Hướng dẫn chi tiết để không chấm “sát phạt”

(ANTĐ) - Mặc dù quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009 vừa được Bộ GD-ĐT chính thức ban hành, trong đó quy định rõ về việc sẽ tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh và việc thi theo cụm nhưng đến thời điểm này, không ít cấp quản lý giáo dục tại các địa phương vẫn băn khoăn về cách thức triển khai với lo ngại sẽ nảy sinh không ít khó khăn và có thể cả tiêu cực.

Thi tốt nghiệp THPT 2009:

Hướng dẫn chi tiết để không chấm “sát phạt”

(ANTĐ) - Mặc dù quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009 vừa được Bộ GD-ĐT chính thức ban hành, trong đó quy định rõ về việc sẽ tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh và việc thi theo cụm nhưng đến thời điểm này, không ít cấp quản lý giáo dục tại các địa phương vẫn băn khoăn về cách thức triển khai với lo ngại sẽ nảy sinh không ít khó khăn và có thể cả tiêu cực.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng địa phương có thể còn lo lắng nhưng với những quy định và hướng dẫn cụ thể của Bộ, khả năng nảy sinh tiêu cực là rất khó.

 - PV: Việc tổ chức chấm thi chéo giữa các tỉnh, có địa phương đặt ra tình huống tỉnh này sẽ “sát phạt” bài thi của tỉnh kia khiến thí sinh bị thiệt thòi. Theo ông liệu có khả năng xảy ra tình huống này?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Theo tôi, sẽ không thể xảy ra tình huống đấy. Về mặt hướng dẫn chấm thi, chúng tôi sẽ quy định rất chi tiết để giám khảo phải chấm điểm từng ý trong bài  thi của thí sinh với mức tính từ 0,25 điểm trở lên.

Với barem rõ ràng, giám khảo không thể tùy tiện nâng lên hay hạ xuống điểm của thí sinh vì kể cả chấm “lỏng” hay “chặt” quá thì giám khảo cũng sẽ phải chịu xử lý kỷ luật theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009 vì sẽ có thanh tra tham gia giám sát khâu chấm thi. Còn dĩ nhiên, các địa phương cũng có thể lo lắng về kết quả thi tốt nghiệp của mình giảm bởi khi không chấm bài thi của chính thí sinh tỉnh mình thì rõ ràng giám khảo sẽ có tâm lý khách quan trong việc chấm thi.

- PV: Nhưng nếu chấm quá chi tiết, chặt chẽ theo barem liệu có khả năng thí sinh sẽ bị thiệt nếu không làm theo cách đáp án đưa ra?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Chúng tôi cũng đã lường trước sự việc này, do vậy ngoài hướng dẫn chi tiết barem điểm cho các câu trả lời, Bộ cũng sẽ hướng dẫn và có cơ chế để giám khảo có thể xử lý các tình huống khác nhau như những trường hợp thí sinh có sáng tạo, chọn cách giải khác với đáp án nhưng vẫn cho ra kết quả đúng…

- PV: Việc tổ chức thi theo cụm cũng còn nhiều băn khoăn. Vậy Bộ đã nhận được những phản ánh cụ thể của các địa phương chưa?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Quy chế của Bộ cũng đã nêu, địa phương nào có lý do chính đáng trong việc không tổ chức thi theo cụm thì cần giải trình với Bộ để có cách giải quyết. Hiện nay, Bộ cũng đã nhận được một số phản ánh từ phía địa phương về vấn đề này, tuy nhiên theo kết quả nhận được thì số địa phương gặp khó khăn về công tác này không nhiều và chỉ rơi vào một vài khu vực khó khăn ở các vùng núi.

- PV: Với đặc thù riêng đề thi năm nay sẽ được ra cho nhiều đối tượng thí sinh dự thi. Tâm lý thí sinh lo ngại rằng đề thi cho chương trình nâng cao sẽ khó hơn đề thi cho chương trình chuẩn?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm về sự công bằng trong cách ra đề cho chương trình chuẩn hay nâng cao. Sẽ không có chuyện đề ra theo chương trình nâng cao sẽ khó hơn đề ra theo chương trình chuẩn. Người ra đề sẽ cân đối về độ khó, dễ giữa các đề này. Không thể nghĩ đơn giản rằng cứ chương trình chuẩn sẽ dễ, chương trình nâng cao sẽ khó.

- PV: Vậy để thí sinh làm quen với kỳ thi này, Bộ có đưa ra hướng dẫn hay các đề tham khảo không?

- Ông Trần Văn Nghĩa: Năm nay có nhiều thí sinh ở các ban khác nhau cùng dự thi. Để giúp các Sở và trường phổ thông có cơ sở để ôn tập cho học sinh, chúng tôi đã soạn thảo cấu trúc đề thi để các trường dựa vào đó ôn tập cho học sinh. Kèm theo đó, chúng tôi cũng đưa ra các mẫu đề thi để thí sinh tham khảo. Các thông tin này đều đã được công khai từ rất sớm để các thí sinh có thời gian ôn tập, làm quen và chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Vinh Hương (Thực hiện)