Hợp tác để giải quyết vấn đề "đô-la hóa"
(ANTĐ) - Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh, việc hợp tác chặt chẽ về tiền tệ và tài chính sẽ giúp Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia giải quyết hiệu quả những thách thức đặt ra từ việc sử dụng nhiều loại tiền tệ trong nền kinh tế nước mình.
Tình trạng đô-la hóa sẽ tác động mạnh tới việc điều hành kinh tế vĩ mô |
Khuyến nghị trên được ADB đưa ra tại buổi họp báo "Đối phó với các vấn đề đa tiền tệ trong các nền kinh tế chuyển đổi" tại Hà Nội, ngày 15-10. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ADB, trong nhiều nền kinh tế đang chuyển đổi, việc lưu hành một hay nhiều ngoại tệ cùng với đồng nội tệ không còn là việc hiếm thấy. Tại Việt Nam, Lào và Campuchia, những đồng tiền của các nước khác, đặc biệt là USD, được sử dụng rộng rãi. Tỷ trọng ngoại tệ dao động từ khoảng 20% nguồn tiền lưu thông tại Việt Nam, khoảng 50% tại Lào và hơn 90% tại Campuchia. Tỷ lệ này phản ánh rõ ngoài đồng nội tệ, người dân Việt Nam, Lào, Campuchia còn sử dụng các đồng ngoại tệ khác trong kinh doanh. Trong đó, đồng USD là lựa chọn số một, trên thực tế đó là hiện tượng "đô-la hóa".
Ông Ayuni Konishi - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: "Giải quyết tình trạng đô-la hóa và đa tiền tệ là một vấn đề thuộc chính sách kinh tế quốc gia. Việt Nam đã có những tiến bộ trong quá trình phi đô-la hóa, tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng các giải pháp hành chính sẽ không thể đạt được hiệu quả trong việc giảm tình trạng đô-la hóa nền kinh tế. Điều quan trọng là cần tăng cường niềm tin của người dân đối với đồng tiền Việt Nam".
"Có thể cải thiện tình trạng đô-la hóa qua với nhiều giải pháp như ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân với đồng nội tệ, củng cố hệ thống ngân hàng-tài chính, thị trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Muốn vậy, Chính phủ và các cơ quan quản lý phải tăng cường tính minh bạch trong quản lý vĩ mô" - ông Ayuni Konishi nói.
Các chuyên gia của ADB cũng cho rằng, đô-la hóa sẽ đặt ra những quy tắc cho chính phủ các nước trong việc cân đối thâm hụt ngân sách. Theo đó, Chính phủ không thể dễ dàng cân đối thâm hụt bằng cách in thêm tiền hay đề ra các loại thuế mới "đánh" vào người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu việc đô-la hóa dẫn tới một tỷ giá hối đoái cố định thì còn giúp giá cả trên thị trường ít biến động.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều đồng tiền trong một nền kinh tế có thể khiến cơ quan quản lý kinh tế mất khả năng kiểm soát đối với chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái. Đồng thời làm giảm quyền lực của ngân hàng trung ương với tư cách là đơn vị cho vay cuối cùng.
Ông Jayant Menon, chuyên gia kinh tế cao cấp của Vụ Hội nhập kinh tế khu vực của ADB cảnh báo: "Đô-la hóa có thể làm “cùn” các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái. Do đó, Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia cần phải giải quyết hàng loạt các vấn đề kinh tế và phát triển, chẳng hạn như vấn đề lạm phát tăng theo hình xoắn ốc. Ngoài ra, với tình trạng đa tiền tệ như hiện nay thì việc xử lý những cú sốc từ bên ngoài cũng mất thời gian hơn và khó khăn hơn".
Ông Giovanni Capannelli, chuyên gia kinh tế cao cấp của Học viện ADB bổ sung: "Mặc dù giải quyết hiện tượng đa tiền tệ thuộc phạm trù chính sách kinh tế của mỗi quốc gia, nhưng việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm sẽ giúp các cơ quan quản lý tiền tệ của các nước Lào, Campuchia và Việt Nam tìm ra giải pháp đối với vấn đề đô-la hóa. Ba nước có lợi ích khi tăng cường hợp tác với nhau, cũng như với các thành viên khác của ASEAN".
Hùng Anh