Hướng dẫn viên du lịch ngày càng thiếu trầm trọng

(ANTĐ) - Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2010 thì lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã đạt con số hơn 5 triệu lượt người nhưng lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ chính thức thì chưa đến 6000 người. Con số này thể hiện sự thiếu hụt lớn về nguồn hướng dẫn viên hiện nay, đặc biệt là cho các ngôn ngữ “hiếm” ...

Hướng dẫn viên du lịch ngày càng thiếu trầm trọng

(ANTĐ) - Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2010 thì lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã đạt con số hơn 5 triệu lượt người nhưng lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ chính thức thì chưa đến 6000 người. Con số này thể hiện sự thiếu hụt lớn về nguồn hướng dẫn viên hiện nay, đặc biệt là cho các ngôn ngữ “hiếm” ...

Tiếng nào cũng thiếu

Thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ. Ảnh: TourNhatrang
Thiếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ. Ảnh: TourNhatrang

Không chỉ những công ty lữ hành nhỏ mới phải đối mặt với thực tế không đủ hướng dẫn viên (HDV) cho du khách quốc tế mà nhiều công ty lữ hành lớn cũng đau đầu. Bà Nguyễn Thanh Tâm, phòng Điều hành Công ty Lữ hành Hương Giang chia sẻ: “Nếu trong mùa cao điểm thì ngay cả với những ngôn ngữ phổ dụng như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp… cũng rất khó gọi được HDV, đặc biệt là những HDV có kinh nghiệm. Vì thế chúng tôi luôn giữ nguồn HDV riêng đã sử dụng lâu năm để tránh tình trạng bị động phải gọi HDV ít kinh nghiệm hoặc chưa làm việc với mình bao giờ”. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ Hành Hanoitourist nhận định: “Việc thiếu hụt hướng dẫn viên chưa đến mức quá nghiêm trọng nhưng hệ lụy nguy hiểm của nó là chúng ta không kiểm soát được chất lượng tour cũng như HDV là người nước ngoài, dẫn đến những tổn hại không nhỏ về cả doanh thu cũng như hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam và bản thân du khách”.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 40% chỉ trong 5 năm từ 3,6 triệu lượt người năm 2006 lên đến 5,1 triệu lượt năm 2010. Trong khi đó, chỉ có gần 6000 HDV được các Sở VH-TT&DL cấp thẻ nhưng có đến 2000 - 3000 là thẻ HDV tạm thời, được cấp cho các HDV tiếng hiếm như Hàn, Ý, Tây Ban Nha… không có bằng cử nhân. Chỉ lướt qua con số cũng đủ thấy tình trạng thiếu HDV xảy ra với tất cả các thứ tiếng chứ chưa nói đến chuyện phân hướng dẫn theo đúng thứ tiếng. Hiện nay HDV tiếng Hàn Quốc là thiếu trầm trọng nhất do lượng du khách Hàn Quốc chiếm trên 10% (chỉ đứng sau Trung Quốc) trong khi số lượng HDV lại rất mỏng, chỉ có vẻn vẹn 57 người. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải sử dụng HDV người Hàn Quốc chấp nhận thực tế họ rất yếu về kiến thức văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Bước đi căn bản

Mới đây, Tổng cục Du lịch đã yêu cầu Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định của Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL, bằng tốt nghiệp trung học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch trở lên là một trong những điều kiện để cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Nếu bằng tốt nghiệp chuyên ngành khác thì người đề nghị cấp thẻ phải có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch (khóa 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng) tùy chuyên ngành đào tạo hoặc chứng chỉ đã đạt được kỳ kiểm tra trình độ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền tổ chức.

Cũng theo ông Lưu Đức Kế thì quy định về việc cấp, đổi thẻ hiện nay đã dễ dàng và thuận tiện hơn trước rất nhiều, không chỉ tạo điều kiện cho số lượng HDV được cấp thẻ tăng lên mà còn khuyến khích và mở ra cơ hội cho những người không học chuyên ngành HDV nhưng yêu và muốn theo nghề. Người có đủ trình độ ngoại ngữ có thể tự đăng ký thi lấy thẻ HDV mà không cần sự bảo trợ của doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ cũng như số lượng HDV được cấp, đổi thẻ cần đến sự hợp tác, hỗ trợ sát sao của các cơ sở đào tạo ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành bằng cách thông báo, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho tất cả các sinh viên ngành du lịch đang học tập và HDV đang công tác tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ thì nên kéo dài thời hạn của giấy phép hành nghề từ 3 lên 5 năm để tạo thuận lợi cho HDV, giúp họ giảm được đáng kể chi phí về thủ tục cũng như giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan hành chính nhà nước. Hơn nữa, kinh nghiệm cũng như trình độ của HDV sẽ tăng lên đáng kể sau 3 năm làm việc và chính các doanh nghiệp lữ hành sẽ chịu trách nhiệm và ràng buộc chặt chẽ về tư cách, kỷ luật lao động của các HDV mà họ đang sử dụng.

Vinh Thu