Hơn 1 triệu người thất nghiệp trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của năm 2022 đã giảm 359,2 nghìn người so với năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động.
Số lượng lao động có việc làm tăng lên trong năm 2022

Số lượng lao động có việc làm tăng lên trong năm 2022

Năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, cao hơn 1,1 triệu người so với năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,1 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2022 là 68,5%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.

Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2022 ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm trước.

Trong số đó, số lao động có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2019 là 56,8 nghìn người.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2022 là khoảng 991,5 nghìn người, giảm 454,5 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, giảm 0,89 điểm phần trăm so với năm trước.

Đáng chú ý, dù số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã giảm so với năm 2021 359,2 nghìn người nhưng cả nước vẫn còn gần 1,07 triệu người thất nghiệp. Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp năm 2022 là khoảng 409,3 nghìn người, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong năm 2022 là 7,72%, giảm 0,83 điểm phần trăm so với năm trước.

Từ quý III-2022, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, thu nhập của người lao động tăng liên tục do các biện pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ và các gói hỗ trợ người lao động được triển khai có hiệu quả. Với đà phục hồi đó, dự báo tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2022 sẽ là bức tranh có nhiều mảng sáng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao… nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm thì đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến trong quý IV-2022, thị trường lao động có diễn biến trái ngược với trước khi dịch Covid-19 xảy ra, là tỷ lệ thiếu việc làm có xu hướng tăng lên.