Học phí tăng-chất lượng có tăng?
(ANTĐ) - Cùng với thông tin sẽ áp dụng mức học phí đại học mới từ ngày 1-7 theo Nghị định 49 của Chính phủ vừa được ban hành, ngày 18-5, ông Bùi Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn việc tăng học phí phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khi đó, đến thời điểm này, lãnh đạo nhiều trường ĐH công lập trên cả nước đều khẳng định sẽ tăng mức học phí ở mức trần cho năm học mới 2010-2011.
Học phí sẽ tăng dần từ nay đến 2015 |
Tăng trần vẫn chưa đủ bù chi
So với mức học phí hiện hành là 240.000 đồng/tháng, mức học phí mới năm học 2010-2011 sẽ tăng đều ở các nhóm ngành với mức thấp nhất là 50.000 đồng và cao nhất 100.000 đồng/sinh viên/tháng. Mặc dù ở nhóm ngành có mức tăng cao nhất, 340.000 đồng/tháng, mức học phí này của ĐH Dược Hà Nội được cho là vẫn còn quá ít so với chi phí đào tạo. Theo lãnh đạo trường này, chi phí đào tạo cho một sinh viên đã khoảng 1.000 USD/năm và thời điểm này chi phí đào tạo đã tăng lên rất nhiều, vì thế học phí dù có tăng kịch trần thì vẫn chưa thể bù lỗ.
Tương tự, ông Vương Toàn Thuyên - Hiệu trưởng trường ĐH Hải Phòng khẳng định, học phí của trường sẽ tăng kịch trần theo đúng quy định. Thực tế hiện nay, chi phí đào tạo của trường cao hơn nhiều so với mức học phí nên dù học phí có tăng kịch trần theo quy định mới thì vẫn chưa bằng chi phí đào tạo.
Ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, học phí của trường sẽ tăng kịch trần ở tất cả các ngành. Ông Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, chi phí đào tạo của các trường kỹ thuật rất lớn nên sẽ thu học phí kịch trần ở mức 310.000 đồng/tháng.
Thêm chi phí, sinh viên được hưởng quyền lợi gì?
Có thể thấy phần lớn các trường đều nêu ra mức chi cao hơn nhiều so với mức thu dù học phí mới sẽ tăng liên tục từ năm 2009 đến 2015. Trong khi đó, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT việc tăng học phí phải kèm với nâng cao chất lượng đào tạo. Một số trường cho biết, trước mắt số tiền học phí tăng sẽ được dùng để tăng tiền giảng dạy cho giảng viên, giúp họ gắn bó với nghề, có trường sẽ tăng cường dạy ngoại ngữ, dạy kỹ năng mềm sinh viên, biên soạn giáo trình…
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn khi cho rằng việc tăng học phí có thể thấy rõ con số cụ thể các khoản thu thêm của trường trong khi những việc mà nhà trường cần làm để nâng cao chất lượng thì lại khó có thể kiểm soát được.
Về vấn đề này, ông Bùi Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, cho biết, ngày 17-5, Bộ GD-ĐT đã có cuộc làm việc đầu tiên với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để chuẩn bị thông tư liên tịch hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện cấp bù học phí được miễn, giảm cho các trường. Thực hiện công bố công khai các chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có khả năng học tập đều được đi học.
Bên cạnh việc hướng dẫn các trường áp dụng mức học phí mới, Bộ GD-ĐT sẽ sớm có văn bản hướng dẫn việc tăng học phí phải gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo như là một cam kết của các trường buộc phải thực hiện với một lộ trình và những nội dung rõ ràng. Các trường sẽ buộc phải thực hiện điều này thông qua việc công khai tài chính - một trong ba nội dung công khai các trường phải thực hiện liên tục hàng năm và Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên.
Vinh Hương