Hơn 3.000 cán bộ chủ chốt của Công an Hà Nội quán triệt Nghị quyết về tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ chiến sỹ sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng nay (16-5), Đảng ủy CATP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/ĐUCA ngày 06/4/2023, về “Tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ chiến sỹ sai phạm trong CATP Hà Nội”.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 18

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 18

Tại hội trường lớn CATP Hà Nội và các điểm cầu, hơn 3.000 cán bộ chủ chốt đã được nghe Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP trực tiếp quán triệt Nghị quyết hết sức quan trọng này.

Khai mạc hội nghị, thông qua đúc kết của các danh nhân, các nhà văn hóa lớn trên thế giới, Báo cáo viên - Trung tướng Nguyễn Hải Trung đã chuyển tải giá trị - ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác tổ chức kỷ luật: “Bạn luôn không làm điều bạn không thích, nhưng làm việc mà bạn không thích chính là kỷ luật”; hay “Kỷ luật là nền tảng mà tất cả thành công được xây dựng, thiếu kỷ luật chắc chắn dẫn đến thất bại”… để từ đó nhấn mạnh từng CBCS phải tự suy ngẫm về tính kỷ luật của mỗi người, phải đặt ra nguyên tắc, quyết tâm để quyết định sự thành bại trong mỗi công việc. Và, yêu cầu mỗi cá nhân trong tổ chức phải tuân thủ kỷ luật và nguyên tắc của tổ chức.

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy CATP Hà Nội, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ CATP lần thứ 18 nhiệm kỳ 2020 - 2025; ngày 06/4/2022, Đảng ủy CATP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng; cùng với Nghị quyết số 09 về “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an thành phố Hà Nội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; thể hiện sự quyết tâm của Đảng ủy CATP trong xây dựng đội ngũ CBCS Công an Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh, có tư tưởng chính trị vững vàng, liêm chính, nhân văn, vì nhân dân phục vụ - nhân tố then chốt, quyết định sự thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng của CATP.

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Hải Trung vừa quán triệt vừa phân tích, giải thích các nội dung trọng tâm, cơ bản của Nghị quyết, xoay quanh 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, đó là vì sao thời điểm này Đảng ủy CATP ban hành Nghị quyết?; Hai là, những nội dung cơ bản của Nghị quyết. Và vấn đề thứ ba: phải làm gì và làm thế nào để tổ chức thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết?...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương để củng cố sức mạnh toàn CATP

Báo cáo viên - Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu rõ: CAND với tính chất là lực lượng vũ trang nòng nốt, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ANQG, TTATXH. Một trong các yếu tố sức mạnh của lực lượng vũ trang đó là tính kỷ luật, kỷ cương. Đây là vấn đề mang tính cốt lõi, đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, từng CBCS, đảng viên trong lực lượng CAND phải quán triệt, thấm nhuần.

Hội nghị trực tuyến từ điểm cầu hội trường lớn CATP

Hội nghị trực tuyến từ điểm cầu hội trường lớn CATP

Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi sai phạm của CBCS nhằm để củng cố sức mạnh của toàn CATP, cũng như từng đơn vị. Đây cũng là một trong những nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong CATP được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ CATP lần thứ 18, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động toàn khóa của toàn CATP.

“Công an Thủ đô là đơn vị có quy mô, tổ chức bộ máy lớn của lực lượng CAND. Hơn ai hết và hơn bao giờ hết, việc tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong bối cảnh hiện nay là vấn đề mang tính sống còn. Không chỉ giai đoạn hiện nay, thời điểm hiện nay mà qua sơ kết, tổng kết lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an Thủ đô thì một trong các yếu tố làm nên vẻ vang của lực lượng Công an Thủ đô chính là Đảng ủy, lãnh đạo CATP qua các thời kỳ đều đặc biệt chú trọng đến việc củng cố, vun dầy tính kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa CBCS sai phạm. Đó là một trong các bài học kinh nghiệm sâu sắc mà ngày nay chúng ta phải kế thừa”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhìn nhận và phân tích: tăng cường quản lý phòng ngừa và siết chặt kỷ luật, kỷ cương được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo, xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu trong xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.

