xã hội, các cấp chính quyền địa phương.

CAH Gia Lâm báo cáo kỹ việc triển khai Kế hoạch số 51 của CATP, với mấu chốt là sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị, xã hội

CAH Gia Lâm báo cáo kỹ việc triển khai Kế hoạch số 51 của CATP, với mấu chốt là sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị, xã hội

Kế hoạch 51 ban hành, triển khai có ý nghĩa hết sức quan trọng với các địa bàn, và cả Gia Lâm. Vì sao vậy? Vì nguy cơ mất an toàn giao thông mà “thủ phạm” là các phương tiện 3 bánh, 4 bánh tự chế, hay xe mô tô gắn thêm gá đèo hàng dài hàng mét…là không thể phủ nhận. Vì Gia Lâm đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, đang chuẩn bị hành trang “lên quận”, thì ít nhiều những phương tiện tự chế hoạt động đã làm ảnh hưởng mỹ quan – văn minh đô thị.

Đến từng hộ dân để tuyên truyền

Đến từng hộ dân để tuyên truyền

Với vai trò, trách nhiệm chủ công, từ yêu cầu – nội dung Kế hoạch 51 của CATP, Công an huyện Gia Lâm đã xây dựng kế hoạch thực hiện, và đã tổ chức triển khai tới toàn thể CBCS trong đơn vị. “Chúng tôi xác định công tác điều tra cơ bản và tuyên truyền ký cam kết là mấu chốt, là khâu đột phá để thực hiện hiệu quả Kế hoạch; đồng thời quyết liệt xử lý đối với các hành vi vi phạm, đảm bảo “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”. Quá trình thực hiện phải luôn đề cao văn hoá ứng xử và xây dựng hình ảnh đẹp của CSGT Thủ đô”, Trung tá Phạm Hoài Nam - phó trưởng CAH Gia Lâm chia sẻ.

Những ngày qua, lực lượng Công an huyện Gia Lâm đã tiến hành điều tra cơ bản, nắm tình hình, từ đó dựng được số cá nhân, số phương tiện cũng như các xưởng sửa chữa, sản xuất cơ khí liên quan đến xe 3 bánh, tự chế. Trung tá Phạm Quang Hưng - Đội trưởng đội CSGT-TT CAH cho biết, công tác điều tra cơ bản còn xác định, phân loại kỹ các trường hợp sở hữu, sử dụng phương tiện này, trong đó chú trọng các trường hợp là thương binh, người có công, người khuyết tật…Bởi, ở góc độ xã hội, đây là những chủ thể luôn được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện; và trong quá trình xây dựng, triển khai mọi kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói riêng, cơ quan chức năng luôn cố gắng nhất những chính sách an sinh xã hội để họ hạn chế được những tác động đến cuộc sống, mưu sinh.

Từ “bức tranh” điều tra cơ bản, CAH chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tổ chức ký cam kết cho các chủ sở hữu, người sử dụng xe ba, bốn bánh tự chế, lắp ráp, không vi phạm quy định của pháp luật. Và để đạt hiệu quả chiều sâu, mang tính đồng bộ, CAH đã tham mưu BCĐ197 huyện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch để huy động các ngành đoàn thể các xã, thị trấn vào cuộc cùng thực hiện Kế hoạch 51 của CATP Hà Nội.

Cùng với lực lượng Công an, cán bộ các ngành, đoàn thể, xã tham gia tuyên truyền, vận động chủ sở hữu, người sử dụng xe ba, bốn bánh đã được đăng ký vào nhu cầu đi lại, sinh hoạt hàng ngày; không sử dụng hoặc cho người khác thuê, mượn, sử dụng để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

“Quá trình tuyên truyền, chúng tôi lồng ghép, cảnh báo tình hình, nguy cơ và hậu quả các vụ tai nạn giao thông do xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô lôi, kéo vật khác gây ra, từ đó ủng hộ lực lượng chức năng xử lý kiên quyết đối với loại phương tiện này”, Trung tá Phạm Quang Hưng nêu rõ, và nhắc lại chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo 197 huyện, là các ngành, đoàn thể, các xã thị trấn phải triển khai động bộ, toàn điện, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của CATP, được cụ thể hoá bởi kế hoạch của CAH, trên tinh thần quyết tâm cao nhất, sáng tạo, vận dụng linh hoạt vào từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể của các đơn vị địa phương. Phải tuyên truyền hết sức cụ thể, sát đối tượng và phải thường xuyên với nhiều hình thức để người dân đồng thuận thực hiện.

Đầu tháng 4 tới đây, theo chỉ đạo của CATP, công tác kiểm tra, xử lý phương tiện tự chế gây mất an toàn giao thông sẽ được đẩy mạnh. Với CAH Gia Lâm, đó sẽ là động lệnh đối với lực lượng CSGT-TT và các lực lượng khác trong tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi vi phạm, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn.