Hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

ANTD.VN - Việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan là nhân tố có yếu tố sống còn đối với không chỉ các nước quanh Biển Đông mà còn với cả thế giới, nhất là trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang có những biến động nhanh chóng, khó lường.

Biển Đông đã trở thành một vấn đề nổi bật tại hầu hết các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế liên quan, không chỉ vấn đề quốc phòng, an ninh mà cả các vấn đề hợp tác kinh tế. Mới đây nhất là cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Viện Hudson (một viện nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại Washington - Mỹ), tổ chức ngày 27-11 (theo giờ Việt Nam) với sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới.

Hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông ảnh 1Việt Nam có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế ở khu vực bãi Tư Chính

Hiểm họa từ “cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc”

Với chủ đề được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, các chuyên gia, học giả đến từ Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… đã cùng nhau chia sẻ quan điểm, biện pháp nhằm đối phó với những hành vi hung hăng, gây hấn của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, mà theo đó đòi phi lý và phi pháp chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Trong đó, đặc biệt đáng lo ngại là việc Trung Quốc thời gian qua ráo riết tiến hành quân sự hóa, triển khai đội tàu vũ trang trá hình quy mô lớn ở Biển Đông, hòng dùng sức mạnh để đơn phương áp đặt chủ quyền theo yêu sách vốn đã từng bị Tòa Thường trực quốc tế (PCA)  ra phán quyết bác bỏ trong vụ kiện của Philippines.

Trong bài tham luận tại bàn tròn “Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Phó Giáo sư Richard Heydarian - Khoa Chính trị học thuộc Đại học De La Salle (Philippines) bày tỏ lo ngại về điều mà ông cho là Trung Quốc “đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông” qua hành động bồi đắp trái phép hàng loạt thực thể thời gian qua. 

Vị Phó Giáo sư cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng cái gọi là “Vạn lý Trường Thành tên lửa đất đối không” bằng cách triển khai tên lửa loại hiện đại nhất ra Biển Đông trong vòng 3 năm qua bên cạnh các máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng điện tử. Cùng với đó, Trung Quốc còn triển khai lực lượng áp đảo các tàu Hải cảnh - một lực lượng bán quân sự được xem là “cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc” - để chiếm ưu thế ở Biển Đông. Điều đáng lo ngại là “mức độ các hoạt động ngoại giao của ASEAN đã không theo kịp những diễn biến trên thực địa” của Trung Quốc.

Tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các bên ở Biển Đông 

Việc không chỉ ASEAN mà cả những cường quốc thế giới, nhất là Mỹ, “không theo kịp những diễn biến trên thực địa” đã khiến Trung Quốc, dù bị phản đối và chỉ trích, song vẫn ngang nhiên tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Toan tính lâu dài và nguy hiểm để hiện thực hóa tham vọng chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc rõ ràng được hoạch định với những giai đoạn, bước đi rõ ràng.

Trước hết là việc thực hiện chiến thuật “thò bàn chân sói” khi dùng vũ lực cưỡng chiếm 7 thực thể là đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào đầu năm 1988. Tiếp đó là việc ồ ạt tiến hành bồi đắp trái phép những thực thể chiếm đóng trái phép này thành những đảo nổi nhân tạo quy mô lớn trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016.

Trung Quốc từ năm 2017 đến nay đang hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông khi triển khai những trang thiết bị, vũ khí hiện đại, từ radar quân sự, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, sân bay, cảng nước sâu… ra các đảo nhân tạo bồi đắp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây chính là những căn cứ để không chỉ tàu chiến mà cả những đội tàu bán vũ trang, và mới đây nhất là tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Trong đó nghiêm trọng nhất là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.

Việc Trung Quốc chiếm ưu thế áp đảo so với các quốc gia liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (6 quốc gia và vùng lãnh thổ hay còn gọi là “tranh chấp 5 nước 6 bên”, gồm: Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam) đã mang tới những nguy cơ khôn lường cho khu vực và thế giới.

Thứ trưởng phụ trách Phương Đông của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur trong phát biểu ngày 21-11 vừa qua đã cho rằng, các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông đóng vai trò trọng yếu đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, việc đảm bảo tự do hàng hải có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Sau khi nêu rõ tầm quan trọng to lớn của tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD và hơn 30% nguồn cung dầu thô quốc tế đi qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhấn mạnh tới việc cần phải có một trật tự dựa trên quy tắc, nơi có sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia liên quan. Phải có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, không được sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông. 

Việt Nam có quyền dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền hợp pháp

Đảm bảo tự do hàng hải, hàng trên Biển Đông đang là một thách thức lớn trong bối cảnh Trung Quốc vẫn không ngừng leo thang các hành động nguy hiểm hòng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển này. Các quốc gia khu vực, các quốc gia trên thế giới có lợi ích sống còn ở Biển Đông không thể duy trì được hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác nếu không kiềm chế, ngăn chặn được tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở đây. 

Là quốc gia liên quan trực tiếp và bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng nhất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông, Việt Nam từ trước tới nay luôn kiên trì, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền được pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước 

UNCLOS 1982, công nhận và bảo hộ. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

Lập trường và hành động đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, cho đó là cách hành xử đầy trách nhiệm nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác. Phó Giáo sư Richard Heydarian cho rằng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 để đoàn kết khu vực ứng phó với Trung Quốc ở Biển Đông.

Cũng theo vị Phó Giáo sư này, Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Trung Quốc về sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật quốc tế, yêu cầu Tòa trọng tài quốc tế chứng minh Trung Quốc “không có quyền đi vào bãi Tư Chính”. Việt Nam hoàn toàn có quyền và được quốc tế ủng hộ khi áp dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của mình, luật pháp quốc tế cũng như cam kết với quốc tế để bảo vệ chủ quyền hợp pháp, chính đáng ở Biển Đông.