“Hồi sinh” các dòng sông vì tương lai Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Hội nghị lần thứ chín, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy…

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường và TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cũng đóng góp các kiến nghị và giải pháp góp phần phục hồi các con sông nội đô Hà Nội.

Đoạn giao cắt giữa sông Tô Lịch và sông Lừ với màu đen đặc trưng chảy qua khu Linh Đàm

Đoạn giao cắt giữa sông Tô Lịch và sông Lừ với màu đen đặc trưng chảy qua khu Linh Đàm

Làm sống lại các con sông nội đô là khả thi

Đó là khẳng định của TS Đào Trọng Tứ khi nhắc lại câu chuyện cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) tại TP.HCM. Trước đây, ai cũng biết kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là con kênh “chết”, y hệt như các con sông Tô Lịch, Kim Ngưu… tại nội đô Hà Nội. Thế nhưng, giờ đây nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã xanh trở lại. Hơn 1,2 triệu người sống xung quanh lưu vực kênh có hệ thống thu gom nước thải tập trung, trực tiếp được hưởng lợi thông qua cải tạo điều kiện vệ sinh, giảm nguy cơ ngập lụt. Đêm đêm, người dân thong dong tản bộ 2 bên kênh bờ hóng mát, quán xá đông đúc. Dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cư dân 7 quận, góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp - hiện đại - văn minh.

Sau giai đoạn 1, TP.HCM đang triển khai giai đoạn 2 dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với mục tiêu xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Ngoài ra, TP.HCM còn cải tạo thành công kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đạt mục tiêu nâng cao điều kiện sống cho hơn 1 triệu dân dọc 2 bờ kênh vốn ô nhiễm trầm trọng. Giá trị đất đai, nhà cửa cũng nhờ đó được tăng cao, tình trạng bệnh tật được đẩy lùi, phúc lợi công cộng, an sinh xã hội, diện mạo khu vực thay đổi tích cực một cách rõ rệt.

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thực hiện đúng các nguyên tắc chuyển các dòng nước thải xuống cống bao đến nhà máy xử lý tập trung rồi bịt kín các miệng xả, sau đó nạo vét xuống đến cao trình nhằm tạo đủ công suất thoát nước cho dòng kênh. Đó là những nguyên tắc cơ bản mà giới chuyên môn về thoát nước và vệ sinh môi trường đều hiểu rõ và thực hiện được, tức là áp dụng tất cả nội lực chứ không cần du nhập công nghệ xa lạ nào từ bên ngoài. Công trình tách dòng là thiết kế độc đáo được áp dụng ở TP.HCM lần đầu trong dự án này rồi sau đó được triển khai ở Đà Nẵng và kế đó là dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Sông Kim Ngưu nằm trong hệ thống thoát nước thải của thành phố kéo dài tận Yên Sở hiện đang ô nhiễm nặng

Sông Kim Ngưu nằm trong hệ thống thoát nước thải của thành phố kéo dài tận Yên Sở hiện đang ô nhiễm nặng

Giải pháp phục hồi

Theo TS Đào Trọng Tứ, để có thể “hồi sinh” các con sông nội đô Hà Nội, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn thải loại và số lượng nước thải để từ đó đưa ra các giải pháp khác nhau, khả thi và phù hợp với từng giai đoạn về nguồn lực thì mới bảo đảm thành công. Bên cạnh đó, vấn đề chính sách cần được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đồng bộ, nghiêm túc thì mới bảo đảm hiệu quả.

Cụ thể, phải kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch. Thắt chặt quy chuẩn nước thải nhằm quản lý và kiểm soát nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm và đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải theo đúng quy định. Quy hoạch xử lý nước thải sinh hoạt và triển khai đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố.

- Đối với sông Nhuệ, cần xây dựng các công trình lấy nước trực tiếp từ sông Đáy, sông Hồng để bổ sung nguồn nước sạch, tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để tiếp thêm nguồn cho sông Tô Lịch cấp đủ nước và duy trì dòng chảy tối thiểu trên hệ thống. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung Yên Xá, Phú Đô và hệ thống cống thu gom nước thải. Không xả nước thải từ đập Thanh Liệt vào sông Nhuệ mà đưa toàn bộ nước thải xuống trạm bơm Yên Sở xử lý trước khi chảy ra môi trường.

