Chặn tham vọng Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

ANTD.VN - Cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia trong khu vực và những quốc gia có lợi ích chiến lược gắn bó sống còn với Biển Đông, bằng cam kết cùng hành động thực tế mạnh mẽ của mình đang thể hiện quyết tâm chặn đứng tham vọng biến vùng biển chiến lược trọng yếu toàn cầu này thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông nhằm khẳng định tự do hàng hải cũng như bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc 

Trung Quốc trỗi dậy một cách không hòa bình

Trung Quốc càng hung hăng gây hấn để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông thì cộng đồng quốc tế lại càng tỏ ra quyết liệt và mạnh mẽ hơn nhằm chặn đứng tham vọng nguy hiểm đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và toàn cầu này. Điều đó thể hiện qua những phát biểu đầy cứng rắn cũng như hành động mới đây của cộng đồng quốc tế.

Ngày 27-11 (theo giờ Việt Nam), cuộc hội thảo quốc tế liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã diễn ra tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Thủ đô Washington D.C (Mỹ) với sự tham dự của giới chức, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông. Hội thảo là nơi để các học giả đến từ Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ nêu ra những quan điểm, đánh giá hành động, chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hudson đã diễn ra nhiều hoạt động,  nơi mà giới chức lãnh đạo Mỹ tới dự để đưa ra các thông điệp mạnh mẽ về Trung Quốc đang trỗi dậy một cách không hòa bình. Năm 2018 và 2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần lượt có các phát biểu chỉ trích Trung Quốc trong những sự kiện do Viện này tổ chức.

Trước cuộc hội thảo tại Mỹ, lên tiếng tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax (Canada) ngày 23-11, Đô đốc Hải quân Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) đã chỉ trích trực diện hành vi quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, khẳng định cam kết tự do hàng hải của Washington tại khu vực này.

Đô đốc Davidson cảnh báo, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo, thực thể tại Biển Đông và tăng cường năng lực quân sự tại đây. Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai hải quân trên quy mô toàn cầu trong 30 tháng qua nhiều hơn so với 30 năm qua. Cùng với đó, họ còn phát triển, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh tối tân.

Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng của mình đang nuôi tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, trong đó trước hết là độc chiếm Biển Đông theo yêu sách phi lý, phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Tham vọng này đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan, cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Phát biểu tại hội thảo quốc tế tổ chức ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ngày 18-11 vừa qua tại Washington (Mỹ) để trao đổi về “Tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và xa hơn thế”, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling đã cảnh báo sâu sắc về điều mà ông đánh giá là “những bước tiến dài trên thực địa về khả năng tác chiến của Trung Quốc ở Biển Đông”, khi những gì được bàn bạc ở Mỹ cũng như các nước Đông Nam Á đã “theo không kịp” các bước tiến của Trung Quốc.

Không được thay đổi hiện trạng Biển Đông

Ông Greg Poling cho rằng, Trung Quốc với sự ráo riết và hung hăng của mình đã “thay đổi hiện trạng Biển Đông một cách nhanh chóng”. Trên thực tế, Trung Quốc đã bồi đắp nhiều đảo đá, rạn san hô (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị nước này chiếm đóng trái phép) thành các đảo nổi nhân tạo có tổng diện diện hơn 13km2. Trong đó, đá Vành Khăn, Chữ Thập và Subi bị biến thành 3 đảo nổi, 3 căn cứ quân sự quy mô lớn với sân bay và cảng nước sâu.

Theo Giám đốc AMTI, Trung Quốc từ năm 2017 đã chuyển sang giai đoạn 2 là hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự, dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí, nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo… Từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn 3 về quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai các trang thiết bị, vũ khí hiện đại ra các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, bao gồm đưa máy bay quân sự ra đá Subi và Vành Khăn, hạ cánh lên đá Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa tên lửa hành trình, thiết lập các thiết bị phá sóng… trên các đảo nổi nhân tạo.

Bên cạnh đó, ưu thế của Trung Quốc trên Biển Đông còn là đội ngũ các tàu hải giám, tàu dân quân biển “gia tăng như vũ bão” sau khi nước này thiết lập được các cứ điểm với đầy đủ cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật trên các đảo nổi nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện có tới trên 300 chiếc tàu kiểu này thường xuyên hoạt động quấy nhiễu ở Biển Đông. Ông Greg Poling cho rằng, các đảo nổi nhân tạo là những bàn đạp để Trung Quốc có thể duy trì cường độ quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực bãi Tư Chính trong 4 tháng vừa qua.

Thông điệp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế

Rõ ràng, cộng đồng quốc tế phải mạnh mẽ vạch trần toan tính nguy hiểm của Trung Quốc, đồng thời có trách nhiệm và hành động chung nhằm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông trước khi quá muộn. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi lên tiếng tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax đã khẳng định rằng, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đảm bảo hỗ trợ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Theo Đô đốc Philip Davidson, cho tới nay, Canada, New Zealand, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đều đã đưa tàu chiến qua Biển Đông tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự  trong sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như duy trì hòa bình, an ninh và ổn định.

Đô đốc Philip Davidson khẳng định, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông. Theo đó, một số cuộc diễn tập quân sự đã được thực hiện tại vùng biển trọng yếu này vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Đáng chú ý, cuộc diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN hồi tháng 9 đã diễn ra với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia, cùng 1.250 quân nhân của tất cả 10 nước ASEAN. Bên cạnh đó, Mỹ đã thực hiện liên tiếp 2 cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông trong những ngày gần đây nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng, cứng rắn với tham vọng của Trung Quốc.

Trong đó, ngày 20-11, tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý sát đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tiếp đó, ngày 21-11, tàu khu trục Wayne E. Meyer đã thực hiện chuyến đi tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Theo vị chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông sẽ còn tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ hơn khi Mỹ luân chuyển lực lượng tới Singapore, đồng thời triển khai sức mạnh không quân và hải quân từ các căn cứ tại Nhật Bản.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thể chấp nhận được với cộng đồng quốc tế. Những cam kết cùng hành động mạnh mẽ thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó.