Hồi kết của một mô hình?

ANTĐ - Càng ngày mặt trái của “mô hình Trùng Khánh” nổi đình nổi đám càng lộ rõ. Phía sau vẻ hào nhoáng của một thành phố từng được coi là hình mẫu phát triển ở Trung Quốc là những khuất tất về khả năng lạm chi ngân sách công cùng nguy cơ vỡ nợ.

Hình ảnh về sự thịnh vượng của Trùng Khánh

Mới đây, tờ The Wall Street Journal cho biết sau khi tiếp nhận chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh từ ông Bạc Hy Lai vừa bị cách chức, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Đức Giang đã ra lệnh điều tra toàn bộ các hạng mục đầu tư công tại đây, nhất là những hạng mục nhằm thúc đẩy Trùng Khánh trở thành thành phố phát triển và tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Trung Quốc. Cùng với sự hiện rõ dần của bức tranh thật Trùng Khánh, thì những mối lo ngại cũng lớn lên.

Trở lại với giai đoạn 2007, khi ông Bạc Hy Lai nhậm chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh: Tiếp sau chiến dịch truy quét các băng đảng mạnh trong thành phố nhằm lập lại kỷ cương, hàng loạt chương trình phát triển đầy tham vọng cũng bắt đầu. Người ta tính rằng chỉ riêng dự án trồng cây cũng đã lên tới 10 tỉ nhân dân tệ (hơn 32 nghìn tỉ đồng/năm). Ông Bạc cũng gây được nhiều ấn tượng với dự án xây mới 40 triệu m2 nhà ở xã hội cho 2,4 triệu người thu nhập thấp. 

Từ một thành phố bình thường, Trùng Khánh bỗng nổi lên thành ngọn cờ đầu của cả nước trong phát triển. Nằm trong lãnh thổ tỉnh Tứ Xuyên nhưng Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương với dân số 32 triệu người, đông nhất trong tất cả các thành phố Trung Quốc. Sự nổi tiếng của Trùng Khánh gắn liền với thành quả phá vỡ kỷ lục tăng trưởng thông qua doanh nghiệp Nhà nước và đề ra biện pháp giúp người nghèo. Năm 2011, với tốc độ tăng trưởng 16,4% thuộc loại nhanh nhất Trung Quốc (mức trung bình trong toàn quốc là 9,2%), Trùng Khách được báo chí phương Tây mô tả như là một “Chicago” của Trung Quốc, một mô hình nổi bật để nhiều địa phương trong cả nước noi theo. 

Nhưng đằng sau cuộc “đại nhảy vọt” đó là những khoản đầu tư khổng lồ mà bây giờ người ta mới biết rõ. Hiện vẫn chưa rõ con số chính xác các khoản tiền chính quyền thành phố đã đi vay để tài trợ cho nhiều dự án khác nhau là bao nhiêu, nhưng theo tính toán của Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ), trong số 7.600 tỉ nhân dân tệ (121 tỉ USD) đầu tư tài sản cố định năm ngoái, Trùng Khánh chủ yếu lấy từ 8 công ty tài chính địa phương. Các công ty này lại hầu hết sử dụng đất đai để thế chấp vay vốn ngân hàng và lấy giá trị đất “sốt ảo” nhằm tăng giá trị tái đầu tư.

Nay khi Trung Quốc đẩy mạnh chính sách kiềm chế quyền sở hữu, người ta lo ngại sự sụt giảm giá đất. Hệ quả tất yếu như phân tích của các nhà đầu tư là sự dấy lên mối lo ngại về khả năng trả nợ của những cỗ máy đầu tư trên của Trùng Khánh. Công ty tư vấn tài chính ChinaScope cũng chỉ ra những vi phạm quy định Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu của 8 doanh nghiệp này. Chủ trương “bơm mạnh tài chính để nâng cấp hình ảnh các dự án cơ sở hạ tầng và nhà ở” mà ông Bạc đề xuất đang đứng trước nguy cơ phá sản, đẩy Trùng Khánh vào nguy cơ phải hứng chịu gánh nặng nợ nần.

Nay kiến trúc sư Bạc Hy Lai đã bị cách hết các chức vụ, “mô hình Trùng Khánh” cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi nền móng ảo của nó.