Hồi ức gia đình nữ chiến sĩ điệp báo Công an Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Bà Lê Thị Xuân Uyên (1927-1995) là một trong những nữ chiến sĩ công an đầu tiên ngay sau khi đất nước giành được độc lập (2-9-1945). Với bí danh Thái Duyên, bà là Trạm trưởng Trạm Phản gián của Công an Hà Nội. Bà hoạt động tình báo nội tuyến và bị rơi vào tay giặc, bị giam giữ, tra tấn cho đến khi thoát khỏi được nhà tù Hỏa Lò năm 1948 để tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19-8-1945 / 19-8-2023), An ninh Thủ đô Cuối tuần gửi tới bạn đọc một số suy tư, tình cảm của tác giả Lê Vũ Trang (con trai ông Lê Nùng là em ruột bà Xuân Uyên) về một mảnh đời thường của bà Xuân Uyên đối với người họ hàng. Bài viết được sử dụng trong cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của mùa xuân cách mạng” viết về nhạc sĩ Xuân Oanh, tác giả ca khúc “Mười chín tháng Tám” do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành vào mùa thu này.

Tình thương không giới hạn

Họ nội nhà tôi gốc ở Hưng Yên. Làng Đìa (nay là thôn Bảo Tàng, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi) là tên làng mà ông nội tôi ra đời. Đến khi chúng tôi lớn lên, làng dường như vẫn nghèo, cứ như định mệnh gắn với cái tên nó vậy. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn gắn bó với ngôi làng nhỏ, hàng tuần vẫn về quê như để chiêm ngưỡng mối thâm tình khó nói thành lời của bác và bố. Tất cả vẫn còn vương vấn đâu đó bên những bụi tre, ao làng và bện vào chúng tôi.

Chân dung bà Xuân Uyên

Chân dung bà Xuân Uyên

Ông thân sinh ra bác Uyên và bố tôi (Lê Nùng) là Lê Trạc, tốt nghiệp bác sĩ cùng năm với ông Vũ Đình Tụng. Ông Trạc và ông Tụng đã xây nhà gần nhau ở chợ Hôm, nhà ông tôi ở số nhà 77 phố Trần Xuân Soạn (thời Pháp tên là Rue Harmand). Năm 1947, con trai ông Vũ Đình Tụng và bố tôi cùng tham gia Tự vệ Thủ đô và trong một đêm cùng nhau đi gác, một quả lựu đạn lạc nổ đã làm con trai ông Tụng hy sinh. Cụ Hồ đã viết thư chia buồn với gia đình ông Tụng và sau đó ông đã tham gia kháng chiến. Cụ nội tôi là Lê Trừng, sinh thời là Tham phán tại nên thường gọi là cụ Phán Trừng. Bác và bố tôi ở số nhà 77 Trần Xuân Soạn cho tới khi tham gia kháng chiến năm 1947. Sau Cách mạng tháng Tám, ngôi nhà đó là nơi ẩn giấu và họp kín của cán bộ cách mạng, bác tôi mua củi chất đầy xung quanh để che mắt địch. Khi tấn công vào Hà Nội tháng 12-1946, lính Pháp tập kích ngôi nhà này để lùng bắt cán bộ cách mạng. Không bắt được ai chúng nổi lửa đốt nhà. Sau khi tiếp quản Thủ đô, bố mẹ tôi có ở ngôi nhà đó một thời gian trước khi chuyển đến nhà tập thể của Ban Công nghiệp Trung ương ở 118 Hàng Bông.

Bố tôi có người chị ruột là Lê Thị Xuân Uyên. Kém bà Uyên có 1 tuổi nhưng bố tôi lúc nào cũng răm rắp nghe theo chị. Đi tham gia mít tinh ngày 19-8 ở Nhà hát Lớn bà đưa bố tôi đi, tham gia cách mạng bà cũng đưa bố tôi vào. Có lẽ chỉ có khoảng thời gian bà lên Việt Bắc, bố tôi đi bộ đội ở Hà Nam thì hai chị em mới xa nhau. Sau này, đi tản cư sơ tán thời kháng chiến chống Mỹ, con của hai chị em cũng ở cùng nhau, gần gũi nhau bên lũy tre làng, tôi chưa từng biết đến một tình chị em nào như thế. Trong thâm tâm bố tôi, bà Uyên như một người mẹ hiền khiến cho bố hầu như không có chút phản kháng nào trước bất cứ điều gì chị muốn. Hễ thấy làm gì để bà vui là bố tôi làm. Còn tình thương của bà dành cho bố tôi và các cháu dường như cũng không có giới hạn. Những gì thuộc về đời sống của em trai cùng vợ con cũng là đời sống của bà.