- Đối với sông Tô Lịch, đã có rất nhiều phương án bổ cập nước được nghiên cứu như phương án lấy nước sông Hồng bơm vào hồ Tây và xả qua cống Xa La và cống Đõ, hay phương án bơm nước sông Hồng vào hệ thống kênh tưới Xuân Đỉnh sau đó dẫn vào sông Tô Lịch. Tuy nhiên, ở đây mới đề cập đến giải pháp bổ cập nước mà chưa đề cập đến giải pháp khôi phục dòng chảy. Vì vậy, cần khôi phục dòng chảy sông Thiên Phù (là đoạn sông trước đây chảy giữa làng Phú Xá và Nhật Tân qua Xuân La, có một nhánh chảy qua chùa Bái Ân, đến Yên Thái thì nối vào sông Tô Lịch) bằng giải pháp lấy nước từ sông Hồng qua trạm bơm đặt ở cuối ngõ 464 Âu Cơ. Nước sông Hồng sau khi được lắng sơ bộ, sẽ được bơm theo đường ống (theo ngõ 464 Âu Cơ, qua đê, đường Lạc Long Quân) và đổ vào thượng lưu sông Tô Lịch.

Hiện nay, hệ thống cống bao và giếng tách nước thải đang được xây dựng dọc sông Tô Lịch nhằm ngăn chặn nước thải chảy vào sông. Tuy nhiên, khi lượng nước mưa và nước thải trộn lẫn đạt lưu lượng lớn hơn 3 lần lưu lượng nước thải thì hỗn hợp nước này sẽ chảy vào sông Tô Lịch. Như vậy, để khôi phục và duy trì chất lượng nước của sông đạt tiêu chí về môi trường, cảnh quan thì mặt cắt của sông hiện nay cần được cải tạo cho phù hợp. Mặt cắt của sông sẽ được bổ sung 2 tuyến cống hộp chạy dọc 2 bên để thoát hỗn hợp nước thải và nước mưa, khi lưu lượng hỗn hợp nước này có độ pha loãng đạt tiêu chuẩn nước sạch phục vụ vui chơi giải trí thì nó sẽ được chảy vào tuyến sông hở nằm ở giữa qua cửa cổng rào cản có cánh được bố trí dọc theo tuyến.

- Đối với sông Kim Ngưu, Lừ và Sét, cần xác định được mặt cắt thoát lũ, đảm bảo thoát nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Xác định được quy mô đô thị ven bờ phù hợp với cảnh quan đô thị, hài hòa và thân thiện với môi trường. Phải giải quyết triệt để ô nhiễm theo hướng tách nước thải, không đổ thải vào sông và có nguồn nước sạch cho sông. Nguồn nước đưa vào là sông Hồng (tại bến Phà Đen) với giải pháp công nghệ bơm cột nước cao.

Đường ống áp lực có 1 nhánh kết nối lưu giữ vào hồ Bảy Mẫu, lượng nước cấp cho sông Sét bằng cống xả hồ Bảy Mẫu và vào cống ngầm lòng đường Trần Đại Nghĩa, cửa ra là đầu sông lộ thiên gần nhà 142 Trần Đại Nghĩa và một nhánh ống kết nối lưu giữ vào hồ Thanh Nhàn, từ hồ Thanh Nhàn đổ vào sông Kim Ngưu bằng cống xả hồ Thanh Nhàn. Trước mắt cần nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống các hố ga trước các cống phía thượng lưu đổ vào sông Kim Ngưu và sông Sét. Tất cả các cửa cống từ các đường ngõ đổ ra sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét cần có hố ga, lưới chắn, dễ mở nắp để vớt rác thải, không cho rác theo cửa sông ra dòng sông và xử lý chất thải... Kiểm tra toàn bộ hệ thống xả thải và xử lý ô nhiễm tại các bệnh viện như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bạch Mai, Bưu Điện, Việt Xô, 108, 103, Đống Đa, Nội tiết, Ung bướu (cơ sở 2) và các trường đại học: Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng... Xây dựng lịch trình nạo vét hàng năm trên các con sông.

Cải tạo sông phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết ngành

Trong thời gian tới, những thách thức và áp lực đối với môi trường của các con sông nội đô sẽ ngày càng phức tạp do quá trình đô thị hóa. Vấn đề này sẽ làm nảy sinh các tác động đến môi trường nước mặt là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, những mâu thuẫn trong việc lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lâu dài là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong việc đề xuất các chính sách phát triển của Hà Nội và tập trung các nguồn lực cho phát triển của Thủ đô để có hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững.

Các dòng sông nội đô đã bị ô nhiễm trở thành những dòng sông “chết” buộc phải cải tạo thay đổi theo hướng xem xét toàn diện nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Các giải pháp cải tạo sông nội đô phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác như: tiêu thoát lũ, cấp nước, phát triển không gian và bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa, tâm linh. Do đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm và khôi phục các sông nội đô cần dựa trên các nguyên tắc tổng hợp và đồng bộ, tức là giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, môi trường nước phải kết hợp với các giải pháp bổ cập nguồn nước. Phải xem xét tới quy luật vận động của dòng chảy và tự nhiên với phạm vi ảnh hưởng của các hệ thống sông khác. Các giải pháp cần xét tới nhu cầu, mong muốn người dân.