Hơn 600 cán bộ chủ chốt tại điểm cầu hội trường lớn CATP

Hơn 600 cán bộ chủ chốt tại điểm cầu hội trường lớn CATP

“Chúng ta cần phải thấy rằng, đây không phải là vấn đề mới được đặt ra, mà trong suốt quá trình xây dựng lực lượng CAND với tính chất là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ đều đặc biệt quan tâm và ban hành rất nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo”, đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội chỉ rõ.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, lực lượng CATP Hà Nội với bề dày truyền thống anh hùng và với vị thế là lực lượng Công an của Thủ đô phải xác định tâm thế gương mẫu, đi đầu trong việc quán triệt, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng uỷ Công an Trung ương. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 15, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; trong đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu; tính văn hiến, văn hóa, nghĩa tình, lương tri, phẩm giá của người Hà Nội.

Một xuất phát điểm quan trọng khác đề Đảng ủy CATP xây dựng, ban hành Nghị quyết số 18, đó là xuất phát từ thực trạng, tình hình CBCS trong CATP. Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, những năm qua, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy CATP đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa và xử lý CBCS sai phạm. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy ở nhiều đơn vị trong CATP thể hiện tinh thần quyết liệt, đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định, hướng dẫn của Bộ Công an, CATP, có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phát hiện, xử lý sai phạm được chấn chỉnh, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng quy định, vừa răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung; kỷ luật, kỷ cương từng bước được siết chặt; CATP đã có nhiều hơn những tấm gương "người tốt, việc tốt", nhiều gương dũng cảm, hy sinh, bị thương trên mặt trận phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống của nhân dân...

Tuy nhiên, tình hình sai phạm của một bộ phận CBCS còn diễn biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Tình hình trên đã làm suy giảm chất lượng đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của CATP, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, truyền thống của lực lượng Công an Thủ đô.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, Trung tướng Nguyễn Hải Trung đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan như cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy ở một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa nhận thức sâu sắc, toàn diện về vai trò, trách nhiệm của mình và tầm quan trọng của công tác quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa CBCS sai phạm; việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thiếu nghiêm túc, thiếu quyết liệt, còn hình thức, bị động, đối phó. Vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng của CATP và của từng đơn vị trong công tác quản lý phòng ngừa hội viên, đoàn viên sai phạm chưa được phát huy hiệu quả. Nội dung quản lý, biện pháp và trách nhiệm trong công tác quản lý CBCS còn chưa được xác định rõ ràng cụ thể…

“Xuất phát từ sự cần thiết trên và qua đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn, khách quan những nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân thuộc về chủ quan; Đảng ủy CATP, lãnh đạo CATP đã đặt quyết tâm phải ban hành một Nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường quản lý phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong CATP Hà Nội"; giao Phòng Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng. Quá trình nghiên cứu, xây dựng đã lấy ý kiến tham gia đóng góp rộng rãi của cấp ủy, CBCS từ đơn vị cơ sở. Sau khi được tất cả các đồng chí Ủy viên Đảng ủy CATP đồng ý, ngày 06/4/2023, thay mặt Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy CATP đã ký ban hành Nghị quyết số 18”, người đứng đầu CATP cho biết.

Xử lý phải đi đôi với việc giáo dục, giúp đỡ tạo điều kiện cho CBCS khắc phục sửa chữa khuyết điểm

“Các đồng chí cần lưu ý tên gọi của Nghị quyết số 18, là “Tăng cường quản lý, phòng ngừa cán bộ, chiến sĩ sai phạm trong CATP”. Tăng cường ở đây được hiểu là tăng cường về quản lý công tác phòng ngừa CBCS sai phạm, chứ không phải đơn thuần là tăng cường việc phòng ngừa sai phạm. Việc điều chỉnh trọng tâm là công tác quản lý (gồm tổng thể, toàn diện các vấn đề: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thể chế, đề ra đồng bộ các chính sách từ việc tạo dựng môi trường trong sạch, lành mạnh, văn hóa, nghĩa tình kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBCS để CBCS an tâm công tác, cống hiến; đến công tác nhận diện, phát hiện và quản lý CBCS có biểu hiện sai phạm; từ nâng cao tính tự phòng ngừa, tự đề kháng, tự kỷ luật, ý thức tự giác học tập, trau dồi kiến thức, bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức của từng CBCS đến các chủ trương, nguyên tắc khi xử lý sai phạm...). Điều đó thể hiện một tầm cao hơn đối với việc là chỉ tăng cường phòng ngừa. Đó mới tương xứng với mục đích, ý nghĩa và tầm điều chỉnh của một Nghị quyết lớn”, người đứng đầu CATP Hà Nội phân tích.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, trên cơ sở quán triệt các chủ trương, quan điểm, quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy Hà Nội, có sự vận dụng phù hợp với đặc điểm, tình hình của CATP; với tinh thần quyết tâm đổi mới, Nghị quyết số 18 đã đề ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phải đạt được và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, rõ ràng. Đây là những nội dung hết sức cốt lõi, không chỉ để giải quyết những tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay mà còn là định hướng xuyên suốt trong công tác quản lý phòng ngừa CBCS sai phạm của CATP thời gian tới.

