Hỗ trợ, sửa chữa nhà cho người có công: Không để tiền "đi nhầm" chỗ

ANTD.VN - Chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22 phải được thực hiện dứt điểm trong năm 2019, không để kéo dài mãi.

Chính sách hỗ trợ phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch 

Liên quan tới chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Chính sách phải đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, tránh thất thoát. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi, không được để tiền Nhà nước, người dân hỗ trợ đi nhầm vào nhà cán bộ, đi nhầm vào nhà giàu, không đúng đối tượng chính sách”. 

Gần 117.000 hộ đã được hỗ trợ nhà ở  

Bộ Xây dựng cho biết, sau 4 năm thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 22) về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, tính đến ngày 15-5, cả nước đã có gần 117.000 hộ hoàn thành việc xây mới và sửa chữa, cải tạo nhà ở theo Quyết định này.

Trong đó, có hơn 61.000 hộ xây mới và hơn 55.800 hộ sửa chữa, cải tạo. Ngoài ra, có 2.334 hộ đang triển khai xây mới và 4.453 hộ đang sửa chữa, cải tạo. Như vậy, tổng số hộ đã và đang thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở là 123.754 hộ, vượt 43.754 hộ so với kế hoạch ban đầu là 80.000 hộ. Kết quả nổi bật là hầu hết các địa phương đã hoàn thành kế hoạch hỗ trợ trong giai đoạn 1 theo Quyết định 22. Nhiều tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch như Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cà Mau...

Trong 10 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 đã có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc tích cực tham gia vào công tác hỗ trợ, ủng hộ, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, giúp người có công ổn định và từng bước cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến tiến độ triển khai rất chậm...

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết thêm, chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, sẽ hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho 299.920 hộ gia đình có công với cách mạng trong 2 năm 2017-2018.

Không để trục lợi chính sách

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hiện nay, cả nước có khoảng 9 triệu người có công với cách mạng. Về cơ bản các hộ gia đình chính sách đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, phần lớn các hộ gia đình chính sách đã có mức sống bằng hoặc cao hơn cuộc sống người dân nơi cư trú.

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là sự tiếp nối và khẳng định sự quan tâm, ưu tiên chăm lo, đảm bảo vấn đề nhà ở đối với người có công với cách mạng. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, trong 10 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, trong năm 2017-2018, sẽ ưu tiên theo thứ tự cho các đối tượng. Thứ nhất là những gia đình liệt sĩ, sau đó là gia đình thương binh nhưng có hoàn cảnh nhà ở rất khó khăn; thứ ba là ưu tiên những gia đình chính sách đã xây mới hoặc sửa chữa nhà và đã được các cấp chính quyền đồng ý nhưng chưa được hỗ trợ tiền. Những trường hợp nào còn sót lại giải quyết nốt trong năm 2019, không để chính sách kéo dài mãi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa, vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ, đẩy mạnh xã hội hóa việc tham gia xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với những gia đình người có công có khó khăn về nhà ở, tránh tư tưởng chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước.