Hơn nửa triệu trẻ em Việt Nam phải làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ngày 18-12, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố kết quả cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ công bố

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại lễ công bố

Điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Cuộc điều tra được thực hiện vào năm 2018 cho thấy, có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em.

Báo cáo điều tra đã xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.

So sánh trong khu vực, tỉ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

So với kết quả Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ nhất (được thực hiện vào năm 2012), số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018.

Kết quả của cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, có gần 520.000 lao động trẻ em tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là những công việc có những nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ.

Lao động trẻ em làm các công việc độc hại thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ lao động trẻ em làm các công việc độc hại trong khu vực nông nghiệp thấp hơn. Số giờ làm việc của lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/ 1 tuần.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay, lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu, hiện nay, theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em.

Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em, làm mất đi các quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, kết quả khảo sát là cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam xây dựng các chiến lược, chính sách thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, về phòng, chống lao động trẻ em, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, giúp hoàn thiện hơn cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phân tích số liệu lao động trẻ em.