Hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình mở xả đáy, Hà Nội khẩn cấp phòng úng ngập

ANTD.VN - Cùng với việc 2 hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở cửa xả đáy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã có công điện chỉ đạo chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.

Mực nước hồ Sơn La và Hòa Bình đang ở mức cao. Cụ thể, lưu lượng đến hồ Sơn La đang ở mức cao (9. 520m3/s), mực nước thượng lưu hồ lên nhanh, đang ở cao trình 212,78m và khả năng sẽ vượt 213,00m trong sáng ngày 3/9; mực nước hồ Hòa Bình đang ở cao trình 115,00m. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dòng chảy đến hồ Sơn La tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong 2 ngày tới; khu vực miền núi phía Bắc đang có mưa to, mưa lớn diện rộng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc còn kéo dài đến đêm 3/9/2018. 

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai lệnh mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La và mở 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 13h00 ngày 3/9/2018.

Hồ Sơn La và hồ Hòa Bình đã mở 1 cửa xả đáy 

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu: UBND các quận, huyện, thị xã dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời về việc xả lũ hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; 

Cần di chuyển phương tiện vận tải thủy, trạm bơm ven sông, cống dưới hệ thống đê và các công trình, các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi; nhân dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Phải yêu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông...; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Đặc biệt, phải kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn

Cùng đó, cần có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất cháy, nổ , hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; đảm bảo an toàn về điện.

Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết .

Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố Hà Nội sẵn sàng lực lượng phương tiện để kịp thời ứng cứu khi xảy ra các sự cố trong lúc xả lũ.

Các đơn vị liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ mọi thông tin về xả lũ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra...