“Hộ chiếu vaccine” - “chìa khóa” cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Hộ chiếu vaccine” đang nổi lên như một giải pháp tất yếu và xu thế chung trên thế giới, không chỉ giúp việc đi lại của cá nhân giữa các quốc gia được thuận lợi, tự do và bình thường mà còn góp phần phục hồi kinh tế và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
“Hộ chiếu vaccine” sẽ giúp các trung tâm du lịch như Phú Quốc sớm phục hồi và phát triển

“Hộ chiếu vaccine” sẽ giúp các trung tâm du lịch như Phú Quốc sớm phục hồi và phát triển

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”. Trong bối cảnh áp dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử” đã trở thành xu thế toàn cầu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Từ góc độ của Việt Nam, “hộ chiếu vacccine” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng Covid-19 theo quy định, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế. Sau khi được tiêm vaccine phòng Covid-19, người dân sẽ được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Nhân viên ngành y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng của người đã tiêm lên hệ thống phần mềm, giúp cơ quan quản lý nắm bắt và giám sát thông tin người đã được tiêm. “Hộ chiếu vaccine” cũng cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm.

Hình thức “hộ chiếu vaccine” không phải là điều mới lạ. Trước đây, mỗi khi có dịch nguy hiểm, Liên hợp quốc cũng đã áp dụng hình thức chứng nhận tiêm chủng. Hành khách đi từ quốc gia này đến quốc gia khác trong các mùa dịch có thể trưng ra các bằng chứng đã tiêm chủng để kiểm tra, giám sát và theo dõi. Giấy chứng nhận như vậy đã trở thành một thông lệ, một điều tốt, tích cực.

Với đại dịch Covid-19 hiện nay, khi đa số người dân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, nhiều quốc gia đã bắt đầu thí điểm và áp dụng “hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, nhất là với ngành hàng không, du lịch và một số ngành công nghiệp khác. Trong Liên minh châu Âu (EU), từ 1-7-2021, “hộ chiếu vaccine” đã được triển khai dưới dạng “thẻ xanh kỹ thuật số”, được cấp miễn phí dưới dạng giấy và kỹ thuật số, có nội dung song ngữ, bao gồm ngôn ngữ của quốc gia thành viên EU và tiếng Anh, cùng với mã QR để thuận tiện sử dụng. Người có “hộ chiếu vaccine” được phép đi lại xuyên biên giới giữa 27 thành viên EU. “Hộ chiếu vaccine” cũng đã được áp dụng ở Israel, Anh, Nga, Australia, Trung Quốc... và mang lại hiệu quả tích cực, nối lại giao thương, thúc đẩy phục hồi kinh tế và thiết lập trạng thái bình thường mới.

Với Việt Nam, “hộ chiếu vaccine” đã được thí điểm lần đầu tiên với chuyến bay từ Nhật Bản tới sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), vào ngày 4-9. Toàn bộ hành khách trên chuyến bay phải đáp ứng đủ 2 điều kiện, bao gồm phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh), có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận. Sau khi nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, các hành khách thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày, rút ngắn 7 đến 14 ngày so với quy trình bình thường, tùy thuộc vào chủng biến thể Covid-19 nơi hành khách xuất cảnh.

“Chìa khóa” cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế

Chính sách “hộ chiếu vaccine” có thể coi là “chìa khóa” cho việc mở cửa và phục hồi nền kinh tế, nhất là với các ngành du lịch và hàng không. Lợi ích là rõ ràng nhưng cũng có các quốc gia và những ý kiến e ngại bởi các lý do, như: công nhận và phân phối vaccine đang còn nhiều diễn biến phức tạp, vaccine chưa đảm bảo chắc chắn cho việc ngăn ngừa nhiễm và lây lan dịch bệnh, khó khăn trong việc hợp tác và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho chính sách “hộ chiếu vaccine”.

Hiện, Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai “hộ chiếu sức khỏe điện tử” cũng như những thỏa thuận liên quan ở cấp chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai áp dụng đối với khách quốc tế nhập, xuất cảnh ở nước ta. Bộ Y tế mới ban hành hướng dẫn về cách ly y tế với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Để “hộ chiếu sức khỏe điện tử” có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia cũng như liên kết hệ thống một cách toàn diện, việc này đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.

Tuy nhiên, việc công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã trở thành vấn đề quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các cơ quan chức năng đang tích cực trong công tác nghiên cứu, chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ đối với chính sách “hộ chiếu vaccine”. Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua kiểm tra mã QR-code. Phương thức này dựa vào hai dữ liệu cơ bản: Số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.

Tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: “Cố gắng từ nay đến 30-9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội”. Cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương mới đây cũng đã thống nhất chuyển từ mục tiêu “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, việc sớm đưa vào áp dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ là giải pháp cần thiết, vừa bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, vừa giúp khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.