Việc nghiên cứu cải tạo, khôi phục các sông nội đô Hà Nội rất phức tạp, có liên quan đến hệ thống sông lớn như sông Đà, sông Hồng, phạm vi lại rộng nên hiện tại khó có một cơ quan nào có đủ các yêu cầu để nghiên cứu độc lập. Vì vậy, việc nghiên cứu cần được tổ chức thông qua cơ chế phối kết hợp với nhau, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, giữa kỹ thuật và văn hóa.

GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường: Năm bước để làm “sống” lại các dòng sông

Hà Nội hiện có 4 con sông nội đô đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống thoát nước, sinh thái đô thị và gắn liền với chiều dài lịch sử văn hóa. Đáng tiếc, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tỉ lệ nghịch với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, những con sông này lại trở nên ô nhiễm trầm trọng. Vấn đề chính nằm ở việc thu gom và xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước khu vực trung tâm Hà Nội là hệ thống cống chung, nước thải chưa được tách ra và chưa được xử lý xả vào 4 con sông này. Nhưng điều đó không có nghĩa là “bó tay bất lực”, chúng ta nhìn vào thực trạng để đưa ra giải pháp. Tôi tập trung chính vào 2 con sông ô nhiễm trầm trọng nhất là Tô Lịch và Kim Ngưu. Hiện nay có 2 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Hà Nội là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét) hoạt động từ năm 2014 và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (lưu vực sông Tô Lịch và sông Lừ) dự kiến đến năm 2024 sẽ đi vào vận hành. Trên cơ sở đó, tôi đề xuất 5 bước để làm sống lại các dòng sông:

Thứ nhất: Xây dựng các tuyến cống bao, tách và thu gom nước thải đưa về các nhà máy xử lý nước thải tập trung (Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở) để xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường rồi bổ cập trở lại cho sông. Đối với các điểm xả nước thải phân tán không thu gom được vào cống bao đưa về nhà máy xử lý tập trung thì cần có các giải pháp xử lý tại chỗ bằng các công trình và thiết bị phù hợp.

Thứ hai: Làm sạch và xử lý bùn lắng đọng trong sông, kè lại các đoạn bờ sông bằng các vật liệu sinh thái, tôn tạo các đoạn bờ sông phù hợp với cảnh quan và mục đích vui chơi giải trí khu vực…

Thứ ba: Tạo dòng chảy sinh thái về mùa khô từ nguồn bổ cập nước sạch là nước sông Hồng lưu lượng khoảng 5m3/s đối với sông Tô Lịch hoặc nước hồ Yên Sở (dung tích chứa nước trên 3 triệu m3) lưu lượng khoảng 4m3/s đối với sông Kim Ngưu. Các điểm bổ cập nước sạch tại đầu sông, tạo vận tốc khoảng 0,3 đến 0,5m/s cho dòng chảy sông, đảm bảo các điều kiện sinh thái cho sông cả về lưu lượng và chất lượng nước.

Thứ tư: Bố trí các công trình kiến trúc trên dòng sông như vòi phun nước, bè thực vật thủy sinh... có ý nghĩa vừa tạo cảnh quan để vui chơi, giải trí, vừa tăng cường quá trình tự làm sạch cho sông nhờ cung cấp thêm oxy hòa tan và tạo chế độ động trong sông.

Thứ năm: Nâng cao ý thức của cộng đồng, người dân để cùng chung tay bảo vệ các dòng sông để từ đó cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị.

Nếu quyết liệt, đồng bộ các giải pháp này thì chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi các con sông trong nội đô.

Tuấn Dũng

Làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, Tích, Nhuệ, Đáy

Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ chín, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo liên quan tới công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Bí thư Thành ủy yêu cầu rà soát, đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch thủy lợi đối với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khu vực các huyện được định hướng sẽ phát triển thành quận và thành phố trực thuộc Thủ đô. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch thoát nước đô thị và nông thôn của thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp, đồng bộ và hiệu quả.

Đồng thời, cần khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch và các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố; nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước trên địa bàn, để tăng khả năng chứa nước, phục vụ việc thoát nước đô thị; đặc biệt là tại địa bàn các quận, huyện có nhiều khu đô thị mới và các khu vực có mật độ dân cư cao như Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Đối với khu vực nông thôn, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước; làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt, nhất là tại khu vực các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức... “Cần quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp... Khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Chính Trung

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi: Hà Nội cần lồng ghép văn hóa, quy hoạch trong cải tạo các dòng sông

Làm sống lại các dòng sông, muộn nhưng luôn thời sự

Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Thường trực Hội Thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường biển (VAMEN) trực thuộc VACNE cho biết: “Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận diện thực trạng này. Việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo làm sống lại các dòng sông trong thành phố một lần nữa cho thấy, thực trạng ô nhiễm các dòng sông đáng cảnh báo và cần phải có giải pháp quyết liệt để khắc phục. Điều này cũng thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố để kiên quyết xử lý triệt để một vấn đề đã nói từ lâu”.

Đi sâu vào phân tích, vị chuyên gia về môi trường cho biết, Thủ đô Hà Nội vốn dĩ xuất phát là một vùng đất thấp ven sông. Đối với các nước, khi quy hoạch kiến trúc, nếu địa danh có sông, có biển thì bao giờ họ cũng dựa vào sông, biển để phát triển quy hoạch, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nhất yếu tố này. Các dòng sông, ao, hồ trong đô thị là những không gian để điều chỉnh, điều hòa các yếu tố tiểu khí hậu bên cạnh cây xanh. Thế nên, trong quy hoạch đô thị phải có các hồ điều hòa, nhiều thành phố không có các điều kiện sông ngòi tự nhiên còn phải tạo hồ nhân tạo để tạo không gian điều hòa khí hậu cho đô thị.

Thời gian gần đây, Hà Nội nói riêng, các thành phố lớn nói chung đã quan tâm đến việc này. Nhưng lùi lại, cũng cần thấy rằng quá trình đô thị hóa mạnh, quá trình bê tông hóa đô thị của chúng ta đã khiến một số dòng sông trong nội đô trở thành dòng sông “chết”. Không ít hồ bị san lấp để dựng lên các tòa nhà. Ngay cả ở các vùng ngoại thành, các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy cũng cạn nước… Vì thế, làm sống lại các dòng sông ở Hà Nội, nói là muộn nhưng không bao giờ là muộn và càng không nên để muộn hơn nữa.

Sông Tô Lịch đoạn qua phố Thụy Khuê nay đã trở thành con sông “chết”

Sông Tô Lịch đoạn qua phố Thụy Khuê nay đã trở thành con sông “chết”

Lồng ghép cải tạo sông với yếu tố văn hóa, lịch sử, quy hoạch

Ngoài vấn đề về điều hòa nước, điều hòa khí hậu, tác động môi trường thì với riêng Hà Nội, một Thủ đô văn hiến ngàn năm, các dòng sông đều mang trong mình một giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, và cả giá trị kinh tế. ĐBQH Nguyễn Chu Hồi dẫn chứng, nếu chúng ta so sánh dòng sông Tô Lịch với dòng sông cắt ngang thành phố Amsterdam (Hà Lan) hay một số thành phố khác trên thế giới cũng có sông chảy giữa đô thị, thì chúng ta thấy sông Tô Lịch rộng, dài và còn mang trong mình cả một kho câu chuyện về lịch sử. Thế nhưng, chúng ta đang khai thác nó ít hiệu quả, thậm chí bị ô nhiễm nặng. “Theo tôi, để làm sống dậy các dòng sông, trước tiên phải trả nó lại hiện trạng ban đầu, tức phải khơi thông dòng chảy. Chỉ khi đó, việc xử lý môi trường mới hiệu quả” - ông Nguyễn Chu Hồi nói.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, nếu chúng ta đưa công nghệ vào xử lý nước sông thì cũng đạt được hiệu quả nhất định, nhưng rất tốn kém. Và nếu không giải quyết được tồn tại căn bản là tình trạng ngăn sông, lấn sông, xả thải ra sông… thì không thể bền vững. Với các dòng sông ở ngoại thành cũng vậy, cần có nghiên cứu để tìm các giải pháp để làm sống lại dòng chảy, từ đó khai thác và sử dụng hiệu quả không chỉ cho tưới tiêu, thoát nước mà còn có thể biến thành các điểm du lịch, mang lại giá trị kinh tế khác. “Theo tôi, trong quá trình khôi phục, cải tạo hệ thống sông hồ của Hà Nội, phải chú ý lồng ghép, gắn liền với các quy hoạch chung của thành phố như quy hoạch thoát lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch đô thị… để triển khai đồng bộ. Đồng thời, trong quá trình cải tạo, làm sống dậy các dòng sông thì cũng lồng ghép việc khôi phục các giá trị văn hóa, lịch sử để phát huy tối đa giá trị” - ĐBQH Nguyễn Chu Hồi đề xuất.

Tiến Hưng (Ghi)