“Hỗn chiến” từ nhà tới tòa

(ANTĐ) - Là chị em ruột, bà Đỗ Thị Dần và Đỗ Minh Ngà đều trú ở phố Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội, cùng bán hàng ăn đêm. Thế nhưng cái cách cạnh tranh theo kiểu “hàng tôm hàng cá” của 2 phụ nữ này đã đẩy gia đình họ vào cảnh “huynh đệ tương tàn”. 

Hỗn chiến ở quán ăn đêm
Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Đỗ Thị Dần và Đỗ Minh Ngà cùng bán hàng ăn đêm ở cạnh nhau trên phố Đê La Thành. Quá trình kinh doanh, giữa 2 gia đình thường xảy ra xích mích chỉ vì nhà này thấy nhà kia đông khách hơn. Mâu thuẫn giữa 2 nhà lên đến đỉnh điểm vào 23h ngày 13-12-2008, khi Trần Sỹ Long (SN 1973, con trai lớn bà Dần) “dằn mặt” người làm công của quán bên cạnh.
Thấy nhân viên của mình bị đánh, Trần Quang Hữu (SN 1956, chồng bà Ngà) đã to tiếng với Trần Sỹ Long. Sự việc tưởng chấm dứt ở đây, nhưng không ngờ 2 gia đình này đã âm thầm… chuẩn bị lực lượng. Đến khoảng 4h ngày 14-12-2008, Lê Minh Sơn (SN 1974, con rể ông Hữu), Dương Ngọc Long (1980, trú phường Nam Đồng, quận Đống Đa) và Lê Thanh Tùng (SN 1984, trú phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) xuất hiện tại quán ăn của bà Ngà. Trần Sỹ Long cũng huy động em trai là Trần Ngọc Bảo (SN 1976) và Nguyễn Thành Trung (SN 1976, ở phường Thành Công, cùng quận Ba Đình) cùng một số đối tượng khác đến chực chờ. Trần Sỹ Long tiếp tục gây hấn với chồng của dì ruột.

Thấy Trần Sỹ Long có thái độ “bất kính” với “người lớn” nên Dương Ngọc Long liền buông lời “dạy bảo”. Cùng lúc, Trần Quang Hữu đấm thẳng vào mặt Trần Sỹ Long. Vì đã chuẩn bị trước, Trần Sỹ Long rút ngay tuýp sắt có gắn dao chọc tiết lợn ở đầu ra chém đối thủ. Đứng gần bố vợ, Sơn cũng vung dao “nghênh chiến”.

7 đối tượng trong vụ hỗn chiến cùng có mặt tại phiên tòa

Trong lúc Trần Sỹ Long và Lê Minh Sơn lao vào chém nhau, Bảo, Trung cũng cầm dao tấn công Dương Ngọc Long, Lê Thanh Tùng. Vì yếu thế, nhóm Trần Sỹ Long sau đó phải chạy vào nhà cố thủ. Ở bên ngoài, các đối tượng do Lê Minh Sơn cầm đầu tiếp tục dùng gạch đá, bát đĩa ném vào nhà Trần Sỹ Long. Cuộc hỗn chiến của 2 nhóm chỉ chấm dứt khi lực lượng công an có mặt. Hậu quả, Trần Sỹ Long bị tổn hại 16% sức khỏe. Phía bên kia, Lê Minh Sơn bị thiệt hại 14% và Dương Ngọc Long cũng bị thương tổn 12% sức khỏe.          

Các lời khai “đá” nhau

Từ nội dung vụ án nêu trên, VKSND Hà Nội đã truy tố Lê Minh Sơn, Trần Quang Hữu theo khoản 3; Trần Sỹ Long, Trần Ngọc Bảo theo khoản 2, Điều 104-BLHS cùng về tội cố ý gây thương tích; Dương Ngọc Long, Nguyễn Thanh Tùng và Lê Thành Trung cùng tội gây rối trật tự công cộng.

Tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua (8-7), các bị cáo vẫn tiếp tục “đá” nhau bằng lời khai đầy mâu thuẫn. Cụ thể, tài liệu truy tố xác định Lê Thành Trung đã dùng dao chém Dương Ngọc Long và Nguyễn Thanh Tùng. Tuy nhiên, tại tòa bị cáo này một mực cho rằng không có bất cứ hành vi ẩu đả, gây rối nào tại thời điểm xảy ra vụ hỗn chiến. Giải thích về sự có mặt bất thường của mình ở hiện trường vụ án, Trung trình bày tới đó để ăn đêm. Khi xô xát xảy ra, bị cáo vội vàng chạy vào nhà Trần Sỹ Long để tránh tai vạ.

Trái lại, Dương Ngọc Long khẳng định, chính Trung là người đã dùng tuýp sắt nhọn đâm vào người bị cáo. Về thương tích của mình, Trần Sỹ Long khai ngoài bị Sơn đâm chém, còn bị Dương Ngọc Long đả thương. Thế nhưng Dương Ngọc Long lại phủ nhận điều này vì cho rằng có ít nhất 3 đối tượng đuổi theo đánh chém nên bị cáo không thể chống đỡ được. Về con dao lực lượng công an thu giữ, Dương Ngọc Long trình bày sau khi bị đâm trọng thương đã vô tình nhặt được và cầm giữ để tự vệ.

Quanh co hòng chối tội, Nguyễn Thanh Tùng cũng trình bày đến quán ăn của bà Ngà ăn đêm chứ không phải đi theo Sơn đến để đánh nhau. Trần Quang Hữu thì khai chỉ có mặt tại hiện trường khi đã xảy ra ẩu đả, không phải là người “châm ngòi nổ”…

Với hàng loạt lời khai mâu thuẫn nhau, không phù hợp với cáo trạng truy tố nên kết thúc nửa ngày xét xử, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. HĐXX đề nghị VKS phải làm rõ thêm hành vi phạm tội của các bị cáo, đồng thời yêu cầu các bị hại sớm cung cấp chứng từ chi phí điều trị để có cơ sở xem xét về mặt dân sự.