Hòa bình tại khu vực Trung Đông lại bị đe dọa?

ANTĐ - Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về quá trình phát triển hạt nhân ở Iran được công bố trong tuần này đưa ra bằng chứng cho thấy Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.

Điều này đang đẩy Iran đến nguy cơ hứng thêm một lệnh trừng phạt mới từ Liên Hợp quốc. Nhiều nước phương Tây đang lên kế hoạch tiến tới dùng giải pháp quân sự thay cho biện pháp ngoại giao để đối phó với Iran.

Các nước phương Tây cho rằng, Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình năng lượng hạt nhân dân sự. Căng thẳng giữa Iran và phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của Iran làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ và Israel có thể tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Thời điểm đưa ra báo cáo trên của IAEA chỉ vài tuần sau khi Mỹ cáo buộc Tehran âm mưu ám sát Đại sứ Saudi Arabia tại Washington. Iran đã kịch liệt bác bỏ lời cáo buộc của Mỹ. Đáp trả lập trường của Mỹ và Israel với Tehran, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cáo buộc Washington chủ mưu làm mất uy tín của Iran và gieo mối bất hòa với nước láng giềng Saudi Arabia. Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho rằng báo cáo của IAEA là “một sự bịa đặt” và là một phần trong chiến dịch gồm nhiều mũi của Mỹ chống lại Iran. Giới chức nước này cũng tái khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn chỉ mang mục đích dân sự là sản xuất điện năng.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, những hy vọng của Mỹ về một nghị quyết mới trừng phạt Iran của HĐBA LHQ dường như sẽ không trở thành hiện thực, ít nhất là bởi nhiều nước hoài nghi về những lời cáo buộc của Mỹ đối với Iran. Thêm nữa, Trung Quốc và Nga - các đồng minh truyền thống của Tehran có quyền phủ quyết bất kỳ dự thảo Nghị quyết nào của HĐBA LHQ - không muốn trừng phạt ngành dầu mỏ và khí đốt của Iran. Để vận hành nền kinh tế đang phát triển nhanh của mình, Trung Quốc hiện phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ năm thế giới. Do vậy, HĐBA LHQ sẽ khó lòng áp đặt các lệnh trừng phạt mới được cho là cứng rắn hơn so với lệnh trừng phạt Iran được HĐBA LHQ thông qua hồi tháng 6-2010.

Tuy vậy, một lần nữa, hòa bình tại khu vực Trung Đông lại đang bị đe dọa khi những dự đoán về kế hoạch tấn công Iran của Israel, nước vốn có quan hệ đối đầu với Tehran ngày càng được nhắc tới nhiều trong những ngày gần đây. Giới chức Israel cho biết một kế hoạch quân sự nhằm ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đang được vạch ra. Dù đây phần nhiều là những động thái “khua chiêng gõ mõ” của báo giới Israel, nhưng kịch bản cho xung đột Israel – Iran vẫn được tính đến, nhất là khi những căng thẳng đôi bên tích tụ từ lâu nay chỉ cần một mồi lửa để châm ngòi.

Các lãnh đạo quân đội Iran trong tuần qua đều cảnh báo rằng một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran có thể gây ra “thiệt hại nặng nề” cho các mục tiêu của Israel cũng như của Mỹ. Tên lửa của Iran hoàn toàn có thể nhắm vào Tel Aviv. Ngoài ra, các thế lực khác đều có khả năng sẽ nổ súng vào Israel. Hezbollah từng tuyên bố rằng họ có thể biến Bắc Israel thành một vùng chiến sự như vào năm 2006, buộc các binh sĩ phải rút khỏi Haifa và các thành phố khác. Giờ đây họ lại có tên lửa có thể phóng tới Tel Aviv. Trong khi tên lửa của Syria đều có vũ khí hóa học.

Vào lúc này, Mỹ vẫn đang “bật đèn đỏ” với Israel, khẳng định không có ý định tấn công Iran trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 mà tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bằng con đường ngoại giao, tránh mọi đối đầu quân sự. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thừa nhận hiện tại, họ không thể chắc chắn về việc Israel sẽ báo trước cho họ khi thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu vào Iran.

Trong số các đồng minh của Mỹ, Anh có thể sẽ nhất trí với bất kỳ quyết định nào của Mỹ trong việc đánh Iran. Ngược lại, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe không ủng hộ tấn công quân sự nhằm vào Iran. Thay vào đó, Paris sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Tehran. Bộ Ngoại giao Đức cũng bác bỏ hành động quân sự chống lại Iran, cho rằng mâu thuẫn cần được giải quyết thông qua áp lực ngoại giao.

Phát biểu sau cảnh báo của Tổng thống Israel Shimon Peres về khả năng tấn công quân sự Iran ngày càng hiện hữu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7-11 tuyên bố Nga cảnh báo một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng nhằm vào Iran sẽ là "sai lầm vô cùng nghiêm trọng" với những hậu quả khôn lường. Can thiệp quân sự chỉ khiến cho xung đột leo thang, cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường và tạo ra mối đe dọa mới với an ninh toàn cầu.

Sau Nga và Pháp, Trung Quốc cũng đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về một cuộc tấn công quân sự vào Iran. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng kêu gọi Tehran không nên đối đầu với IAEA.

Trong bối cảnh có nhiều nguồn tin bất lợi, Tehran đã lên tiếng cảnh báo phương Tây rằng nước này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nếu Mỹ và Anh tuyên chiến.