Hòa giải ở cơ sở đã hạ nhiệt ‘điểm nóng’, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hội thảo “ Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở ” do Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức vào chiều 10-8, đã đưa ra nhiều nhận định xác đáng về công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố và ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố ​​​​​​​Hà Nội đồng chủ trì hội thảo.

Hòa giải giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, khẳng định, hòa giải ở cơ sở có vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Năm 2022 là năm kết thúc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” và triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 23/7/2019 và triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn Thành phố”.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Đàm Văn Huân khẳng định, sự phối hợp giữa MTTQ, cơ quan tư pháp cùng cấp từ thành phố đến cơ sở có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Nghị quyết liên tịch của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đều xây dựng ban hành kế hoạch hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, ông Huân nhấn mạnh, cần kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải, lựa chọn những người tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm đến đội ngũ này có thể đơn giản chỉ là cấp phát một tờ báo tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để có thêm kiến thức.

Thông qua ấn phẩm báo chí, hòa giải viên được cung cấp thêm kiến thức pháp luật

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP ​​​​​​​Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Tham luận tại hội thảo, bên cạnh các ý kiến về bất cập hiện nay trong công tác hòa giải ở cơ sở, những phương án khắc phục hạn chế, hoặc xây dựng tổ hòa giải 5 tốt, các đại biểu đều khẳng định vai trò cần thiết của báo chí đối với tổ hòa giải ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội khẳng định, để thực hiện tốt công tác hoà giải bản thân hoà giải viên cần được tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật bởi họ vừa tham gia hoà giải nhưng cũng là tuyên truyền viên pháp luật.

Cùng với công tác tập huấn, theo ông Chiến việc phát ấn phẩm báo chí xuống các tổ hòa giải rất quan trọng, có lợi ích trong thông tin pháp luật nói chung, vinh danh gương tốt. “Cơ quan báo chí không thể thiếu được trong công tác tuyên truyền, lan tỏa công tác hoà giải ở cơ sở” - ông Chiến nhìn nhận.

Cùng quan điểm về việc cần thiết bổ sung kiến thức pháp luật cho hòa giải viên thông qua các ấn phẩm báo chí, từ nơi xa trung tâm nhất, ông Chu Anh Tuấn, Phó phòng Tư pháp huyện Ba Vì cho rằng là huyện nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, việc được cấp phát báo vừa mang giá trị tinh thần vừa cung cấp kiến thức pháp luật. Các tổ hòa giải trên địa bàn toàn huyện đều đặn nhận được ấn phẩm. “Thậm chí như xã Khánh Thượng, xã xa nhất, cách trung tâm huyện hơn 40km vẫn nhận đủ ấn phẩm. Bà con và cán bộ hòa giải coi đây là tài liệu đọc có thể truyền tay nhau” - ông Tuấn chia sẻ.

Tổng kết, đánh giá lại các ý kiến tham gia hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương khẳng định các ý kiến đều tập trung vào giải pháp làm tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường nguồn lực cho công hòa giải ở cơ sở; đề xuất tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” trong giai đoạn tiếp theo cũng như đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở.

“Sau hội thảo hôm nay, Sở Tư pháp - cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo sẽ báo cáo UBND thành phố tổng kết Đề án, ban hành kế hoạch cũng như đề xuất tiếp tục xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị mới” - bà Phạm Thị Thanh Hương khẳng định.