Hình thức lừa đảo mới: Mạo danh nhân viên bệnh viện để bán sữa, vay tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên bệnh viện để bán sữa, vay tiền. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo mới này.
Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mới
Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mới

Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này là tạo lập giả mạo fanpage có hình ảnh và logo của các bệnh viện như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, nhằm thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu chữa bệnh để lại thông tin cá nhân. Các đối tượng gọi điện, tự xưng là bác sĩ của hai bệnh viện để tư vấn, mời chào mua các liệu trình điều trị độc quyền do các bệnh viện điều chế, sản xuất với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Để củng cố lòng tin của khách hàng nhằm bán sữa, thực phẩm chức năng, thậm chí vay tiền, các đối tượng lừa đảo đã gửi thông tin dữ liệu khám chữa bệnh BHYT của người bệnh qua Zalo, Facebook. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết các đơn vị nghiệp vụ vừa phá chuyên án, triệt phá đường dây lừa đảo qua hình thức tự tạo lập các fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các bệnh viện lớn để bán thuốc với số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7.000 bị hại trên toàn quốc.

Công an xác định đối tượng là Phạm Viết Trung (sinh năm 1995, ở Ninh Bình) đã thuê mặt sàn tại Hà Nội để mở văn phòng; thuê 21 đối tượng để lập các fanpage có hình ảnh, logo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103, nhằm thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu chữa bệnh để lại thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại...

Sau đó, các đối tượng gọi điện, tự xưng là bác sĩ của hai bệnh viện để tư vấn, mời chào mua các liệu trình điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp và quảng cáo là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do các bệnh viện điều chế, sản xuất.

Khi khách có nhu cầu sử dụng loại nào, các đối tượng sẽ đặt mua lại các sản phẩm của các hộ kinh doanh thuốc đông y ở huyện Ba Vì (Hà Nội) rồi lừa bán với giá cao hơn gấp nhiều lần giá nhập vào.