Nghị quyết số 18 xác định quan điểm chỉ đạo là tăng cường quản lý phòng ngừa CBCS, xử lý nghiêm minh CBCS sai phạm (trong đó có nội dung siết chặt kỷ luật, kỷ cương) là tạo nên sức mạnh của tổ chức; sự hoàn thiện và thành công của mỗi cá nhân là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, lực lượng Công an Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng ủy, Ban Thường vụ đảng ủy CATP, trực tiếp của cấp ủy ở từng đơn vị. Đặc biệt ở đây đề cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu.

Nghị quyết số 18 chỉ rõ: phải quản lý chặt chẽ, chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm minh; lấy quản lý, giáo dục, giúp đỡ CBCS tiến bộ làm nền tảng; chủ động phòng ngừa nhất là tự phòng ngừa từ sớm, từ xa là chủ đạo; xử lý là biện pháp không mong muốn nhưng không thể không làm để phòng ngừa chung.

Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa "xây" và "chống", trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách; giữa "xử lý" và "sử dụng", trong đó coi trọng vấn đề "sử dụng". Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, đổi mới tư duy theo tình hình thực tiễn; tạo ra cơ chế hiệu quả để CBCS nâng cao sức "đề kháng", tự phòng ngừa, tự bảo vệ.

Qua Nghị quyết số 18, Đảng ủy CATP Hà Nội khẳng định quyết tâm kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa". Xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khuyến khích tinh thần chủ động, tự phát hiện, tự khắc phục, tự sửa chữa những tồn tại, hạn chế, yếu kém, sai phạm.

Tạo môi trường thượng tôn pháp luật trong toàn CATP

Đây là một trong 3 mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 18 đề ra. Cùng với môi trường thượng tôn pháp luật, CATP cũng hướng đến việc tạo môi trường công tác, chiến đấu trong sạch, lành mạnh, văn hóa, nghĩa tình kỷ luật, kỷ cương để CBCS hoàn thiện bản thân, phát huy cao nhất phẩm chất, năng lực, sở trường cá nhân, tạo động lực mạnh mẽ để CBCS phát triển; kiên quyết đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Song song với việc xây dựng đội ngũ CBCS Công an Thủ đô thực sự trong sạch, vững mạnh, có tư tưởng chính trị vững vàng, liêm chính, nhân văn, vì nhân dân phục vụ; có trình độ và năng lực thực tiễn ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 18 chỉ rõ thông qua quản lý chặt chẽ, tích cực phòng ngừa và xử lý nghiêm minh CBCS sai phạm nhằm đẩy mạnh xây dựng và nâng cao lý tưởng chính trị, các chuẩn mực đạo đức, danh dự, tư tưởng "dân là gốc", trọng dân, gần dân đối với CBCS; củng cố hình ảnh tốt đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng mỗi người dân Thủ đô.

“Cần phải thấy rằng, mục tiêu hướng tới của việc tăng cường quản lý phòng ngừa CBCS sai phạm không phải là vấn đề xử lý mà là vấn đề tạo dựng và xây dựng. Đó mới là mục tiêu cao cả; thể hiện tinh thần hết sức nhân văn của Đảng ủy, lãnh đạo CATP. Tuy nhiên, muốn "xây" thì phải "chống", "chống" để mà "xây", do đó, phải kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống"”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu đề ra; Nghị quyết số 18 đã xác định rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp giải quyết tổng thể, toàn diện tất cả các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý phòng ngừa CBCS sai phạm.