Ảnh gia đình cách mạng, bà Nguyệt ngồi hàng đầu bên phải, bà Xuân Uyên đứng hàng đầu bên phải

Ảnh gia đình cách mạng, bà Nguyệt ngồi hàng đầu bên phải, bà Xuân Uyên đứng hàng đầu bên phải

Ngỡ ngàng trước tình yêu thương của bác

Thời đó đất nước còn nghèo, nhà bác Uyên tôi không dư dả gì, nhưng nhà tôi thiếu thốn thì bác cũng chung tay lo toan. Bác nấu bát canh thì cũng mang cho nhà tôi 1 bát, bác tìm cách lo toan từ cái áo, đôi tất, cái chăn trong mùa đông tháng giá… Tình cảm như thế thành ra cũng gắn kết tình nghĩa giữa bố tôi với anh rể (tức bác trai Xuân Oanh) như ruột thịt. Bố tôi hễ cứ sớm chủ nhật là hào hứng đi bộ từ Hàng Bông sang Quán Sứ sang thăm hai bác rồi cùng anh rể lim dim nghe nhạc giao hưởng từ chiếc máy quay đĩa mono bé xíu, còn bác gái thì tất bật pha trà, rang lạc… phục vụ và ngắm hai người đàn ông yêu thương nhất mực trong đời với vẻ mãn nguyện. Nhớ nhất khi bố tôi bị đột quỵ, ngày đầu một nửa người ông còn cử động được nhưng đến hôm sau đã bất động, thở máy. Bác Uyên nhìn bố tôi, lòng đau thắt nhưng vẫn bình tĩnh gọi tôi ra và bảo: “Nhìn bố con thế này bác đau lòng lắm… Thôi con ạ, để bố đi đi…”. Tôi khóc, phần vì thương bố, phần vì ngỡ ngàng trước tình thương yêu của bác. Hẳn phải xót em đến thế nào thì người chị mới đủ can đảm nghĩ tới kết cục đó khi mà trái tim người em vẫn còn đập.

Ông Lê Nùng, em ruột bà Xuân Uyên

Ông Lê Nùng, em ruột bà Xuân Uyên

Họ nội nhà tôi ít người sống thọ. Ông nội tôi mất khi mới ngoài 30 tuổi. Bố tôi đi xa ở tuổi 59 tuổi. Người con cả của bác tôi (Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Lê Châu) cũng đi xa ở tuổi 59, còn bác tôi mất ở tuổi 69. Trong họ, bố tôi là “độc đinh”, đến tôi cũng vậy dù nhà có 3 chị em. Tôi lấy vợ 6 năm vẫn chưa sinh con, trở thành nỗi bận tâm lớn nhất, thường trực của cả bố và bác khiến tất cả cùng nhau đôn đáo tìm mọi cách để “có thằng đích tôn” chống gậy về sau. Đến năm thứ 7 vợ tôi mang thai, bác Uyên mừng lắm nhưng cũng đầy âu lo chuyện sinh nở. Bác thích có cháu trai nhưng vẫn luôn miệng bảo thích cháu gái và không cho siêu âm biết trước giới tính. Ngày cháu ra đời, tôi chưa thấy bác vui như thế bao giờ. Khi 3 tuổi, cháu ốm lại bị tiêm nhầm thứ thuốc mà nếu bình thường thì sẽ bị teo cơ suốt đời. Ròng rã 3 ngày đêm bà không rời mắt khỏi cháu, khấn cầu tổ tiên phù hộ để cháu được an bình, tôi chưa thấy bác ưu tư như thế bao giờ. Rồi một thời gian dài ngày nào bà cũng đi chợ dành tiền mua giò lụa cho cháu. Sau này lớn lên, cháu vẫn gọi bà là “bà giò” như một kỷ niệm để đời. Ngày vợ chồng tôi sinh đứa thứ hai, vẫn con trai, bác khi đó đã yếu lắm nhưng vẫn đem hoa vào viện động viên cháu dâu: “Nhà mình hiếm con nên con trai càng tốt cháu ạ”.

