Hồng Kông kêu gọi ổn định chính trị trước nguy cơ biểu tình lan rộng

ANTĐ - Chính quyền Hồng Kông đang ra sức kêu gọi cư dân thành phố không làm suy yếu sự ổn định và thịnh vượng của thành phố, khi gần 800.000 người đã tham gia bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức gần đây.

Các cuộc biểu tình hàng năm diễn ra vào ngày 1/7 đánh dấu sự trở lại của Hồng Kông về với Trung Quốc đại lục. Điều này làm gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh về việc đảm bảo quyền tự do bầu cử cho cư dân Hồng Kông với chính quyền của họ như trong nguyên tắc “một quốc gia – hai chế độ” đã quy định.

Giám đốc điều hành Leung Chun-ying của Hồng Kông tham dự Diễn đàn tài chính châu Á tại Hồng Kông 13/1/2014


Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu 17 năm Hồng Kông trở lại với Trung Quốc, Giám đốc điều hành Leung Chun-ying cho biết, chính quyền khu vực đã cố gắng tạo ra một sự đồng thuận về cải cách chính trị trong thời gian chuẩn bị cho một cuộc bầu cử lãnh đạo thành phố kế tiếp vào năm 2017.

"Chỉ bằng cách duy trì sự ổn định chính trị, chúng tôi mới có thể duy trì sự thịnh vượng kinh tế của Hồng Kông và cải thiện cuộc sống của người dân", Leung cho biết tại Golden Bauhinia Square, nơi các nghi lễ bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc được tổ chức vào năm 1997.

An ninh được thắt chặt ở trung tâm tài chính châu Á, nơi mà các ngân hàng và các công ty đang thực hiện kế hoạch dự phòng trong trường hợp người biểu tình sẽ diễu hành trên đường phố và ngăn chặn giao thông khu vực vào ngày mai (2/7).

"Chúng tôi có thể thấy rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn quyền tự chủ của Hồng Kông, và chúng tôi muốn cho họ biết chúng tôi không sợ chính phủ trung ương đàn áp”, Johnson Yeung, một trong những người tổ chức các cuộc biểu tình cho biết.

Trước đó, 792.000 người, chiếm gần 10% dân số của thành phố, đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý thúc giục Bắc Kinh cho phép cư dân Hồng Kông có quyền tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ trên toàn thành phố vào năm 2017.

Bắc Kinh lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu dân ý không chính thức của Hồng Kông


Bắc Kinh đã cho phép Hồng Kông tiếp tục tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào năm 2017, tuy nhiên các quan chức cấp cao Trung Quốc đã bác bỏ việc công chúng có thể tự do đề cử các ứng cử viên. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ ban hành danh sách các ứng cử viên trung thành với Trung Quốc, sau khi đã lọc ra những ứng viên đối lập nhằm giải quyết những bế tắc hiện tại ở khu vực.

Hồng Kông trở về với Trung Quốc cùng bản thỏa thuận về một nền tư chủ cao của thành phố theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại ban hành Sách Trắng nói rằng quyền lực tối thượng của khu vực nằm trong tay Bắc Kinh. Điều này đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cư dân Hồng Kông.