Hoa, cây cảnh “rởm” bán rong: Khéo, kẻo mua nhầm!

(ANTĐ) - Từ cách đây khoảng một tháng, hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết đã được vận chuyển từ các tỉnh lân cận về Hà Nội. Không ít chậu hoa, cây cảnh khi mới được mua còn tươi tốt, sau một thời gian ngắn đã héo úa, tàn tạ.

Hoa, cây cảnh “rởm” bán rong: Khéo, kẻo mua nhầm!

(ANTĐ) - Từ cách đây khoảng một tháng, hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết đã được vận chuyển từ các tỉnh lân cận về Hà Nội. Không ít chậu hoa, cây cảnh khi mới được mua còn tươi tốt, sau một thời gian ngắn đã héo úa, tàn tạ.

“Tuổi thọ” ngắn ngủi

Cánh lan đang héo úa và rơi rụng sau 1 tuần được mua về

Cánh lan đang héo úa và rơi rụng sau 1 tuần được mua về

Ngày nào đi làm về qua Đại lộ Thăng Long, anh Nam (Tây Mỗ - Từ Liêm) cũng thấy cả chục người bán hoa, cây cảnh, trong đó chủ yếu là các loại phong lan đang ra hoa, vạn tuế, đỗ quyên hoặc cây si còn nhỏ. Thấy tươi tốt, anh Nam hào hứng ghé lại mua. “Tôi mua liền  3 cây phong lan đang ra hoa, 2 cây vạn tuế về nhà trồng để chơi Tết. Nhưng chỉ sau 1 tuần, mặc dù chăm sóc hoa theo đúng hướng dẫn, mấy cây hoa cảnh mới của tôi đều dần héo úa” - anh Nam cho biết.

Theo hướng dẫn của người bán hàng, giỏ hoa phong lan có thể để trong nhà. Lan tím tưới 3 ngày/lần bằng nước lã, lan trắng và lan phớt hồng tím tưới 1 ngày/lần bằng nước lã và 1 tuần, người trồng nên tưới cho cây bằng nước vo gạo 1 lần. Người bán hàng cũng căn dặn khách không nên đổ bã chè vào gốc cây, chỉ nên mua thêm mùn cưa mục để thêm vào gốc.

“Người bán hàng bảo tôi, lứa hoa và nụ đang ra có thể giữ được cả tháng, còn cây lan thì sau vụ hoa này vẫn sẽ tươi tốt. Thực hiện theo hướng dẫn nhưng chỉ sau 1 tuần, hoa lan của tôi rụng cánh lả tả. Lá cũng héo úa. Mà trước khi mua cây, tôi cũng đã cảnh giác, nhưng khi mua, người bán còn bỏ cả bộ rễ cây ra khỏi giỏ chỉ cho tôi xem” - anh Nam phân trần.

Hai cây vạn tuế của anh Nam sau gần 1 tháng về với chủ mới cũng không còn tươi tốt như ban đầu. Anh Nam chưa trồng vạn tuế bao giờ, nên đã xin số điện thoại của người bán hàng  nhờ tư vấn. Đến khi cần, anh Nam gọi vào số máy này đã thấy bị khóa.

Chị Nguyên (Dịch Vọng - Cầu Giấy) lại cho hay: “Tôi đã từng mua hoa lan bán rong, chỉ sau vài ngày là cây chết. Cây gẫy ra từng khúc. Lúc ấy tôi mới biết cây bị gãy từ trước khi tôi mua và người bán khéo léo gắn lại”. Theo chị Nguyên, để “đánh lừa” khách, người bán thường phun lên thân cây loại thuốc kích thích làm xanh lá, tươi hoa, có tác dụng kích thích ra rễ. Mỗi ngày chỉ cần dùng 1/2 chén uống nước để phun lên lá là có được hình thức đẹp. Họ cũng làm một bộ rễ giả và gắn cả cây vào giỏ hoa. Khách hàng thấy tươi tốt thì nghĩ rằng cây có sức sống bền bỉ.

Rẻ mà hóa đắt!

Theo anh Nam, 3 cây hoa lan anh mua 200.000 đồng. Nhưng lúc đầu người bán đòi giá 150.000 đồng/cây. Tương tự, anh Nam cũng chỉ mua 2 cây vạn tuế với giá 75.000 đồng/cây. Theo phản ánh của không ít khách hàng, giá hoa, cây cảnh bán rong không cố định. Hoa đỗ quyên thường được bán với giá 120.000 đồng/chậu nhỏ. Cây si nhỏ bán rong (cao khoảng 1m và chưa uốn thế rõ ràng) cũng được rao bán 700.000-800.000 đồng/cây, song chỉ cần trả bằng nửa giá là người ta bán.

Đã gần đến Tết Nguyên đán, chợ hoa cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám lại rộn ràng bán - mua. Cũng với những cây lan có hình thức tương tự, nhưng giá bán lại lên tới 150.000-200.000 đồng/cây. Người bán hàng nào cũng giới thiệu là lan rừng, có rễ thật và cam đoan là cây sẽ sống. Chị Nguyên cho biết, chị thường xuyên ra đường Hoàng Hoa Thám lựa chọn hoa, cây cảnh, nhất là mỗi dịp Tết đến. Mức giá các loại hoa cảnh thường cao gấp rưỡi so với hoa bán rong nhưng xác suất sống sót lại cao hơn.

Anh Tuân (Xuân La), một người nhiều năm có kinh nghiệm trồng đào, cây hoa cảnh cho biết: “Nếu người mua vẫn sử dụng thuốc kích thích thì sẽ có cây sống, thời gian tươi xanh cũng kéo dài hơn. Những người trồng và bán cây cảnh cố định tại một địa điểm thường sử dụng cách chăm sóc phổ thông như tưới nước gạo cho cây, định kỳ bón phân. Tuy nhiên vẫn có những cây bị chết hoặc còi cọc khi chuyển sang chủ mới, một phần do họ chưa có kinh nghiệm chăm sóc, phần khác do trong quá trình chuyển từ vườn vào giỏ (chậu), vận chuyển đi bán gây “sót rễ”.

Vân Hằng