Mặt sau tấm chân dung ông Lê Nùng, có bút tích bà Xuân Uyên vào ngày ông Lê Nùng qua đời

Mặt sau tấm chân dung ông Lê Nùng, có bút tích bà Xuân Uyên vào ngày ông Lê Nùng qua đời

Luôn nặng tình với họ hàng, người quen

Sinh ra, lớn lên trên phố cổ Hà Nội, sau đó thoát ly làm cách mạng, không ở gần quê, song bác Uyên luôn nặng tình với họ hàng, người quen, vẹn nguyên truyền thống “tắt lửa tối đèn có nhau”. Nhà bác và nhà tôi luôn là địa chỉ thường trực của người ở quê mỗi khi cần lên Hà Nội, giống như thuở chúng tôi còn bé được bà con trong làng san sẻ, cưu mang khi bom Mỹ tàn phá Hà Nội (năm 1968). Thời đó, 6 anh em chúng tôi (3 người con của bác tôi và 3 người con của bố tôi) được làng góp công làm hẳn cho một mái nhà tre 3 gian. Ngày thu hoạch thì mỗi nhà cho một ít ngô, khoai, sắn, tính ra lượng ngũ cốc của “hộ nhà tre” chúng tôi còn nhiều hơn cả những hộ sản xuất trực tiếp. Nhà bác tôi cứ cuối tuần là về quê mang theo những gì mình có cho dân làng, có lần bác trai đi công tác nước ngoài còn cố mua được diêm (loại to, có 2 ngăn của Liên Xô) phân phát cho cả làng mỗi hộ 1 bao. Thời đó thứ này vô cùng hiếm hoi. Bác Uyên tôi chắt chiu lắm, không dám mua sắm gì cho mình hay gia đình, nhưng hễ thấy ai thiếu gạo là bác xúc của nhà đem cho. Thời bao cấp khó khăn, xếp hàng mua được bát phở mậu dịch là hiếm hoi, có lần bác vừa mua thì có người ăn xin đến, bác liền nhường luôn cho họ, còn mình thì nhịn thèm mà về.

Ông Lê Nùng với cây đàn violin

Ông Lê Nùng với cây đàn violin

Với hoàn cảnh đất nước chiến tranh, chia cắt mấy chục năm thì trong họ hàng, việc có những người ở 2 chiến tuyến khác nhau là điều khó tránh, gia đình tôi cũng vậy. Nhưng trong khi nhiều người tìm cách tránh né để khỏi liên lụy thì bác Uyên và bố tôi chọn cách khác, đó là cưu mang, động viên các cô chú ở phía bên kia mỗi khi có điều kiện. Điều này cũng động viên gia đình các cô chú tôi rất nhiều và cũng làm anh em chúng tôi gắn bó với nhau hơn. Sau này, nhà chúng tôi là địa chỉ của tất cả bà con trong làng, họ hàng nội ngoại mỗi khi có việc lên Hà Nội. Chị em tôi mua một miếng đất nhỏ ở làng, dựng mái nhà đơn sơ để lui về mỗi tuần, cũng là “văn phòng đại diện thường trực” của Hà Nội ở quê để tiếp nối truyền thống “văn hóa lũy tre làng” mà bác Uyên và bố tôi truyền lại. Chúng tôi cũng có một khoảnh nhỏ trong nghĩa trang của làng. Thời trước bác tôi thoát ly không có điều kiện thờ cúng gì, sau này gia đình và xã hội đều khó khăn, mãi bác mới làm một bàn thờ nhỏ để tưởng nhớ tổ tiên, cha mẹ. Đến khi có điều kiện xây lại mộ cho các cụ thì bác phấn khởi lắm, nhưng lại ưu tư vì thất lạc một ngôi mộ của cụ tôi bởi chiến tranh và thời gian. Giờ tôi làm một ngôi mộ gió để có chỗ thắp hương cho cụ. Ở suối vàng, chắc hẳn bác tôi cũng được thanh thản.

Bác Uyên tôi không có con gái nên coi chị tôi (chị Hà) như con đẻ, bác trai đi công tác về lần nào cũng có quà riêng. Chị tôi thường nói là thấy hạnh phúc khi sự chăm sóc của bác dành cho chị là rất tận tình. Hồi chị tôi mới lấy chồng, bác vào nhà chị ở làng Cót, sang thăm các gia đình họ hàng nhà cháu rể, khi chào ra về đều nhờ quan tâm đến cháu gái mình. Vào nhà chị tôi, bác đi ngó nhà cửa, bảo chị mở cửa tủ để xem. Ngó vào thấy tủ lèo tèo vài bộ quần áo và một ngăn vài cái bát đĩa, bác buồn nói, nhà mình bỏ đi hàng ngàn cây vàng mà để cái Hà phải đi kiếm từng hào. Đến giờ chị tôi vẫn thường hay nhắc lại ngày sinh cháu đầu lòng, bác hàng ngày vào viện chăm sóc như một người mẹ chăm con.

Lòng trung thành với đất nước, bao dung với đời

Những năm cuối đời, bác tôi bị tổn thương thần kinh nặng nề, di chứng của đòn thù giặc Pháp ở nhà tù Hỏa Lò khi bác mới 20 tuổi. Thời đó bác làm Trạm trưởng Trạm Phản gián của Công an Hà Nội (đội điệp báo hoạt động trong lòng địch khi quân ta rút lên Việt Bắc). Bác bị tra tấn dã man lắm. Kẻ địch tra điện liên tục vào thái dương, 10 đầu ngón tay, ngón chân và cả bầu ngực trong hàng tháng trời để buộc bác khai ra lãnh đạo và đồng đội. Khi biết thứ bác sợ nhất trên đời là rắn, chúng buộc túm ống quần bác lại và thả rắn vào bên trong. Vì đòn thù này mà hai bác tôi lấy nhau đến 5 năm mới mang thai. Bác bảo, vẫn may chán vì đã xác định không sinh nở được. Sau này cứ nhìn thấy rắn trên TV là bác lăn ra ngất.

Bệnh trở nặng bác Uyên lại càng quan tâm đến con cháu hơn, lúc nào cũng dặn dò đủ điều. Có một thứ mà bác cứ lặp đi lặp lại mỗi khi gặp chúng tôi là “phải soi gầm giường trước khi ngủ kẻo kẻ gian trốn hại mình”. Một buổi bác có khi bác dặn đến chục lần, vợ tôi chắc được dặn nhiều nhất. Nhưng cũng lạ, đến giờ vợ tôi vẫn bảo, nghe bác nói cả ngày, cứ lặp đi lặp lại mỗi câu ấy thôi mà không thấy chán. Có lẽ, tình thương vô bờ mà bác dành cho các cháu đã biến những điều tưởng như khó chịu đó thành lòng thành kính, biết ơn.

Tình cảm của bác tôi với đồng đội, đồng nghiệp cũng là hiếm thấy. Bạn chiến đấu trong Đội Tự vệ thành Hoàng Diệu khi xưa gặp gỡ hay mày tao chí tớ như thuở còn trẻ, thương quý nhau như ruột thịt. Trong Tổ Phản gián của bác có một người cô họ hơn bác 1 tuổi cũng bị Pháp bắt. Người chiến sĩ ấy bị tra tấn vô cùng dã man và sau đó địch đã quẳng xác xuống sông Hồng, không để lại dấu tích gì. Bác tôi trăn trở suốt mấy chục năm trời viết đủ mọi đơn từ báo cáo về người đội viên của mình. 65 năm kể từ ngày người chiến sĩ ấy hy sinh, CATP Hà Nội phối hợp với Công an tỉnh Hưng Yên đã đưa Bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh Liệt sĩ Lê Thị Nguyệt về quê nhà trong một buổi lễ giản dị mà hết sức trang trọng. Cả làng tôi vận áo tang bùi ngùi ôm vào lòng nữ Liệt sĩ Công an bằng những vòng hoa trắng tinh khôi.

Lòng trung thành với đất nước, nhân ái với người và bao dung với đời đã làm nên con người bác. Bác rể tôi vẫn thường nói với các con: “Nếu không có mẹ, cuộc đời bố đã rẽ sang ngã khác”. Có lẽ tình yêu vô bờ mà hai bác dành cho nhau đã làm cho hai con người, mặc dù hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng đã vượt lên tất cả để cùng bên nhau cho đến tận cuối đời. Bác tôi may mắn có một người chồng không chỉ giỏi giang mà rất có tâm, biết trân trọng nề nếp gia phong của nhà vợ. Có lẽ tấm lòng nhân ái của bác tôi cũng ảnh hưởng tới bác rể để có một cuộc sống trọn vẹn đến cuối đời. Nhiều người nói bác là người hạnh phúc vì có chồng tài giỏi, con cái thành đạt, em trai và người thân nhất mực yêu thương. Tôi cũng nghĩ như vậy, và bác xứng đáng được hạnh phúc vì cả cuộc đời bác luôn dành sự yêu thương vô bờ cho chồng, con, em trai, họ hàng, đồng chí đồng đội, người thân xung quanh…

Còn biết bao điều cần kể về bác tôi. Có bao điều bác đã mang theo, không để lại gì. Mỗi khi chúng tôi tỏ ý thương xót, bác lại bảo bác là người may mắn, bao đồng đội của bác đã rời xa cuộc sống khi còn trẻ và họ mãi mãi là những Liệt sĩ vô danh.