Các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trên cơ sở hệ thống hoá, kế thừa các văn bản trước đây đồng thời có những nhiệm vụ, giải pháp mới được đặt ra có tính đột phá cao.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ nhất là Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng văn hóa người Hà Nội gắn với phát huy truyền thống, nâng cao đạo đức công vụ, phong cách người chiến sĩ Công an Thủ đô bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ hai: Phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng ở từng đơn vị trong công tác quản lý chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tích cực phòng ngừa CBCS sai phạm.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ 3 là: Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ, bảo vệ chính trị nội bộ, tích cực phòng ngừa CBCS sai phạm. Đây là những nhiệm vụ cốt lõi, là điểm nhấn trong nhóm 7 nhiệm vụ mà Nghị quyết số 18 đã đề ra. Trên cơ sở thực hiện tốt các nội dung quản lý, biện pháp quản lý; từng đơn vị phải kịp thời phát hiện, lập danh sách CBCS có biệu hiện sai phạm theo 6 danh mục và coi đây là một chế độ công tác quan trọng:

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 là: Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên các mặt công tác.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ 5 là: Xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng quy định CBCS sai phạm

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 6: Đảm bảo tốt các chế độ, chính sách đối với CBCS.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 7 là: Hoàn thiện các điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ chặt chẽ, chủ động phòng ngừa và xử lý CBCS sai phạm.

“Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”

Đó là câu nói của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng mà Trung tướng Nguyễn Hải Trung tâm đắc, trích dẫn trong nội dung quán triệt đến toàn lực lượng Công an Thủ đô triển khai Nghị quyết số 18.

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy CATP, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 26/4/2023, CATP đã ban hành Kế hoạch tổng thể số 181/KH-CAHN-PX01; trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị hết sức cụ thể, rõ ràng, đề ra các đầu việc triển khai thực hiện, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc làm thường xuyên, những việc theo lộ trình. “Đây là Nghị quyết được nghiên cứu một cách rất công phu, đã đề ra hết sức đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý phòng ngừa, xử lý CBCS sai phạm. Vấn đề cốt yếu thời gian tới là khâu tổ chức thực hiện. Nhiều lần tôi đã nói: Khâu tổ chức thực hiện là căn cơ của những căn cơ, giải pháp của những giải pháp; quyết định sự thành bại của Nghị quyết”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung chia sẻ.

Trên tinh thần phát huy kết quả đạt được khi thực hiện Nghị quyết số 09 về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CATP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; người đứng đầu CATP yêu cầu từng cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị (từ đơn vị cấp đội, Công an cấp xã đến cấp Phòng, Công an an cấp huyện) thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

Một là: Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán, chất lượng, hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 18 theo sự phân công tại Kế hoạch số 181 của CATP. Trước mắt, ngay sau Hội nghị này, các đơn vị cần tập trung tổ chức tuyên truyền, phố biến quán triệt đến toàn thể CBCS trong đơn vị để thấm nhuần các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18, từ đó thống nhất từ nhận thức đến hành động đối với CBCS.

Hai là: Nghị quyết số18 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể có thể áp dụng được ngay, không nhất thiết phải chờ CATP thể chế hóa. Vì vậy, đề nghị cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo kế hoạch số 181. Quá trình thực hiện đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, thành viên cấp ủy các cơ quan tham mưu tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra toàn CATP; đặc biệt đề cao vai trò của Thủ trưởng, người đứng đầu từng đơn vị; huy động mạnh mẽ các nguồn lực, các tổ chức đoàn thể (Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn) thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18.

Ba là: Từng cấp ủy đơn vị trong toàn CATP phải luôn phát huy đoàn kết, thống nhất, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường, quản lý, phòng ngừa CBCS sai phạm ngay ở cấp mình, với phương châm quản lý chặt chẽ, chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm minh.

Bốn là: Quá trình tổ chức thực hiện các nội dung nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 18 phải "làm đến đâu chắc đến đó"; tránh tình trạng chủ quan, nóng vội hoặc làm hình thức, làm lấy lệ... Chú trọng công tác theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, yếu kém, sai phạm và đề ra các biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ.