“Huy chương không từ trên trời rơi xuống”

ANTĐ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Lâm Quang Thành cho rằng, nếu muốn giành huy chương tại sân chơi khắc nghiệt như Olympic, VĐV phải có thực lực chứ không thể chỉ chờ may mắn. 

HCĐ thế giới Trần Lê Quốc Toàn (hạng 56kg) gánh trọng trách

 giành huy chương cho đoàn Việt Nam

- PV: Ông đánh giá thế nào về con số 18 VĐV dự Thế vận hội lần này?

 - Ông Lâm Quang Thành: Có thể khẳng định đây là kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử của thể thao Việt Nam, từ số lượng VĐV (18) đến số môn (11) tham dự đều cao kỷ lục. Đặc biệt tại 5 môn trọng điểm (gồm điền kinh, bơi, cử tạ, TDDC, bắn súng), chúng ta đều có VĐV góp mặt. Thành công này đến từ sự quan tâm, đầu tư đúng đắn của ngành thể thao cùng các đơn vị, địa phương, và đặc biệt là nỗ lực rất đáng biểu dương của các VĐV. 

- Xin ông cho biết tình hình tập luyện của các VĐV cũng như công tác chuẩn bị của ngành thể thao tới thời điểm này?

- Ngay từ 2011, Tổng cục TDTT đã lên kế hoạch cụ thể cho từng bộ môn, từng VĐV. Đa số các VĐV đều có chuyên gia ngoại hướng dẫn, được tập huấn tại các quốc gia hàng đầu với chế độ riêng biệt. Bản thân các VĐV cũng nhận thức được vinh dự, trách nhiệm của mình nên đều tích cực tập luyện và nỗ lực tối đa. Thời điểm này, nhiều đội tuyển vẫn đang trong quá trình tập huấn như Taekwondo, bắn súng ở Hàn Quốc; cử tạ ở Pháp; bơi ở Mỹ. Nhiều đội như TDDC, điền kinh sẽ tiếp tục có đợt tập huấn mới tại trường Cao đẳng Bradford, Anh. Điều mừng nhất là các VĐV đều không dính chấn thương đáng ngại nào và tinh thần đang rất hưng phấn.

- Dù góp mặt tới 18 VĐV song nhiều người vẫn lo ngại về một kỳ Olympic trắng tay, ông nghĩ sao?

- Phải thừa nhận, để có huy chương ở sân chơi khắc nghiệt như Thế vận hội rất khó khăn. Trong số 11 đội tuyển tham dự, hy vọng giành huy chương đặt lên vai cử tạ, taekwondo và TDDC. Các môn còn lại, thú thực khó có cửa tranh chấp. Nhưng theo tôi, nếu các VĐV tiệm cận được thành tích thế giới, hoặc chỉ cần vượt qua thành tích của chính mình cũng đã rất thành công. 

- Như vậy, chỉ tiêu có huy chương của đoàn Việt Nam sẽ trông chờ vào… may mắn?

- Cần phải khẳng định rằng, ở một sân chơi lớn như Olympic, sẽ không có những tấm huy chương từ trên trời rơi xuống. Bởi các VĐV đều chuẩn bị rất chu đáo, thi đấu xuất sắc. Và để giành được huy chương, VĐV phải dựa vào thực lực chứ không thể mong chờ may mắn. Tuy khó nhưng không có nghĩa chúng ta không có hy vọng. Hà Thanh (TDDC) hay Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) đều đang ở đẳng cấp thế giới. Theo tôi được biết, thành tích tập luyện của Quốc Toàn dao động từ 280-290kg, và nếu thi đấu đúng phong độ, một tấm huy chương là trong tầm tay. 

- Xin cám ơn ông!

Hôm nay 10-7, đội tuyển TDDC và điền kinh sẽ sang London để tập huấn 10 ngày trước khi nhập làng VĐV. Các đội tuyển còn lại đang tập huấn nước ngoài hoặc tập luyện trong nước sẽ cùng hội quân tại London ngày 20-7, tức một tuần trước ngày khai mạc Thế vận hội. Theo công bố của Tổng cục TDTT, VĐV đấu kiếm Nguyễn Tiến Nhật (cao 1m80) vinh dự cầm cờ đoàn Việt Nam ngày khai mạc. Hiện tại, số tiền thưởng cho tấm HCV Olympic đã hơn 1 tỷ đồng.

Danh sách 18 VĐV Việt Nam dự Olympic 2012 

Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC), Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng), Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Thị Lụa (vật), Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo (rowing), Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm), Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Thúy (cử tạ), Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội).