Hơn 840 tỷ đồng bình ổn giá tại địa phương

ANTĐ - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều tỉnh, thành phố lớn đã bắt tay vào thực hiện Chương trình bình ổn giá cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ với tổng số nguồn vốn tham gia là hơn 840 tỷ đồng.
Báo cáo của 29/63 Sở Tài chính các tỉnh, thành phố gửi về Cục Quản lý giá cho biết, nhiều địa phương đã có quyết định về thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá trên địa bàn.

Theo đó, tổng số nguồn vốn tham gia Chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu là 840,6 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất từ 0% đến 0,3%/tháng và thời gian thực hiện từ 3 đến 12 tháng tùy từng địa phương.

Danh mục hàng bình ổn giá gồm những hàng hóa thuộc nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán như: Gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thị gia cầm, bánh mứt, lạp xưởng, bột ngọt.

Theo tính toán của Cục Quản lý giá, hiện nay có hơn 60 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với số điểm bán hàng lên đến hơn 3.000 điểm. Cụ thể, tại Hà Nội, thực hiện Chương trình năm 2012, thành phố đã sử dụng 376 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất, tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp. Số tiền trên đáp ứng bình quân 8% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng thiết yếu.

Đồng thời, các doanh nghiệp bằng nhiều nguồn vốn khác đã chủ động tăng mức dự trữ hàng hóa đảm bảo tổng lượng hàng dự trữ đáp ứng 20% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong vòng 1 tháng tại 689 điểm. Thời gian thực hiện đến hết tháng 4-2013 với 10 nhóm hàng thiết yếu như gạo tẻ thường, thịt lợn, thịt gà, trứng gà vịt, thủy hải sản...

Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được thực hiện trong cả năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013 với 9 nhóm hàng. Đến nay đã có 25 doanh nghiệp tham gia ( trong đó có 12 doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, 12 doanh nghiệp nhận vốn một phần, tổng số vốn là 270,9 tỷ đồng không tính lãi trong 12 tháng) với 2.687 điểm bán hàng. Giá đăng ký của các doanh nghiệp thấp hơn thị trường từ 5 đến10%.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã tạm ứng vốn cho các DN thực hiện Chương trình bình ổn giá, như Bến TRe tạm ứng từ ngân sách 10 tỷ đồng, Bình Dương hơn 20 tỷ đồng, Bắc Giang 40 tỷ đồng, Hải Phòng 28 tỷ đồng, Hậu Giang 27 tỷ đồng, Quảng Nam 35,7 tỷ đồng, Quảng Ninh 30 tỷ đồng, Tiền Giang 28,4 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đã cam kết mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn và thực hiện các điểm bán hàng lưu động về các khu dân cư, khu cụm công nghiệp, vùng nông thôn xa. Các doanh nghiệp dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải đăng ký với Sở Công Thương ít nhất 1 điểm bán hàng bình ổn và treo băng rôn trước mỗi điểm bán hàng và bán với giá niêm yết đảm bảo thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.

Tuy nhiên, có 9/29 tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch và không thực hiện Chương trình bình ổn giá, trong đó có tỉnh, thành phố chưa bố trí được kinh phí thực hiện, có tỉnh không có nguồn lực để thực hiện.

Để góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá thị trường, Cục Quản lý giá đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền vận động khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, đồng thời tăng cường các biện pháp bình ổn giá và kiểm soát giá cả trên địa bàn.

Song song với triển khai Chương trình, Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình bình ổn giá; xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những cam kết với cơ quan quản lý nhà nước.